QĐND - Gần 4 năm làm nhiệm vụ vận tải quân sự trên Đường Trường Sơn huyền thoại, Phan Văn Quý đã mưu trí, dũng cảm lái xe chạy 65.000km an toàn, tiết kiệm được 7000 lít xăng, là người dẫn đầu trong phong trào giữ tốt, dùng bền của Sư đoàn 571. Phan Văn Quý được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân khi mới 23 tuổi. Rời quân ngũ, ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Bình Dương; hiện nay, ông là đại biểu Quốc hội khóa XIII, tiếp tục cống hiến trong lĩnh vực mới: Thương trường và nghị trường…
Né bão” trên thương trường
15 năm bươn chải trên thương trường, Phan Văn Quý luôn tuân theo triết lý kinh doanh của mình, cũng là slogan (khẩu hiệu) của Tập đoàn Thái Bình Dương: “Giá trị đích thực”. 4 chữ ngắn gọn ấy, theo ông, đơn giản là tạo ra sự khác biệt và trên hết, mục đích, hiệu quả của nó phải có ích cho đất nước, cho nhân dân và sau cùng là cho mình và gia đình.
|
Đại biểu Phan Văn Quý phát biểu trong một kỳ họp Quốc hội về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế. |
Tôi còn nhớ cách đây 6 năm, khi ngân hàng, chứng khoán trở thành ngành “hot”. Hồi đó, ông cũng sở hữu ngân hàng và công ty chứng khoán như nhiều người. Đùng một cái ông bán sạch. Rồi khi doanh nghiệp đua nhau đầu tư vào chung cư thì ông lại đi tìm đến phân khúc “phân lô, bán nền” và thoát khỏi vụ "xì hơi” khủng khiếp của “bong bóng” bất động sản. Sau này, nhiều nhà báo viết về ông đã coi đây là một cú “né bão” thành công của ông trên thương trường. Còn với tôi, ông từ tốn bảo: Đó là một cuộc “tái cấu trúc doanh nghiệp”. Thuật ngữ này mãi 5 năm sau, khi nền kinh tế khó khăn, bất động sản, chứng khoán suy thoái, nợ xấu ngân hàng trầm trọng, chúng ta mới nghe nhiều đến từ tái cấu trúc và đến bây giờ, cả nền kinh tế đất nước và hầu hết các doanh nghiệp đang gồng mình với cuộc trường chinh tái cấu trúc.
Có dịp ông tâm sự với tôi về ngành công nghiệp phụ trợ. Ông bảo, không có công nghiệp phụ trợ thì Việt Nam khó lòng thu hút mạnh được đầu tư nước ngoài. Trong ông nhen lên ý tưởng thành lập Hiệp hội Nội địa hóa với mong muốn hội sẽ là nơi tập trung các nhà sản xuất trong nước, xây dựng, bảo vệ và phát triển nền công nghiệp phụ trợ. Ý tưởng được nhóm lên, nhưng ông bảo giờ phải làm một mô hình cụ thể đã. Vậy rồi bẵng đi một thời gian, đùng một cái, báo chí ầm ầm đưa tin về việc Tập đoàn Thái Bình Dương trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam ký Hợp đồng EPC Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 với hai đối tác nước ngoài là Mitsubishi (Nhật Bản) và Doosan (Hàn Quốc). Hôm ký kết Hợp đồng EPC-Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, đích thân Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến dự và rất vui mà nói rằng: “Đây là dự án đầu tiên trong ba dự án về điện cấp bách của Chính phủ, vì vậy, tôi xuống đây để nhìn tận mắt, sờ tận tay… Mô hình này thành công sẽ tạo tiền đề để nhân rộng sang các mô hình khác”.
Tôi gặp ông vào cuối buổi tiệc chúc mừng Lễ ký Hợp đồng EPC, ông vui nói với tôi rằng: Giá trị hợp đồng do Việt Nam thực hiện chiếm khoảng 35% tổng giá trị Hợp đồng EPC. Sẽ có khoảng 500 triệu USD của dự án do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giải quyết công ăn việc làm, phát triển nội địa hóa và tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh phát triển. Đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp điện là một lĩnh vực đầu tư khó. Trong khi không ít người “ăn xổi” chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, thì ông lại đầu tư và nghĩ đến việc “dài hơi” hơn. Cũng có thể, khi dấn thân là khi ông đã đặt lợi ích chung lên tất thảy-ấy là cái mà Nhà nước đang cần, dân ta đang thiếu, như nhiều lần ông đã tâm sự cùng tôi. Hy vọng một ngày không xa, ý tưởng thành lập Hiệp hội Nội địa hóa của ông sẽ thành hiện thực.
Nghị trường và câu chuyện “bếp núc”
Ông vào Quốc hội khóa XIII từ một doanh nhân tự ứng cử. Khi trở thành đại biểu Quốc hội, ông dành một chuyên mục riêng trên website của Tập đoàn Thái Bình Dương để thông tin về hoạt động tham gia Quốc hội của mình. Ý kiến của cử tri, những đóng góp trong hoạt động lập pháp, chất vấn đại biểu Quốc hội đều được ông công khai trên website. Ông bảo: Nhiều lần tiếp xúc cử tri, cử tri hỏi về việc giải quyết đơn, thư của họ đến đâu, tôi giới thiệu lên website để họ theo dõi. Vậy là không phải giải thích gì thêm cho cử tri, buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội cũng không lãng phí thời gian, bản thân cử tri có đơn, thư cũng rất hài lòng.
|
Ông Phan Văn Quý (thứ hai, từ phải sang) cắt băng khánh thành Trung tâm Đào tạo ngoại ngữ giáo dục định hướng tại tỉnh Nghệ An do Tập đoàn Thái Bình Dương và Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung tài trợ.
|
Ở nghị trường, ông tham gia nhiều ý kiến thuộc lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực mà hằng ngày, hằng giờ, doanh nghiệp đang sống chung với các quyết sách của Quốc hội, của Nhà nước và Chính phủ. Ông tâm sự: Lập pháp là lĩnh vực rộng lớn. Mình chỉ ý kiến điều gì mình thật chắc chắn và điều gì có lợi cho cái chung của đất nước, của nhân dân mà thôi. Ý kiến của ông và của nhiều đại biểu khác được Quốc hội ghi nhận phải kể đến đề xuất phát triển công nghiệp quốc phòng, kinh tế biển, hay đề xuất điều chỉnh tỷ lệ 30% thành 25% tại Khoản 2, Điều 14 của Dự thảo Luật Đấu thầu, mục b quy định ưu đãi cho nhà thầu liên danh…
Có lần, tôi đến thăm ông vào cuối ngày làm việc. Sau khi tham dự buổi họp của Quốc hội trở về công ty, ông lại dành thời gian để chuẩn bị nội dung cho bài phát biểu tại nghị trường ngày hôm sau. Ông chỉnh sửa từng câu, từng chữ, rồi bấm giờ để đọc sao cho không quá 7 phút. Ông bảo: Quốc hội cho 7 phút, nếu ta phát biểu quá 1 phút thì gần 500 đại biểu sẽ mất tương đương gần 500 phút. Đó là một sự lãng phí đáng trách.
Tấm lòng với quê hương, đồng đội...
Sinh ra và lớn lên ở miền quê mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì lụt lội. Thương bà con không có nước sạch để dùng, lo cho sức khỏe của người dân, ông bỏ ra 3 tỷ đồng để làm nhà máy nước cho cả xã Nhân Thành (Yên Thành, Nghệ An). Nhà máy nước làm xong, gia đình nào muốn có nước sạch để dùng phải bỏ ra 1 triệu đồng để dẫn nước về. Ông biết, người dân quê ông còn nghèo, nhiều gia đình sẽ không có tiền để dẫn nước sạch về nhà. Một lần nữa, ông lại rút túi 1,7 tỷ đồng để kéo nước về tận nhà cho bà con. Tôi nghe người nhà ông kể lại: 1.700 hộ dân được dùng nước sạch mang ơn ông. Nhiều người mang gà để cảm tạ và nói: Chúng tôi mỗi nhà sẽ tự nguyện mang một con gà để biếu ông. Nhưng, người trong gia đình ông đã từ chối!
Ông cũng rất trăn trở với sự học của người dân quê mình. Ông tự hào khi kể về huyền tích “con cá gỗ”, về những bậc tiền bối học rộng, tài cao, thời nào cũng có của quê hương xứ Nghệ. Nhưng ông cũng buồn khi kể về những gia đình ở nông thôn nợ nần chồng chất chỉ vì bằng mọi giá phải cho con đi học đại học. Ông tài trợ để xây dựng Trường Trung cấp nghề tại Yên Thành, Nghệ An. Hàng nghìn công nhân có tay nghề đã trưởng thành từ ngôi trường này và có công ăn việc làm ổn định. Mô hình này đã giúp thay đổi phần nào quan niệm của người dân quê ông khi coi đại học là con đường duy nhất để làm nên sự nghiệp. Ông tham gia sáng lập và là Phó chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, Quỹ Tâm Tài Nghệ An, là sáng lập viên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và đến nay, ông dành hàng chục tỷ đồng để tài trợ cho các hoạt động xã hội, từ thiện, tri ân gia đình có công với cách mạng...
Tôi cũng dăm lần thắc mắc với ông về việc ông và Tập đoàn Thái Bình Dương ít xuất hiện trên các diễn đàn thông tin, báo chí. Ông nói với tôi rằng: Sống ở trên đời hay trong nghiệp kinh doanh, nó như người trồng cây vậy, phải tìm đất, tìm giống, chăm sóc, bảo vệ hằng ngày mới cho ta hoa thơm, trái ngọt. Điều còn mãi trong lòng đối tác, khách hàng, đồng nghiệp, bạn bè… ấy là “Giá trị đích thực” của một con người, của một doanh nghiệp, một người lính mang danh hiệu cao quý: Bộ đội Cụ Hồ.
Bài và ảnh: NHẬT KHÁNH – THƯ BÌNH