Năm 2019, tôi đến thăm Đại tá Cao Kính tại nhà riêng ở số 39 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ông tặng tôi cuốn hồi ký của mình và bảo: “Hơn 47 năm quân ngũ, trải qua nhiều chức vụ, cương vị công tác, trải qua 3 cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới của Tổ quốc, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều tôi tâm đắc nhất khi ở cương vị giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và lãnh đạo nhà trường là được đem những kinh nghiệm thực tiễn trong chiến đấu, xây dựng Quân đội để góp phần giáo dục truyền thống, truyền thụ tinh thần yêu nước, động lực phấn đấu cho thế hệ trẻ”.

Đại tá Cao Kính quê ở xã Yên Khang, huyện Ý Yên (Nam Định). Ông nhập ngũ năm 1949, vào học Khóa 6, Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Học xong, ông được biên chế về Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176, Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316). Từ đó, ông cùng Đại đoàn 316 hành quân, tham gia chiến đấu trên địa bàn Tây Bắc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào và tham gia trận đánh Buôn Ma Thuột tháng 3-1975, mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên. Khi miền Nam giải phóng, ông được điều ra Bắc, về công tác tại Học viện Chính trị.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, ông được tăng cường cho Tiền phương Bộ Tổng Tham mưu khu vực phía Nam. Ngày 27-2-1979, khi thành lập Sư đoàn 301 thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô, ông được bổ nhiệm Phó tư lệnh Sư đoàn 301, làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Năm 1982, ông về công tác tại Cục Xuất bản Quân đội (nay là Nhà xuất bản Quân đội nhân dân). Năm 1987, ông được bổ nhiệm Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, công tác đến năm 1997 thì nghỉ hưu.

leftcenterrightdel

 Chiến sĩ mới Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301) luyện tập bắn súng. Ảnh: HƯƠNG THU

Tôi có hỏi chuyện Đại tá Cao Kính về những năm tháng ở Sư đoàn 301 thuộc Quân khu Thủ đô (thành lập ngày 5-3-1979, trên cơ sở Bộ tư lệnh Thủ đô) và hoạt động của Quân đoàn 34 làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội mà ít người nhắc tới. Ông kể: “Ban đầu thành lập, Sư đoàn 301 có hai Trung đoàn 756, 757 và một số tiểu đoàn, đại đội trực thuộc. Hơn một tháng sau, Trung đoàn 59 được Tư lệnh Quân khu Thủ đô điều động về đội hình Sư đoàn 301.

Thời gian này, Sư đoàn vừa khẩn trương ổn định tổ chức, biên chế vừa huấn luyện và xây dựng tuyến phòng thủ sông Thương, sông Cầu thuộc tỉnh Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh). Do cán bộ mới được điều động từ các chiến trường và các cơ quan Bộ Quốc phòng, quân khu, đơn vị bạn về; còn chiến sĩ hầu hết là công dân của các quận, huyện thuộc TP Hà Nội nên tôi cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh Sư đoàn 301 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ổn định tư tưởng, giáo dục nhiệm vụ, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ vinh dự, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Tuy cơ quan chỉ cách nhà khoảng 30-40km nhưng cả tháng tôi mới đi tranh thủ ngày chủ nhật”. 

Sau hơn 6 tháng, Sư đoàn đi vào hoạt động nền nếp và cơ động về đóng quân tại địa bàn Hà Nội. Tháng 1-1980, Chủ tịch nước ký Lệnh số 16/LCT thành lập Quân đoàn 34 trực thuộc Quân khu Thủ đô. Quân đoàn 34 gồm các Sư đoàn: 301, 321, 354. Đảng ủy Quân đoàn cũng được thành lập, đồng chí Cao Kính là đảng ủy viên. Đảng ủy Quân đoàn 34 họp phiên đầu tiên ở một trường học thuộc xã Vân Nội, huyện Đông Anh. Khoảng 8 tháng sau, để phù hợp với điều kiện thực tế của Quân khu Thủ đô, Quân đoàn 34 có quyết định giải thể. Đồng chí Cao Kính khi đó được giao Quyền Tư lệnh Sư đoàn 301 trực thuộc Quân khu Thủ đô.

Đại tá Cao Kính kể: “Năm 2009, tôi trở lại thăm Sư đoàn 301 và vui mừng thấy Sư đoàn đổi mới, phát triển, doanh trại khang trang, chính quy, xanh, sạch, đẹp. Nhớ năm 1979 khi mới thành lập, đóng quân ở huyện Yên Dũng (nay thuộc tỉnh Bắc Giang), chúng tôi được Đảng ủy, chính quyền, nhân dân, Hội Mẹ chiến sĩ xã Nham Sơn (nay thuộc thị trấn Nham Biền), huyện Yên Dũng ủng hộ gần 5.500kg rau xanh, khoai tây, bí đỏ, hơn 2.000 quả trứng và hàng trăm cây tre để bộ đội xây dựng đơn vị. Nay, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã tổ chức tăng gia sản xuất theo mô hình tập trung, chuyên canh, đạt năng suất và chất lượng cao. Đời sống của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn ngày càng cao, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội...”.

ĐỨC ANH