Thắp nén nhang thành kính trước án hương đặt trang nghiêm tại khu tưởng niệm, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai-biệt danh “con thoi sắt”, ngụ tại quận Tân Bình, rì rầm khấn vái. Lát sau, bà tươi cười, vẻ phấn khởi nói với những người xung quanh: “Lẽ ra nhà truyền thống phải được xây dựng khang trang từ nhiều năm trước. Nhưng như thế này cũng là mãn nguyện, thỏa lòng tri ân của những người còn sống đối với công lao của các mẹ, các chị và bà con vùng lõm Bảy Hiền”.
Bà Nguyễn Thị Mai là một trong số rất nhiều cán bộ, chiến sĩ hoạt động bí mật được người dân khu vực Bảy Hiền che chở thoát khỏi sự truy bắt của kẻ thù. Bà Mai kể: “Một lần, tôi cùng một đồng đội được giao nhiệm vụ đánh địch ở đường Lý Thường Kiệt. Địch phát hiện, chúng tôi chạy vào làng dệt gần ngã tư Bảy Hiền thì gặp một bà má đứng ngay đầu hẻm. Má hướng dẫn chúng tôi chạy sâu vào trong, còn mình đứng lại đợi bọn lính đuổi tới. Chúng hỏi má có nhìn thấy “hai tên phiến loạn” chạy qua đây không? Má bình tĩnh trả lời “có” rồi chỉ cho tụi lính đuổi theo hướng khác. Chúng tôi được ẩn nấp sau những chồng vải xếp kín nên an toàn, không bị lộ”.
Vùng lõm Bảy Hiền vốn là làng dệt thủ công, phần lớn người dân đều từ Quảng Nam vào lập nghiệp. Với địa thế hiểm trở, nhiều ngõ ngách, nơi đây phát triển thành căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ và bộ đội chủ lực trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo lời kể của người dân địa phương, ngã tư Bảy Hiền được mang tên của một điền chủ tên là Trần Văn Hiền. Ông Bảy Hiền giàu có nhưng không coi khinh người nghèo mà ngược lại, vợ chồng ông hay giúp đỡ, cưu mang người dân khốn khó. Nhà ông ở gần ngã tư, nên lâu dần người ta quen gọi ngã tư ấy là Bảy Hiền.
    |
 |
Nhà truyền thống vùng lõm chính trị-căn cứ cách mạng Bảy Hiền vừa được khánh thành. |
Trên thực tế, khu vực Bảy Hiền là vùng ven đô thuộc tỉnh Gia Định (trước đây), án ngữ cửa ngõ quan trọng vào nội thành Sài Gòn nên địch bố trí các căn cứ quân sự dày đặc, bốt bảo an ngày đêm kìm kẹp, kiểm soát, khống chế nhằm bảo đảm an toàn cho sân bay Tân Sơn Nhất và các căn cứ quân sự của ngụy quyền. Thế nhưng, chính tại nơi đây, ngọn lửa cách mạng của nhân dân vẫn âm ỉ cháy, các hoạt động bí mật vẫn phát triển không ngừng, sục sôi lòng yêu nước. Theo phân tích của nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, một cán bộ từng hoạt động và trưởng thành trong vùng lõm chính trị Bảy Hiền: Khu vực này có hơn 90% bà con làm nghề dệt thủ công nên tiếng ồn rất lớn, hoạt động mua bán vải diễn ra hằng ngày, đông người qua lại; nhiều đường ngang ngõ tắt, bọn địch muốn kiểm soát phải điều nghiên rất kỹ cũng khó nắm chắc được địa hình. Hơn nữa, lợi thế lớn nhất ở đây là lòng dân tin tưởng, ủng hộ cách mạng nên thuận tiện cho ta phát triển cơ sở. Do vậy, lực lượng tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nhất là các đội nữ tuyên truyền bám sát địa bàn, đẩy phong trào quần chúng lên cao, tạo sức mạnh từ bên trong, hậu thuẫn cho bộ đội chủ lực tiêu diệt địch.
Bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền (Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn-Gia Định), từng nằm vùng chiến đấu cùng bà con Bảy Hiền nhớ lại: “Trong một lần nghe thầy Thích Tâm Thanh, trụ trì chùa Phổ Hiền thuyết pháp về chống bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu, cả vùng lõm rủ nhau đốt thẻ cử tri để phản đối bầu cử, đòi hòa bình, chống chiến tranh. Tụi lính dã chiến kéo đến đàn áp, bà con trèo lên nóc nhà bỏ ống tơ, thùng phuy ra đường để chúng trượt chân té ngã, lấy gạch đá nện xuống. Nhiều tên sứt đầu, mẻ trán. Cầm cự không nổi, tụi lính phải rút lui. Bà con vui mừng động viên nhau đoàn kết, đồng lòng, mỗi nhà là một chiến lũy, chặn đánh địch ngay từ đầu làng, không để bất cứ cơ sở bí mật nào bị bắt”.
Suốt nhiều năm tồn tại giữa bốn bề đồn, bốt của địch, người dân Bảy Hiền vẫn lặng thầm nuôi giấu cán bộ và bền bỉ đấu tranh chống quân thù. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, có 3 chiến sĩ thuộc đơn vị chủ lực hy sinh tại vùng lõm, bà con đã lập miếu thờ bất chấp sự ngăn cấm của bọn lính bảo an. Ngôi miếu ấy ngày nay vẫn tồn tại ở nơi trang trọng, xung quanh là nhà ở của bà con Bảy Hiền.
Bài và ảnh: CHÂU GIANG