Một tác phẩm thơ khác mà khi nói tới Chiến thắng Điện Biên Phủ không thể không nhắc tới là bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ là bức tranh toàn cảnh về “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” của bộ đội ta để làm nên một Điện Biên “chấn động địa cầu”, một mốc son chói lọi, một “vành hoa đỏ”, “thiên sử vàng” của lịch sử Việt Nam.

Và trước khi soạn tập sách, tôi đã biết, khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá, nhà thơ Chính Hữu (nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) là Chính trị viên Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Đại đoàn Quân Tiên Phong. Tác giả những câu thơ buồn: “Đêm Hà Nội buốt tê/ Mái buồn nghe sấu rụng” năm nào đã khắc tạc chân dung người chiến sĩ Điện Biên thật oai phong lẫm liệt:

Bạn ta đó

Ngã trên dây thép ba tầng

Một bàn tay chưa rời báng súng,

Chân lưng chừng nửa bước xung phong.

Và ông mới thấu hiểu “Giá từng thước đất” ở chiến trường này là máu, là xương các chiến sĩ:

Khi bạn ta

lấy thân mình

đo bước

Chiến hào đi,

Ta mới hiểu

giá từng thước đất...

Rồi đọc lại bản thảo tập “Điện Biên chiến thắng, Điện Biên thơ”, tôi còn thấy có sự góp mặt của các cây bút miền Nam “thành đồng Tổ quốc”: Thanh Tịnh, Chế Lan Viên, Nguyễn Hải Trừng, Lưu Trùng Dương, Trang Nghị...

leftcenterrightdel
Bìa tập thơ “Điện Biên chiến thắng, Điện Biên thơ”. 

Mới hay, cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện rõ tính chất toàn dân, toàn diện của cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng ta lãnh đạo. Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược của Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 của toàn chiến trường Đông Dương. Đánh giá về Chiến thắng Điện Biên Phủ, không thể tách rời Điện Biên Phủ với các mặt trận khác khắp chiến trường Đông Dương lúc bấy giờ. Trong đó có phần đóng góp sức người, sức của, xương máu của quân và dân Nam Bộ, đã phối hợp, “chia lửa”, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ!

Như mọi người chúng ta đều biết, khẩu hiệu chung của cả nước lúc bấy giờ là “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Đông Xuân 1953-1954, khẩu hiệu ấy được cụ thể hóa là “Tất cả cho Điện Biên Phủ, cả nước vì Điện Biên Phủ”, do vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ là của cả nước, đồng thời cũng là phần xương máu của tất cả các chiến sĩ và những ai đã ngã xuống trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 ở bất cứ nơi nào trên chiến trường Đông Dương.

Năm 1964, nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà thơ Trang Nghị (1933-1998)-người con của miền Nam đã viết bài thơ “Từ miền Nam đến với Điện Biên” với những câu thật xúc động:

Tôi từ miền Nam đến với Điện Biên

Từ bao la ruộng đồng đến bạt ngàn rừng núi

Qua thác sông Đà nghe gà gáy vội

Nghĩ các anh xưa đứng bên ấy đêm đêm.

    

Tôi biết tự một mùa ban trút lá

 Hoa bừng nở, cả cao nguyên trắng xóa

Các anh đi siết chặt vòng vây

Bếp lửa sàn gửi hơi ấm theo cây.


 Rầm rập anh đi, hàng ngàn tấn thép

Trĩu bầm vai. Toạc máu bàn tay

Kéo pháo lên dốc cao, đèo hẹp

Lao pháo xuyên thung thẳm, suối dài.


Trăng cũng hành quân ngược miền Tây

Trải bóng anh trên Pha Đin hùng vĩ

Dát vó ngựa gò Lũng Lô, bản Pẹ

 Vang đến tận giờ vách đá làn mây


Từ miền Nam oằn cánh đồng lửa ngút

Tôi đến đây nghe sáo hót trời cao

Đi giữa Him Lam, ngọn đồi A1

Đất anh hùng còn chấn động xôn xao


Đến với Bế Văn Đàn, nghĩ Mai Thanh Thế

Hai chiếc chân súng máy bằng thịt xương

Gặp anh Giót lại nhớ về anh Thố

Lỗ châu mai còn vệt máu ngoan cường.


 Đã mười năm, cam Mường Pồn nây ngọt

 Hầm De Castries lở sụt, gió luồn quanh

Mường bản ta phát triển nhanh hợp tác

Thị trấn lên đèn, tiếng loa phóng thanh.


Tôi lướt mãi theo dòng Nậm Rốm

Làm cánh buồm về uống nước Cửu Long

Từng thớ vải phập phồng mưa nắng

Ôi quê xa vẫn gần gũi vô cùng!


Đất xa với những con đường mòn du kích

Hoa đỏ bay đầy mặt kênh như mở hội hè

Từng thế hệ kề vai nhau diệt địch

Chiến công thần kỳ này gọi chiến công kia.


Miền Nam mười năm lớn lên trong máu lửa

Lần thứ hai cầm súng chống xâm lăng

Bước tiếp bước trên con đường lịch sử

Mang Điện Biên trong lòng mỗi tối xuất quân.

Tôi được biết, nhà thơ Trang Nghị tên khai sinh là Trần Tăng Nghị, sinh ngày 23-3-1933, tại Sài Gòn. Ông tham gia kháng chiến từ năm 1946, từng là chiến sĩ Trung đoàn Cửu Long, Tỉnh đội Vĩnh Trà, tập kết ra Bắc học đại học rồi công tác tại Viện Văn học, Báo Văn nghệ và Văn nghệ giải phóng... Ông là tác giả của nhiều tập sách, trong đó có tập “Từ tuyến đầu Tổ quốc”.

Khi làm tập sách về Điện Biên, tôi lại có dịp nghĩ về các bậc đàn anh ở “phố nhà binh” từng là chiến sĩ Điện Biên Phủ, từng có một thời trai trẻ nơi chiến trường máu lửa này. Tôi nhớ lại câu chuyện “Gặp bạn Điện Biên Phủ ở Sài Gòn” của nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng (bút danh Phạm Hồng). Ông kể: “Theo anh em cựu chiến binh trong ấy thì ở Sài Gòn cũng còn vài trăm người từng là chiến sĩ Điện Biên Phủ. Mấy năm trước, tôi đã khấp khởi dò tìm và gặp được một số anh em. Râu, tóc đã bạc cả. Họ đều trên 70, 80 tuổi! Nhưng gặp nhau là “anh anh, em em”, là “mày mày, tao tao”, trong khi các cháu nội, cháu ngoại vây quanh, nhìn các cụ ôm nhau như trẻ con. Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân năm ấy còn lần mò xuống một xóm Thị Nghè, tìm một “người bạn Điện Biên” xưa. Một ông cụ già, chưa kịp nhìn rõ mặt đã ôm lấy ông và nói như reo lên: “Anh Bằng ôi, em đây, anh có nhớ em không?”. Thì ra đó là Tâm, một pháo thủ trẻ ở Mặt trận Điện Biên Phủ...

Thập Tam trại, mùa xuân năm 2021

NGÔ VĨNH BÌNH