QĐND - Tiếng nói của chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng đầy khí phách cất lên giữa Quảng trường Nhà hát Lớn trong lòng thủ đô Hà Nội chiều ngày 17-8-1945 vẫn còn ghi sâu vào trí nhớ mọi người. Đây là một trong những hành động mở màn quan trọng cho việc biến cuộc mít tinh do Tổng hội công chức thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức thành một cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng trên các đường phố Thủ đô.

Cuộc mít tinh vừa khai mạc, một lá cờ đỏ sao vàng kích thước lớn được buông xuống từ ban công tầng 2 Nhà hát Lớn trong tiếng hoan hô ủng hộ Việt Minh vang dậy của quần chúng. Trên diễn đàn chiều hôm ấy có hai người lần lượt diễn thuyết: Chị Từ Trang và chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng. Chị Từ Trang là một thiếu nữ Thủ đô, còn chị Diệu Hồng thì ít ai biết. Người con gái Huế ấy là con một quan thượng thư trong triều đình Huế, sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, sau đó làm cô giáo tiểu học Tam Kỳ, đã kêu gọi cả nước ủng hộ Việt Minh, đứng lên đạp đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng đọc lời hiệu triệu Việt Minh. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản.

Chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng nghỉ học ở nhà từ cuối năm 1930 đến đầu năm 1938. Chị xin đi dạy ở Trường Tiểu học Nam Kỳ-Quảng Nam. Sau đó chị nghe theo lời khuyên của chị Quang Thái-người bạn thân thời niên thiếu-ra Hà Nội học lên tú tài và ở nhà chị Quang Thái-anh Võ Nguyên Giáp. Nguyễn Khoa Diệu Hồng vào học tú tài phần hai ở Trường Quốc học Huế những năm 1940-1941, ở nhờ ký túc xá của Trường Đồng Khánh. Đây là ngôi trường nữ duy nhất ở miền Trung dạy đủ các môn: Văn, Thể, Mỹ. Ngoài việc học văn hóa và nữ công gia chánh (may vá, thêu thùa, làm bánh, làm mứt...), các thế hệ nữ sinh Đồng Khánh đã biết chắt lọc thêm nét văn hóa của phương Tây, để hình thành tình yêu nước tiến bộ cho bản thân. Thời gian này, tôi đã vào học bậc thành chung ở Trường Đồng Khánh khóa 1940-1945, may mắn được gặp chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng. Hai chị em nhiều điều tâm đầu ý hợp. Dưới ngọn lửa trại trên một ngọn đồi trong kỳ nghỉ hè ở Đà Lạt, chị là người bạn lớn đã kể nhiều chuyện về những tấm gương yêu nước và cứu nước như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt…, khêu gợi lòng yêu nước, ý chí của tuổi trẻ chúng tôi. Trong phong trào bãi khóa đòi ân xá và thả cụ Phan Bội Châu, chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng và em gái là Nguyễn Khoa Diệu Vân đều bị bắt vào nhà lao Thừa Phủ-Huế. Chị kể với tôi: “Đêm khuya, em Vân lăn ra ngủ, muỗi vo ve bám đốt, tôi thương em quá, kéo hai vạt áo dài đang mặc phủ lên chân, lên đầu em, thức ngắm em ngủ được yên. Giữa lúc đó vang lên câu nói: “Không ai tố giác các bạn, các bạn đừng tố giác ai”. Chị nhận ra tiếng chị Quang Thái, mừng thầm. Từ đó tình cảm quý trọng chị Thái rộn lên”…

Năm 1943, chị Diệu Hồng tốt nghiệp tú tài phần hai và được vào dạy ở Trường Đồng Khánh Huế. Lớp học trò những năm này của chị đều nhớ mãi giọng nói truyền cảm, nồng nàn khí phách yêu nước, thấm đẫm tâm hồn lớp trẻ. Chị hoạt động Việt Minh bí mật, có tiếng nói lịch sử trong cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội.

Chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng trở thành Ủy viên Ban Liên lạc phụ vận Bắc Bộ. Lúc này, tôi là Ủy viên Ban Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, cùng ở chung với chị một phòng trọ, thường xuyên gặp nhau. Tháng 6-1946, chị là người đã giới thiệu tôi vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi còn nhớ dáng vẻ tất bật của chị những lúc họp thâu đêm và những chuyến đi về các quận, huyện.

Sau kháng chiến toàn quốc, tôi được về làm việc ở cơ quan Phụ nữ Trung ương, được sống và làm việc với chị trong những năm đầu ở Chiến khu Việt Bắc. Tôi không quên được hình ảnh chị trong chiếc khăn nâu, trèo đèo lội suối không khác gì phụ nữ miền núi, nhưng vẫn toát lên vẻ trí thức của phụ nữ thành phố. Chị lãnh đạo cơ quan phụ nữ mấy năm liền cho đến lúc chị Hoàng Ngân ở Khu 3 về thay. Chị vào làm Chủ tịch Hội Phụ nữ Khu 4 để hợp lý hóa gia đình với chồng là Đặng Viết Châu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Khu 4.

Sau hòa bình lập lại, năm 1954, chị làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thủ đô mấy chục năm liền cho đến ngày nghỉ hưu, chị cũng là đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa III.

Nhớ đến chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng là nhớ về một cuộc đời tận tụy trong chiến đấu vì quyền lợi dân tộc, vì quyền lợi phụ nữ.

Nhà văn NGUYỆT TÚ