Từ nhà có nhiều liệt sĩ nhất nước...
Viết về đề tài chiến tranh và LLVT, điều tâm huyết nhất của tôi không chỉ là tri ân những người có công với cách mạng về mặt tinh thần mà còn muốn các nhân vật đỡ vất vả hơn trong cuộc sống. Thật ra, họ chẳng đòi hỏi gì cho riêng mình như đã từng cống hiến trọn vẹn cho kháng chiến. Thậm chí có nhân vật còn bảo: “Thôi cháu đừng vất vả làm gì, nhiều người còn khổ hơn, bác vậy được rồi”. Nhưng làm sao có thể đừng viết.
Năm 2013, tôi gặp Trung tướng Nguyễn Văn Thảng, nguyên Chính ủy Quân khu 5. Khi được hỏi, tôi kể những tác phẩm mới về các gia đình có nhiều người con hy sinh. Ông khẽ khàng: “Bà nội anh là Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), mất mát nhiều lắm. Đến mức anh thống kê còn lẫn lộn. Lâu nay anh chưa kể với ai. Em có muốn tìm hiểu không?”. Vậy là ngày hôm sau tôi cấp tốc đi xe về xã Điện Nam Bắc. Thấy tôi ngạc nhiên về ngôi nhà cấp bốn đơn sơ với bằng Tổ quốc ghi công treo hàng dãy dài của gia đình có 14 liệt sĩ và 3 Bà mẹ VNAH, vị tướng trận mạc nói: “Một phần vì không ai ở, chỉ thờ phụng, cúng giỗ ông bà và các liệt sĩ; mặt khác con cháu hy sinh hết, người còn lại cũng khó khăn, không ai làm nổi. Anh lo cái nhà cho cha mẹ cũng “đuối” rồi. Trước đây, khi anh đương chức, Huyện đội Điện Bàn cũng muốn làm nhà tình nghĩa cho bà nội anh, nhưng ngại em à…”. Từ chuyến đi, tôi có bài viết: “Nhà có liệt sĩ nhiều nhất nước” và đem bài báo qua Phòng Chính sách Quân khu 5. Không lâu sau, theo chỉ đạo của tư lệnh quân khu, căn nhà được gấp rút xây dựng với kinh phí 170 triệu đồng, trong đó 70 triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và 100 triệu đồng từ hỗ trợ của Bộ tư lệnh Quân khu 5. Một số doanh nghiệp còn giúp làm hàng rào, sân, mái che và trang trí nội thất. Ngôi nhà đẹp, rộng rãi của Bà mẹ VNAH Phạm Thị Chúc không chỉ là nơi thờ tự liệt sĩ thêm khang trang mà còn trở thành “địa chỉ đỏ” cho thanh, thiếu niên và học sinh đến tham quan, học tập truyền thống.
    |
 |
Bộ tư lệnh Quân khu 5 trao Nhà tình nghĩa tặng gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Chúc ở xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (năm 2013). |
Với dư âm tốt đẹp ấy, tôi tiếp tục cho ra đời những bài viết về các gia đình chính sách còn khó khăn và thêm 4 trường hợp được làm nhà. Mới đây nhất là Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tám (Riều), một trong 7 dũng sĩ Điện Ngọc. Từ bài báo “Chuyện tình của anh hùng trong Giếng cạn”, TP Đà Nẵng đã kêu gọi các doanh nghiệp và UBND quận Hải Châu hỗ trợ 90 triệu đồng để sửa nhà cho ông Tám. Khi nhà sắp hoàn thành thì người anh hùng từ trần vì bệnh nặng. Vợ ông bảo rằng được thờ chồng, cha mình trong mái ấm khang trang là niềm an ủi lớn nhất của gia đình.
... Đến nữ tù yêu nước tuổi 100
Tôi chấp bút bài báo về Bà mẹ VNAH Trần Thị Lài (có chồng và hai con là liệt sĩ) từ đầu năm 2018 do một CCB quê Điện Trung giới thiệu. Mẹ Lài (Tấn) đang ở với con trai tên Nguyễn Đình Bình, cán bộ hưu trí tại 27 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng. Tiếng là ở mặt đường nhưng ngôi nhà diện tích nhỏ, xây dựng đã lâu nên cũ kỹ. Qua tuổi 100, mẹ Tấn yếu hẳn. Trước đây bà vẫn hay về quê mỗi dịp tết nhất, cúng giỗ người thân, vài năm gần đây thì chịu. Ông Nguyễn Đình Trân-chồng Bà mẹ VNAH Trần Thị Lài, nguyên là Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, sau đó là Phó trưởng ban Tổ chức, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, không đi tập kết mà ở lại hoạt động, bị địch bắt năm 1958, giam ở ngục Chín Hầm. Hy sinh oanh liệt khi tuyệt thực phản đối chế độ hà khắc của Ngô Đình Cẩn, nhưng mãi đến 10 năm sau ông mới được công nhận liệt sĩ. Người con trai lớn của ông được ăn học thành kỹ sư tên lửa ở Liên Xô, xin vào Nam chiến đấu và ngã xuống trên đường vào chiến trường. Người con trai thứ cũng không trở về trong chuyến công tác vận tải lương thực lên chiến khu. Là chủ tịch hội phụ nữ xã, gác lại đau thương, mẹ Tấn gửi hai người con còn lại cho nội ngoại chăm sóc, còn mình bám làng chống giặc, trở thành linh hồn của đội du kích. Bà từng ở tù, bị đánh trối chết, nhưng chẳng kể công để hưởng chế độ. Mới đây TP Đà Nẵng biết đến trường hợp của bà. Mẹ Tấn được chứng nhận là người tù yêu nước khi đã vào tuổi 100.
Về thôn Đông Lãnh, Điện Trung, tôi thật sự bất ngờ trước ngôi nhà trên nền đất cũ của mẹ Tấn. Không ai nghĩ rằng, mái nhà của 5 liệt sĩ (ông Nguyễn Đình Trân, hai người em và hai con trai ông), hai Bà mẹ VNAH (mẹ và vợ ông Trân) lại tuềnh toàng đến vậy. Anh Nguyễn Đình Bình nói rằng cũng muốn làm lại nhà đàng hoàng để có nơi thờ tự người thân cũng như thực hiện tâm nguyện của mẹ Tấn trở về sinh sống lúc cuối đời, nhưng lực bất tòng tâm. Mẹ anh lại không muốn làm phiền ai như tính bà lâu nay vẫn vậy. Nghĩ đây là trường hợp đặc biệt nên sau khi bài “Nữ tù yêu nước tuổi 100” được đăng trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, tôi gửi báo tặng đồng chí lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam. Ông nói rằng rất xúc động với trường hợp này, nhưng theo quy định thì nhà phải có người ở mới được làm nhà tình nghĩa, còn mẹ Tấn đã chuyển đến ở với con trai thì khó lắm, không vận dụng được. Ông cũng nói sẽ vận động các nhà tài trợ. Từ đó đến nay, tôi vẫn chờ và day dứt vì những điều chưa làm được...
Bài và ảnh: HỒNG VÂN