“Tôi cất tiếng khóc chào đời giữa núi rừng Việt Bắc trong sự đùm bọc của bà con dân tộc nơi đây. Cho đến sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, là một trong những “hạt giống đỏ” được Nhà nước cử sang Liên Xô học tập, nghiên cứu thì cả tuổi thơ tôi đã gắn liền với Chiến khu Việt Bắc”. Từ những hồi ức ấy, bà Nhân đưa chúng tôi trở về những năm tuổi thơ gian khó mà thấm đẫm tình người nơi “Thủ đô gió ngàn”. Trong đó, có câu chuyện vì sao bà được Bác Hồ đặt tên và nhận làm con nuôi của Người...
Năm 1946, khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh về An toàn khu (ATK) Định Hóa lãnh đạo kháng chiến. Bí thư Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt được bố trí ở nhà đồng chí Triệu Đình Quân, Chủ nhiệm Việt Minh xã Thanh Định ở xóm Roòng Khoa (nay thuộc xã Điềm Mặc), huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Đồng chí Hoàng Quốc Việt ở một gian trên nhà sàn cùng gia đình, bên cạnh có đồng chí Xuân Thủy, Ủy viên Thường trực Tổng bộ Việt Minh; Chủ nhiệm Báo Cứu quốc và anh em biên tập, phóng viên của báo. Một thời gian sau, khi nhà lán trên đồi Khau Goại cách đó chừng 100m làm xong, đồng chí Hoàng Quốc Việt chuyển lên ở lán làm việc cùng cơ quan. Hồi ấy, Roòng Khoa có hội trường 8 mái lợp lá cọ, nơi hội họp của các cơ quan đoàn thể, như: Tổng bộ Việt Minh, Hội Nông dân cứu quốc, Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam… Còn vợ ông, bà Khuất Thị Bảy công tác ở Hội Phụ nữ cứu quốc, cơ quan đóng ở xóm Bản Quyên (khi đó thuộc xã Thanh Định, nay thuộc xã Điềm Mặc).
|
|
Bác Hồ đến thăm gia đình đồng chí Hoàng Quốc Việt và bà Khuất Thị Bảy (thứ hai, từ phải sang) khi con gái đầy một tháng tuổi và đặt tên cháu là Hạ Chí Nhân tại Thanh Định, Định Hóa, Thái Nguyên, tháng 2-1949. Ảnh do gia đình cung cấp |
Bà Hạ Chí Nhân cho biết, những năm kháng chiến, khu vực Định Hóa rất hoang sơ, lại có nhiều thú dữ, nhất là hổ. Vì có nhiều thú dữ và đề phòng khả năng địch tập kích bất ngờ, Cục Bảo vệ quy định các cán bộ ở tập trung và hạn chế việc “đi lẻ” về với gia đình. Nhắc đến chuyện này, bà Nhân trở vào trong nhà lần tìm cuốn hồi ký do đích thân đồng chí Hoàng Quốc Việt lúc sinh thời đánh máy, sau này cuốn hồi ký đã được xuất bản với tựa đề Con đường theo Bác Hồ cho chúng tôi xem. “Chuyện này nhiều đồng chí của cha đã kể cho chị em tôi nghe, lúc còn sống ông cũng nhiều lần kể lại. Nhưng tôi cứ mang ra để “nói có sách, mách có chứng” với các bạn”, bà Nhân nói.
Trong cuốn hồi ký ấy, đồng chí Hoàng Quốc Việt kể lại: Một hôm, tôi nằm ngủ cùng anh Lân, chiến sĩ cảnh vệ và anh Dư, bác sĩ quân y. Vì lâu ngày không được gặp vợ, nên nhớ. Đang đêm, khi các anh ngủ say, tôi “bí mật” lẻn ra ngoài, đi thẳng xuống chỗ nhà tôi. Một lát sau, các anh tỉnh giấc, không thấy tôi, liền vùng dậy đi tìm. Tìm mãi không thấy, các anh lo lắm, đành phải đến báo cáo với Bác. Nghe xong, Bác nói: “Các chú xuống chỗ cô Bảy xem”. Mấy hôm sau gặp, Bác nhìn tôi mỉm cười: “Chú Việt đánh “du kích” rất giỏi. Tôi phục chú đấy”. Tôi hơi ngượng, nói khẽ: “Thưa Bác…”. Trước sự ấp úng của tôi, Bác cười to. Tôi cười theo. Sự đôn hậu của Bác sưởi ấm lòng tôi trong cái rét ngọt ngào của rừng núi Việt Bắc. Khi Bác thấy nhà tôi và chị Thuận, vợ anh Lê Văn Lương đều có mang, Bác nói: “Cô nào sinh con trước, Bác đặt tên cho”.
Sau đó, quả là bà Khuất Thị Bảy sinh con trước vào một ngày đầu năm 1949. Đây là con thứ hai của vợ chồng đồng chí Hoàng Quốc Việt. Ngay tại phòng khách, cũng là phòng truyền thống của gia đình bà Hạ Chí Nhân, chúng tôi thấy bức ảnh đã cũ được treo ở vị trí trang trọng. Trong bức ảnh, Bác Hồ với nụ cười hiền hậu, tay bế bé gái, còn vợ chồng đồng chí Hoàng Quốc Việt đứng bên cạnh. Bà Nhân cho biết: “Đó là dịp tôi vừa tròn một tháng tuổi, tháng 2-1949, Bác đã đến thăm gia đình. Người bế tôi trên tay, cười nhắc lại chuyện cũ rồi đặt tên tôi là Hạ Chí Nhân và nhận làm con nuôi của Người. Những năm sau đó, Bác thỉnh thoảng ghé thăm chị em tôi. Lần nào đến Bác cũng động viên chị em tôi cũng như con các cán bộ sống quanh đó phải ngoan ngoãn, học tập tốt để cha mẹ yên tâm công tác”.
NGỌC MAI