Đầu năm 1971, trên tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh, Binh trạm 31 và Binh trạm 32 có sáng kiến làm một con đường mới, bằng cách lợi dụng những rừng cây, lùm cây có sẵn cùng với cây ngụy trang để che kín mặt đường, rồi cho xe chạy thử ban ngày. Kết quả, máy bay địch không phát hiện ra, xe ta chạy an toàn. Từ mô hình này, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã vận dụng kinh nghiệm và phổ biến toàn tuyến, tận dụng những nơi địa hình cho phép để xây dựng những tuyến đường kín, lấy tên là “đường K”, thay thế một số tuyến đường cũ là đường hở (đường H). Trên những tuyến đường K này, các xe cơ giới chuyển từ chạy đêm sang chạy ban ngày, an toàn hơn mà năng suất cũng cao hơn. Đến giữa năm 1971, Nghị quyết của Đảng ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn “lấy đường K làm hướng tiến công chủ yếu, đường H chỉ vận chuyển hỗ trợ và nghi binh làm lạc hướng địch, bảo vệ bí mật, bất ngờ, lâu dài cho tuyến đường K” được quán triệt, thực hiện hiệu quả cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

THANH TUẤN (Theo “Những điều ít biết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, Nxb Quân đội nhân dân 2010)