Cuối năm 1970, tôi vào bộ đội, Nhân vẫn ở nhà... Thế nhưng, vào buổi chiều 23-12-1972, tôi bất ngờ gặp Nhân trên đường cơ động ở tây nam Thanh Giáo (Gia Lai), ngay khi đơn vị tôi cùng Trung đoàn 48 vừa diệt gọn Tiểu đoàn 22 biệt động quân ở khu vực này. Gặp tôi, cậu ta hồ hởi: “Em ở C2-D1!”. Trông cậu ta khỏe mạnh, rắn rỏi tôi rất mừng. Nhân cho biết, mãi đến tháng 5-1971, cậu ta mới đủ sức khỏe nhập ngũ, được bổ sung vào Trung đoàn 48, lúc đó đang củng cố huấn luyện ở Hà Tĩnh. Nhân còn cho tôi biết cùng làng có anh Khiết ở Trung đoàn 52 đã hy sinh trong trận đánh căn cứ Kleng (Kon Tum) tháng 5-1972 và cậu Bình cùng nhập ngũ hiện đang ở Trung đội cối 82, Đại đội 12, Tiểu đoàn 3 cùng trung đoàn. Ở nơi chiến trường khốc liệt như thế này mà gặp được đồng hương cùng xã là đã mừng lắm, huống hồ chúng tôi còn là anh em. Thế nhưng tôi không thể ngờ đó lại là lần gặp cuối cùng của hai anh em. Hơn nửa tháng sau, vào ngày 11-1-1973, trong lần chạm địch ở phía tây đồn Tầm, Nhân bị một mảnh cối của địch găm vào đỉnh đầu. Nhân hy sinh mà không kịp trăng trối gì với đồng đội.
Di ảnh liệt sĩ Vũ Ngọc Nhân. Ảnh tư liệu.
Một ngày cuối tháng 10-1994, tôi (lúc đó là Trung tá, Phó trưởng phòng Tuyên huấn Quân đoàn 3) cùng Trung tá, nhà thơ Lê Văn Vọng, biên kịch của Điện ảnh Quân đội nhân dân vào Ia Đrăng-nơi diễn ra trận diệt gọn tiểu đoàn Mỹ đầu tiên của Quân giải phóng Tây Nguyên tháng 11-1965-để chọn bối cảnh xây dựng đề cương kịch bản phim tài liệu “Ngọn thác Tây Nguyên” chuẩn bị cho kỷ niệm 20 năm giải phóng Tây Nguyên và giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trên đường trở lại Plei-cu, ra khỏi khu dân cư một đoạn, chúng tôi thấy một nghĩa trang liệt sĩ mới được xây dựng khá khang trang, tôi liền nói đồng chí lái xe dừng lại. Tôi xuống xe, đi vào nghĩa trang, lần lượt đến từng dãy mộ. Hết dãy 1, dãy 2, đến giữa dãy 3 phía bên phải, tôi bỗng thấy trên bia mộ có ghi: Vũ Ngọc Nhân; Sinh năm 1949; Quê Châu Giang, Hải Hưng; Đơn vị E48-F320; Hy sinh ngày…1-1973. Tôi sững lại, bàng hoàng kêu lên: “Đây rồi!”. Nghe vậy, anh Vọng đang ngắm nhìn tháp lư hương liền chạy tới. Tôi nói với anh: “Có thể đây là em họ tôi!”. Tôi nói thế vì họ tên, năm sinh thì đúng; quê thì chỉ đến huyện; đơn vị, ngày hy sinh cũng chỉ ghi chung chung. Nhưng linh tính mách bảo, đây đích thực là Nhân-em tôi.
Vài ngày sau, tôi xuống Trung đoàn 48 nhờ đồng chí cán bộ chính sách xem lại danh sách liệt sĩ của đơn vị thì thấy chỉ có một liệt sĩ tên Vũ Ngọc Nhân, tất cả các mục đều rõ ràng đầy đủ; riêng địa điểm mai táng chỉ ghi tọa độ. Đồng chí cán bộ chính sách giải thích: Địa điểm mai táng ban đầu của liệt sĩ Vũ Ngọc Nhân ngày nay thuộc xã Ia Lang, huyện Đức Cơ. Nhưng trước năm 1991, xã Ia Lang thuộc huyện Chư Prông nên nhiều khả năng thi hài liệt sĩ đã được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Prông từ trước! Lời giải thích đó có lý. Tôi liền biên thư về nhà báo tin cho Ngọc, em trai của Nhân.
Một tuần sau, Ngọc và cháu Lập (con trai lớn của anh cả Nhân) vào với ý định đưa Nhân về quê theo ước vọng của cha mẹ trước khi qua đời. Chiều ngày hôm sau, tôi báo cáo cơ quan xin xe đưa hai chú cháu Ngọc xuống thăm đơn vị cũ của Nhân trước khi đi Chư Prông. Nghe Ngọc trình bày, anh Nguyễn Xuân Thiện-Trung đoàn phó Chính trị Trung đoàn 48 xúc động nói: “Việc này, đơn vị có phần trách nhiệm. Tiểu đoàn 2 đang giúp bà con làng Phìn (thị trấn Chư Prông) xây dựng “làng văn hóa”, trung đoàn sẽ giao nhiệm vụ cho anh em hỗ trợ gia đình!”.
Chúng tôi xuống tới thị trấn Chư Prông thì đã thấy Thiếu tá Nguyễn Văn Ân-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 và đồng chí Trợ lý Dân vận của Trung đoàn 48 chờ đón ngay đầu cầu phía bưu điện. Chúng tôi cùng vào nghĩa trang. Vừa đặt hương, hoa chưa kịp khấn, Ngọc đã gục xuống ôm lấy mộ anh trai khóc nức nở. Sau khi chia nhau đi thắp hương cho các đồng đội xung quanh, chúng tôi vào báo cáo với huyện. Việc hồi hương liệt sĩ bây giờ được khuyến khích vì đó là nguyện vọng chính đáng của thân nhân và là vấn đề tâm linh cần được tôn trọng, nhưng thời điểm đó lại chưa được phép. Làm việc với Phòng Thương binh-Xã hội huyện Chư Prông, tôi trình bày cặn kẽ ý nguyện của gia đình muốn đưa em họ tôi về quê thì các anh không đồng ý. Mặc dù tôi, Thiếu tá Ân và chú Ngọc trình giấy giới thiệu của xã và nói hết mực chân tình nhưng vị lãnh đạo Phòng Thương binh-Xã hội huyện vẫn nhất mực từ chối. Rồi ông phân trần: “Liệt sĩ trong nghĩa trang này và hầu hết các nghĩa trang liệt sĩ ở miền Nam phần lớn đều quê ngoài Bắc. Mỗi nghĩa trang liệt sĩ là một công trình văn hóa, tưởng niệm, có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước cho các tầng lớp nhân dân. Nếu ai cũng muốn chuyển mộ liệt sĩ về ngoài đó, thì còn gì nữa…?”. Nghe ông nói vậy, chúng tôi không thể nói gì được nữa.
Ra khỏi cơ quan, chúng tôi ai cũng buồn rười rượi, riêng chú Ngọc và cháu Lập thì nước mắt lưng tròng. Đang đi, bỗng Thiếu tá Ân dừng lại nói với tôi: Bây giờ ta thử ra làm việc với quản trang.
Lúc này, trời đã chiều muộn. Người quản trang khoảng 50 tuổi, đang thu dọn để chuẩn bị ra về. Nghe tôi trình bày mục đích cuộc gặp, người quản trang nói giọng đặc sệt Thanh Hóa từ tốn: “Tôi vốn là bộ đội đánh Mỹ, rất thông cảm với các anh và gia đình. Thôi thì thế này, các anh về chuẩn bị cái lễ, gồm hương, hoa quả, khoảng 7 giờ tối đến đây tôi giúp!”.
Tối ấy, năm anh em chúng tôi mang lễ vật, ngoài hoa quả, Thiếu tá Ân còn cho đơn vị sắm thêm một con gà luộc, một đĩa xôi trắng, một chai rượu trắng, đĩa gạo, đĩa muối “để bác Nhân liên hoan chia tay đồng đội”. Người quản trang đã đợi sẵn. Chúng tôi vào đặt lễ lên mộ Nhân. Trước khi nâng tấm nắp bê tông lên để lấy hài cốt, thay mặt gia đình, tôi thắp năm thẻ hương, khấn chung hơn 2.000 liệt sĩ cùng nằm với em họ tôi bao năm, cảm ơn Trung đoàn 48, để xin phép đưa em họ tôi về quê. Xong việc, chúng tôi nhờ người quản trang tu sửa lại mộ chí em họ tôi như cũ. Xe của quân đoàn đã chờ sẵn bên đường, chúng tôi lên xe và hơn 10 giờ đêm thì về đến thị xã Plei-cu. Sớm hôm sau, hai chú cháu Ngọc đưa hài cốt Nhân lên xe ra Bắc…
Mới đây về thăm quê, tôi tới thăm gia đình chú Ngọc. Trong ngôi nhà hai tầng khang trang trên nền ngôi nhà cũ năm xưa mà dì chú tôi đã ở, cô Lũng (vợ của Ngọc) và cháu Lập kể lại cho tôi về phút giây đáng nhớ khi đưa hài cốt Nhân về làng. Cháu Lập nói: Hơn hai giờ chiều ngày hôm sau, cháu và chú Ngọc mới đưa hài cốt chú Nhân về đến nhà. Ở quê, cả xã đã sẵn sàng cho lễ đón liệt sĩ. Khi chuyển hài cốt vào tiểu sành, cả nhà cháu đều rất xúc động vì thấy xương cốt của chú Nhân cháu còn khá nguyên vẹn, chỉ buồn là có một lỗ thủng bằng hai đốt ngón tay cái trên đỉnh đầu! Cô Lũng xúc động bảo: “Chỉ buồn một nỗi là bố mẹ em đều đã mất trước đó nhiều năm, không ai được nhìn thấy đứa con yêu dấu của mình đã về nhà. Nhưng chắc rằng, anh em đã gặp bố mẹ ở cõi trường sinh!
NGUYỄN HÙNG TẤN