Tháng 5-1965, khi đang là giáo viên Trường cấp 1 Phú Thị (huyện Gia Lâm), Hoàng Ngọc Minh lên đường nhập ngũ. Cùng đợt có 31 giáo viên khác tại các trường học trên địa bàn huyện Gia Lâm. Anh được điều về Đại đội 4, Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn Phòng không 363. Với trình độ sư phạm sẵn có, tháng 6-1969, Hoàng Ngọc Minh được cử đi học hai năm tại Trường Sĩ quan Phòng không (nay là Học viện Phòng không-Không quân) hệ đài 1 tên lửa (radar P-12). Tháng 11-1971, chỉ còn một tháng nữa sẽ tốt nghiệp, Quân chủng Phòng không-Không quân về trường chọn 4 học viên xuất sắc của các hệ để đưa vào chiến trường Quảng Trị. Hoàng Ngọc Minh cùng 3 học viên đã nhận được giấy “tốt nghiệp sớm” để lên đường chiến đấu. Trước khi đi, anh dặn vợ con ở nhà chuẩn bị sẵn tâm lý có thể mình không quay trở về. Sau đó, anh được chuyển về làm Đài phó Đài 1 thuộc Tiểu đoàn 63, Trung đoàn 236 (Đoàn Sông Đà), Sư đoàn 361 tham gia giải phóng Quảng Trị năm 1972. Ông Minh kể:

leftcenterrightdel

Đồng chí Hoàng Ngọc Minh bên các thiết bị của đài radar. Ảnh do nhân vật cung cấp 

“Nhiệm vụ của đài là trinh sát, tìm máy bay địch từ xa để báo cho tên lửa bắt mục tiêu. Việc hành quân từ miền Bắc vào tới Quảng Trị với cả đội hình vũ khí, khí tài tên lửa, radar rất khó khăn, vất vả. Đội chúng tôi gồm 1 xe đài, 1 xe ăng-ten, 1 xe chở máy nổ. Trên đường, xe đi đến đâu phải xóa dấu lốp xe đến đó. Mỗi khi dừng lại nghỉ, chúng tôi phải bí mật ngụy trang, che giấu kín đáo bằng lá cây rừng, đề phòng máy bay trinh sát của địch phát hiện. Tiểu đoàn trưởng Tạ Đồng Tùy ra lệnh: “Phải có lệnh mới được phát sóng”.

Mặc dù việc di chuyển luôn được bảo đảm bí mật nhưng cũng không tránh khỏi những lần máy bay trinh sát của địch phát hiện. Trong đó, tôi không thể quên lần đóng quân ở đội xung kích Độc Lập, nông trường Tiền Phong, tỉnh Quảng Bình, khoảng giữa tháng 3-1972. Xe chở đài chúng tôi được giấu trong rừng cao su, phủ kín lá cây rừng. Khoảng 3 giờ chiều 17-3, chúng tôi phát hiện hai chiếc máy bay trinh sát của địch bay vào trận địa của ta. Tiểu đoàn trưởng Tạ Đồng Tùy xin phép tiêu diệt máy bay địch nhưng cấp trên không nhất trí vì nếu đánh sớm, địch đưa máy bay ném bom đến thì đơn vị di chuyển không kịp. Anh Tùy cho rằng có khả năng địch đã phát hiện ra trận địa. Tuy nhiên, đơn vị vẫn phải giữ trận địa đến khi nào có lệnh mới được di chuyển.

Chiều hôm đó, chúng tôi vẫn sinh hoạt như bình thường. Ở cùng với tôi có đồng chí Nguyễn Ngọc Lan (tên ở nhà là Lau), quê Bắc Ninh. Sau khi đi kiếm củi về, Lan hỏi tôi: “Anh Minh có xà phòng thơm không? Em đi tắm rửa chứ mấy ngày nay em không được tắm rửa rồi”. Lan biết tính tôi sạch sẽ nên thường mang xà phòng thơm theo người. Đêm hôm ấy trời mưa phùn, sau khi đã tắm rửa, ăn uống xong, chúng tôi nghỉ ngơi để sáng sớm thay cho kíp đang trực ngoài đài.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Minh. Ảnh: NGUYỄN SỰ 

Hơn 6 giờ ngày 18-3, trời mưa gió mù mịt, tôi cùng các đồng chí trong kíp trực ra đài. Chúng tôi vừa mở máy được 3 phút, chưa phát sóng thì loạt bom của địch đánh xuống đúng khu vực đài. Tôi bị sức ép của quả bom ép chặt về phía máy radar. Đầu óc tôi choáng váng, khói của bom cuốn vào trong xe dày đặc. Cửa và nóc xe đài bị bay mất. Ngay bên trái tôi, đồng chí Phạm Minh Châu bị thương vào sườn. Tôi loáng thoáng nghe tiếng Nguyễn Ngọc Lan thều thào: “Anh Minh ơi! Em bị thương rồi”. Khi quay ra, tôi thấy Lan bị vết thương sâu ở ngực. Tôi liền gọi về báo với tiểu đoàn: “Đài 1 bị đánh, có hai đồng chí bị thương, đài mất sức chiến đấu”. Sau đó, tôi đặt Lan nằm sấp xuống, rồi dùng hai cuộn băng ép vào vết thương cầm máu. Mỗi lần Lan thở, máu lại chảy ào ra. Tiểu đoàn trưởng Tạ Đồng Tùy từ bên kia bộ đàm ra lệnh cho tôi: “Đồng chí Minh cho anh em sơ tán khỏi đài ngay”. Lúc đó, địch đã phát hiện trận địa nên phải di chuyển càng nhanh càng tốt, tránh loạt bom sau của địch. Sau loạt bom đầu tiên, các đài viên khác đã kịp sơ tán xuống căn hầm được đào sẵn gần đó. Không kịp băng bó, tôi cùng hai đồng đội phải khiêng Lan chạy về hướng đội xung kích Độc Lập. Được khoảng 100m, thấy tình hình của Lan không ổn, anh Đồng-y sĩ của đơn vị bảo dừng lại băng bó vết thương. Lúc này hơi thở của Lan đã yếu, máu từ ngực vẫn tuôn ra, ướt đẫm cả cuộn băng và tay tôi. Thấy môi Lan mấp máy, tôi cúi xuống nghe Lan thều thào: “Anh Minh ơi, anh nhớ về thăm mẹ và vợ cho em nhé” rồi ra đi...

Sau khi Lan hy sinh, do điều kiện lúc bấy giờ, chúng tôi mai táng em ngay trong rừng, cạnh đường mòn, giữa hai cây phi lao làm dấu. Đồng đội lấy mảnh gỗ để đục tên, tuổi, ngày hy sinh cắm vào cạnh mộ. Riêng tôi nhủ với lòng mình: “Lan ơi, đồng đội sẽ trả thù cho em. Em nhắm mắt ngủ đi nhé!”.

Năm 1973, ông Minh được ra miền Bắc nhưng phải đến năm 1976, khi chiến tranh đã kết thúc, ông mới có điều kiện đến thăm mẹ Lan khi ấy vẫn còn khỏe. Ông thường xuyên về thăm mẹ như để bù đắp cho tình cảm của người đồng đội năm xưa.

NGUYỄN VŨ