HẠT GẠO LÀNG TA

Kính tặng chú Xuân Diệu

Hạt gạo làng ta

Có vị phù sa

Của sông Kinh Thầy

Có hương sen thơm

Trong hồ nước đầy

Có lời mẹ hát

Ngọt bùi đắng cay...

 

Hạt gạo làng ta

Có bão tháng bảy

Có mưa tháng ba

Giọt mồ hôi sa

Những trưa tháng sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy...

 

Hạt gạo làng ta

Những năm bom Mỹ

Trút trên mái nhà

Những năm cây súng

Theo người đi xa

Những năm băng đạn

Vàng như lúa đồng

Bát cơm mùa gặt

Thơm hào giao thông...

 

Hạt gạo làng ta

Có công các bạn

Sớm nào chống hạn

Vục mẻ miệng gàu

Trưa nào bắt sâu

Lúa cao rát mặt

Chiều nào gánh phân

Quang trành quết đất

 

Hạt gạo làng ta

Gửi ra tiền tuyến

Gửi về phương xa

Em vui em hát

Hạt vàng làng ta...

1969

Trần Đăng Khoa (Nguồn: Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, Nxb Văn hóa dân tộc, 1999)

QĐND - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, lâu dài, gian khổ của dân tộc ta để giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, miền Bắc là hậu phương lớn của cả nước. Trong một thời gian dài, đồng bào miền Bắc thực thi khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Miền Bắc là nơi cung cấp hậu cần, đặc biệt là lương thực nuôi quân, chủ yếu là gạo. Trong hoàn cảnh phải hứng chịu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch, đường sá, cầu cống, nhà máy, làng mạc bị phá hoại, đồng bào miền Bắc vẫn ra sức sản xuất không chỉ nuôi sống gia đình và quân đội ở miền Bắc, mà còn để cung cấp cho quân đội trên chiến trường B (miền Nam) và chiến trường C (Lào và Cam-pu-chia). Câu thành ngữ “Hạt gạo cắn ba” mang ý nghĩa ấy.

Minh họa: Mạnh Tiến.

Đã có nhiều nhà thơ, đặc biệt là các nhà thơ quân đội, nói lên cảm xúc của người lính trận khi nhận được những hạt gạo từ quê nhà gửi tới. Trong trường ca “Đường tới thành phố”, Hữu Thỉnh viết đại ý: “Chiến dịch này không phải ăn cơm độn/ Mừng thì mừng, thương mẹ biết bao nhiêu”, là người lính hiểu chính mẹ mình ở hậu phương đã nhường nhịn phần lương thực ít ỏi, hoặc tăng thêm phần độn cho bản thân, để dành gạo gửi ra chiến trường cho người lính vào chiến dịch lớn. Vương Trọng nói suy nghĩ của chiến sĩ khi ăn bát cơm từ những hạt gạo đồng chiêm của quê nhà và đi đến đúc kết: “Hạt gạo quê mình ngàn năm vẫn trẻ/ Đủ sức theo con đánh trận trường kỳ…”. Nhưng với đề tài này thì có lẽ “Hạt gạo làng ta” của nhà thơ Trần Đăng Khoa được phổ cập nhất:

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở miền Bắc nước ta xuất hiện nhiều trẻ em làm thơ được mệnh danh là "thần đồng thơ”, nhưng theo tôi, chỉ có một Trần Đăng Khoa là thần đồng thơ đích thực. Khoa sinh năm 1958 ở Nam Sách, Hải Dương. Năm 1965, tức là 7 tuổi, đã có thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một trong hai tờ báo văn nghệ uy tín nhất của đất nước. Phần lớn những bài thơ Khoa sáng tác thời ấy là về đề tài chiến tranh. Sau này, có lần nhà thơ Trần Đăng Khoa nói đại ý rằng, thời ấy, ông không làm “thơ thiếu nhi” mà là một thiếu nhi làm thơ, cũng là nói cái ý ấy. Ở bài thơ “Hạt gạo làng ta” này, mặc dù tác giả xưng “em” - một thiếu nhi, nhưng vấn đề đặt ra và cách nhìn nhận thì hết sức “người lớn”! Ý của bài thơ là “Hạt gạo làng ta gửi ra tiền tuyến”, nên tác giả khai thác các chi tiết để phục vụ chủ đề này. Khổ đầu tiên, hạt gạo làng ta đâu chỉ đơn giản là hạt gạo, là lương thực… mà khi chiến sĩ nhận được hạt gạo là gặp lại cả quê hương, cả vật thể và “phi vật thể”, từ “vị phù sa của sông Kinh Thầy” đến hương sen và lời mẹ hát. Những hạt gạo như thế không chỉ tiếp thêm năng lượng tính bằng ca-lo, mà còn tiếp thêm cả tình quê hương, theo ngôn ngữ một thời chúng ta thường nói “cả quê hương cùng ra trận”! Nhưng trong hoàn cảnh thời chiến của một nền nông nghiệp lạc hậu, để có được những hạt gạo như thế hết sức vất vả, gian truân. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mưa, bão hoành hành. Sinh ra và lớn lên từ nông thôn, cậu bé 11 tuổi đã chứng kiến những cảnh thật khó tưởng tượng được đối với người sống ở thành phố:

Những trưa tháng sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy...!

Không ai cấy giữa trưa nóng như vậy, vì cây mạ không chịu nổi “nước như ai nấu”, mà phải đợi tới chiều; nhưng thực tế khi những người nông dân xuống cấy lúa trên ruộng thì những con cua leo lên bờ tránh nước nóng vẫn chưa trở lại nước ruộng, nên đoạn thơ vẫn hợp lý.

Thời bình đã vất vả như thế, huống chi thời chiến: “Những năm bom Mỹ/ Trút lên mái nhà/ Những năm cây súng/ Theo người đi xa…”. Làng quê miền Bắc nước ta những năm ấy “chiến trường hút hết đàn ông”, nhiều thanh nữ cũng gia nhập thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu, xóm làng còn lại đa số là người già và trẻ con. Trong hoàn cảnh ấy, “thần đồng thơ” ghi nhận cũng như biểu dương sự đóng góp công sức của các em thiếu nhi để làm ra hạt gạo:

Sớm nào chống hạn

Vục mẻ miệng gàu

Trưa nào bắt sâu

Lúa cao rát mặt

Chiều nào gánh phân

Quang trành quết đất…

Khổ thơ này làm sống lại những công việc vất vả của nhà nông một thời mà ngày nay gần như vắng bóng trên các cánh đồng, nhất là chuyện từng đoàn người dàn hàng bắt sâu cho cây trồng vì thời ấy ở nước ta thuốc trừ sâu còn rất hiếm!

Đến khổ cuối bài thơ, Trần Đăng Khoa mới nói cái ý mà mình đã “phục kích” từ đầu và anh nói niềm vui của mình cũng là niềm vui của người làng khi tiễn những hạt gạo ra đi:

Hạt gạo làng ta

Gửi ra tiền tuyến

Gửi về phương xa

Em vui em hát

Hạt vàng làng ta…

Xứng danh một “thần đồng thơ”!

Bài thơ đã hay, gần giống một bài đồng dao nên dễ thuộc… nhưng còn thêm một nguyên nhân nữa để bài thơ này phổ cập sâu rộng là nhờ nhạc sĩ Trần Viết Bình phổ nhạc hết sức thành công, luôn được truyền đi trong làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam và trở thành bài ca yêu thích của thiếu nhi trong nhiều thập kỷ.

Trong chương trình văn nghệ hoành tráng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức ở TP Hồ Chí Minh vừa qua, trước khi bài ca này được trình diễn, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã trả lời phỏng vấn đại ý rằng, thời đánh Mỹ, những người nông dân miền Bắc sản xuất ra lúa gạo thì luôn dành sản phẩm tốt nhất đóng thuế, với ý thức để nuôi bộ đội đánh giặc. Ý thức đó không chỉ thường trực ở người lớn mà ngay các em thiếu nhi cũng nghĩ như thế! Đó cũng là lý do để thần đồng sáng tác bài thơ “Hạt gạo làng ta”! 
VƯƠNG TRỌNG