Người chính thức dùng tên gọi Hồ Chí Minh từ năm 1942, ở Pác Bó, Cao Bằng, khi viết tác phẩm Lịch sử nước ta bằng thơ. Cuối tác phẩm, Người còn dự báo “1945, Việt Nam độc lập” và ký tên là Hồ Chí Minh.
Quả nhiên, 3 năm sau, Cách mạng Tháng Tám nổ ra và chỉ sau 15 ngày, trong cả nước, chính quyền đã về tay nhân dân. Vào lúc đó, Đảng ta mới 15 tuổi, có chưa đầy 5.000 đảng viên; Quân đội nhân dân mà tiền thân là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-do Bác sáng lập và người chỉ huy 34 chiến sĩ ban đầu là Võ Nguyên Giáp-mới ra đời chưa đầy một tuổi.
Lịch sử Quân đội ta-quân đội cách mạng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”, coi nhân dân là cha mẹ của mình, do nhân dân sinh thành, dưỡng dục-cũng là lịch sử của rất nhiều huyền thoại, gắn bó máu thịt với huyền thoại Hồ Chí Minh.
Người từng chỉ dẫn trong buổi đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân: “Chính trị trọng hơn quân sự”, “người trước súng sau”, “có dân thì sẽ có súng và có mọi thứ khác”. Cho nên, “quân với dân phải như cá với nước”. Sau này, Người còn căn dặn bộ đội và công an, từ các tướng lĩnh đến các chiến sĩ phải ghi nhớ và thực hành chân lý của muôn đời: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Hiếm có nước nào như Việt Nam, một quân đội mới 10 tuổi đầu đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Và vị tướng cầm quân không chỉ là dũng tướng mà còn là nhân tướng được Bác Hồ phong Đại tướng một lần duy nhất, từ chỉ huy du kích lên thẳng Đại tướng lúc mới 37 tuổi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Đại tướng của nhân dân, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ đội Cụ Hồ-danh hiệu cao quý mà vô cùng giản dị do chính nhân dân ngưỡng mộ, tôn vinh cũng là huyền thoại. Quân đội cách mạng ấy lại một lần nữa làm nên “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” suốt 12 ngày đêm đánh bại B-52 của giặc Mỹ trong bão lửa trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972. Hà Nội trở thành biểu tượng “Thủ đô của phẩm giá con người”. Ở thời điểm ấy, Hồ Chí Minh đã về với tổ tiên, đã “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” trong cõi vĩnh hằng được 3 năm có lẻ.
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới (năm 1950). Nơi ở của Người di chuyển theo các trận đánh, có khi chỉ là túp lều cỏ dựng tạm vài hôm. Ảnh tư liệu. |
Kỳ tích chiến thắng ấy nhắc nhở chúng ta nhớ đến dự cảm sáng suốt và dự báo thiên tài của Hồ Chí Minh khi Người còn sống. Từ những ngày đầu chiến tranh phá hoại do giặc Mỹ gây ra ở miền Bắc, Người đã nói: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Người sớm có chỉ thị cho Bộ Quốc phòng nghiên cứu, lập phương án tác chiến quyết đánh bại B-52 của đế quốc Mỹ. Thực tế đã diễn ra đúng như tiên tri của Người.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đánh thẳng vào tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn và nổ súng khắp các chiến trường của quân dân miền Nam góp phần quan trọng dẫn đến ngày toàn thắng: Giải phóng miền Nam, Bắc-Nam sum họp một nhà. Sự kiện ấy nhắc chúng ta nhớ đến bài thơ Mừng xuân 68 của Bác mà câu thơ cuối bài như một lời hịch vang khắp núi sông: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Đó là niềm tin, đó còn là dũng khí của toàn dân tộc chiến đấu đến cùng cho độc lập, tự do được thể hiện qua trí tuệ và bản lĩnh Hồ Chí Minh.
Trong đại thắng mùa Xuân năm 1975, chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã thực hiện xuất sắc mệnh lệnh của Người: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Trong ngày vui đại thắng 45 năm về trước, ngày 30-4-1975, Sài Gòn rợp bóng cờ, hoa và âm vang tiếng hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Việt Nam! Hồ Chí Minh!”... Chỉ tiếc một điều, giờ phút khải hoàn ấy không còn có Bác.
Thương nhớ Bác khôn nguôi, chúng ta lại nghĩ về huyền thoại Hồ Chí Minh với dự báo thiên tài của Người về thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam. Năm 1960, tại cuộc mít tinh lớn kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5) tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Người nói về cách mạng miền Nam: “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chậm nhất cũng mất độ 15 năm nữa”.
Vậy là, trong trù tính chiến lược của Người, ngày thắng lợi có thể đến sớm hơn. Nếu khả năng ấy không xảy ra thì chậm nhất cũng chỉ 15 năm nữa. Đại thắng mùa Xuân 30-4-1975 đã xác tín trên thực tế sự chính xác kỳ diệu lời tiên tri của Người.
Trong Di chúc, Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”. Bản viết lần đầu tiên của Bác là vào dịp sinh nhật tháng 5-1965, khi ấy Người 75 tuổi. Bản sửa lần cuối cùng là tháng 5-1969, Người 79 tuổi. Bốn tháng sau, Người ra đi đúng vào Ngày Quốc khánh 2-9-1969.
Trái tim Bác ngừng đập vào buổi sáng, lúc 9 giờ 47 phút. Giờ mất của Bác trùng với giờ Bác viết và sửa Di chúc.
Những sự kiện, chi tiết đó trong tiểu sử cuộc đời của con người huyền thoại Hồ Chí Minh làm xúc động muôn người-muôn triệu trái tim Việt Nam và thế giới nhân loại.
Với Lịch sử nước ta, lần đầu tiên Bác lấy tên là Hồ Chí Minh. Viết Di chúc, Bác cũng ký tên là Hồ Chí Minh. Ở trang cuối cùng, Bác tự tay đánh máy bản Di chúc được khởi thảo lần đầu. Các năm sau, Bác viết tay, vì các bác sĩ khuyên Người đừng đánh máy nữa, không có lợi cho sức khỏe, bởi Bác đau tim nặng, nhất là từ sau ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột ra đi ở tuổi 53, trong đêm hè nóng bỏng, ngột ngạt, tháng 7-1967, khi tổng tiến công đang đến gần. Bác đưa tiễn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về nơi an nghỉ cuối cùng, trong nỗi đau đẫm nước mắt. Bác ký lệnh truy tặng cố Đại tướng Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất, tôn vinh công trạng và đạo đức của vị tướng tài ba mà chính Bác đặt tên.
Cuối trang bản đánh máy Di chúc, ở lề trái, Bác lại trực tiếp viết tay một dòng chữ “Chứng kiến của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương”. Bác cho mời đồng chí Lê Duẩn đến ký tên dưới dòng chữ Bác viết.
Trong huyền thoại Hồ Chí Minh, có sự tinh tế trong văn hóa ứng xử của Người.
Di chúc, với Bác là một bức thư, là mấy lời để lại vì Bác rất khiêm nhường. Thương dân, Bác dặn đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, đừng nói lộ ra ngoài để dân lo. Bởi vậy, Bác ghi “Tài liệu tuyệt đối bí mật”. Bác còn dặn, “chỉ khi nào Bác đi rồi mới báo cho Trung ương, Bác có bức thư để lại”.
Bác viết những dòng chữ viết tay để mọi thế hệ con cháu sau này được nhìn rõ bút tích của Người như một chứng tích lịch sử, không thể nào quên, không bao giờ mờ phai. Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ “những mẫu chữ ký Hồ Chí Minh”, lại có “không gian Di chúc Hồ Chí Minh”, tái hiện lại bằng sắc màu và âm thanh tiếng đánh máy chữ của Người. Xem những hiện vật ấy, ta cảm nhận được chữ ký của Người ở cuối bản Di chúc là chữ ký đẹp nhất.
Tất cả những chi tiết và sự kiện ấy làm cho huyền thoại Hồ Chí Minh trọn vẹn, toàn vẹn, cảm động, chân thực và sinh động trong ký ức của lịch sử, trong tâm trí và nỗi xúc động dạt dào của mỗi chúng ta khi nghĩ về Người và nhớ tới Người.
Nhiều học giả nước ngoài đến Việt Nam đã hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Hồ Chí Minh của các ông là ai? Là một vị thánh, một người dân tộc hay là một người cộng sản?”.
Vị Thủ tướng kính mến của chúng ta đã có câu trả lời đầy thuyết phục: “Hồ Chí Minh của chúng tôi, dân tộc một trăm phần trăm mà cộng sản cũng một trăm phần trăm, nhưng trước hết và tất cả, Hồ Chí Minh là một con người như mọi người. Còn Người vĩ đại như một vị thánh thì chính các bạn đã thừa nhận”.
Hồ Chí Minh đã sống, đã hành động với một niềm tin như thế. Vào cuối đời, một nhà báo cộng sản Cuba, nữ đồng chí Marta Rojas Rodrigues đặt câu hỏi cho Người: Điều gì là thiêng liêng nhất đối với Người? Hồ Chí Minh đặt tay lên ngực, lên trái tim mình mà nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
Người không chỉ dấn thân vào cuộc đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của dân tộc và nhân dân mà còn hy sinh, dâng hiến và hóa thân vào dân tộc và nhân dân mình.
Huyền thoại Hồ Chí Minh là như vậy.
Ở Nhật Bản, có một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở cố đô Kyoto mang tên “Thanh Thủy tự”. Trụ trì ngôi chùa ấy là một vị đại sư, cụ Onishi. Hết sức ngưỡng mộ và kính trọng Hồ Chí Minh nên khi nghe tin Người mất, cụ đã khóc và viết bài Thi điếu để tang Người. Từ Nhật Bản, cụ đến tận Paris, nước Pháp, trao cho đoàn Việt Nam đang đàm phán ngoại giao ở đó bài thơ để tang Hồ Chí Minh. Cụ giải thích cho chúng ta rõ, Hồ Chí Minh-phiên âm sang tiếng Nhật có nghĩa là Bồ Tát-Tri-Dân, là đức Phật mang trí tuệ, tâm hồn nhân dân.
Thêm một sở cứ nữa để chúng ta tự hào về huyền thoại Hồ Chí Minh. Huyền thoại ấy, có nói bao nhiêu cũng là không đủ và ngược lại, có khi không cần nói gì nữa cũng đã đầy đủ nhất. Hãy thấu hiểu và thấu cảm về Bác Hồ từ những trải nghiệm cuộc sống và bằng xúc cảm tự trái tim mình, như nhà thơ Minh Huệ kết thúc bài thơ để đời của mình Đêm nay Bác không ngủ bằng một câu thơ mang tinh thần minh triết: “Vì một lẽ thường tình/ Bác là Hồ Chí Minh”.
GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO