Kết nạp Đảng trên quê mẹ

Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời

Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ!

Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?

Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm

Trong buổi đầu, ta theo Đảng đi lên

 

Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác

Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt

Đá sỏi cây cằn, sao bỗng thấy thiêng liêng?

Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn

Bỗng chan chứa trăm điều chưa nói hết!

Tôi cúi đầu nghe, dặt dìu, tha thiết

Cây cỏ trời mây, kẻ mất người còn

Trong mơ hồ, trăm tiếng của quê hương

Tiếng mẹ bảo bên tai: "Con hãy nhớ

Bà con quê ta đói nghèo lam lũ

Cuộc sống xưa như nước chảy mất dòng

Không ai thương như cỏ nội giữa đồng

Con chim bỏ trời quê ta đi xứ khác

Đất chẳng nuôi người, người không nuôi nổi đất

Chiếc khăn xanh mẹ bịt ở trên đầu

Đã từng che hai thứ tóc buồn đau

Mẹ trông ở đời con... Con hãy gắng

Con đi đi... Từ nay con có Đảng"

Tôi nhìn ra thấy máu thịt quê hương

Như đang dâng thành núi lại thành cồn

Ôi gió Lào ơi! ngươi đừng thổi nữa

Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ

Những đồi sim không đủ quả nuôi người

Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười

Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng

Của đồn giặc mấy năm trời chiếm đóng

Đảng kính yêu! Tôi tìm Đảng giữa nơi này

Như chờ vang tiếng sét xé trời mây...

 

Tôi đứng trước Đảng kỳ, rưng mắt lệ

Phút mơ ước, sao thiếu hình bóng mẹ?

Giặc bao vây ngăn lối chặn đường

Thiếu cả gia đình ngay giữa đất quê hương!

Mẹ ơi! mẹ không là đồng chí

Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ

Đời khổ đau mẹ đứng dưới cờ này

Mẹ đói nghèo, hàng ngũ bên con đây

Mẹ xem, con mặc áo nâu sồng xưa mẹ mặc

Mai con hát khúc bình dân xưa mẹ hát

Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào?

Từ buổi dạy con lòng thương ghét ban đầu

Tự quê mẹ nghèo, tự đời mẹ khổ

Tự giọt lệ khóc tù đi biệt xứ

Tự nắm cơm khô đưa cán bộ thoát làng

Từ tiếng thét căm thù vì giặc giã, vua quan

Tưởng như cả quê hương giới thiệu tôi vào Đảng

Rẫy bắp, vườn tiêu, bờ tre, bãi sắn

Những đồi tranh ăn độc gió Lào

Cả trại tù Lao Bảo chốn rừng sâu

Ôi tiếng đầu tiên gọi ta "đồng chí"

Là tiếng quê hương ấm lành Quảng Trị

Những đảng viên đầu tiên đứng sát bên tôi

Là bạn thuở nhi đồng áo vá cơm khoai

 

Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ

Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ

Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu

Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau. 

CHẾ LAN VIÊN 1949

QĐND - Nhà thơ Chế Lan Viên (1920 -1989), quê Cam Lộ, Quảng Trị, là một trong vài ba nhà thơ xuất sắc nhất của nước ta ở thế kỷ XX. Ông xuất hiện và nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới với tập thơ “Điêu tàn” khi ông mới 17 tuổi. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thơ ông được bạn đọc mến mộ không chỉ vì có giọng điệu riêng, nghệ thuật thi ca điêu luyện chứa đựng tư tưởng và triết lý… mà còn vì ý thức công dân của ông, đem thơ ca phục vụ sự nghiệp cách mạng của đất nước. Ông là một trong những nhà thơ Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996) là giải thưởng cao quý nhất về Văn học Nghệ thuật do Chủ tịch nước trao tặng.

Khi nói về những bài thơ hay viết về Bác Hồ, thì chúng ta không thể không nhắc đến bài “Người đi tìm hình của nước” của ông. Và tương tự như thế, “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” là một trong những bài thơ xuất sắc viết về Đảng, một đề tài rất lớn nhưng không dễ đối với mọi nhà thơ. Ai cũng biết, trong chiều dài lịch sử nước ta, tính từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam, là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, người tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta đánh đổ ách đô hộ và sự xâm lược của các thế lực ngoại xâm và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nói chung, đảng viên là những người con ưu tú của dân tộc, nên những ai được đứng trong hàng ngũ của Đảng đều thấy vinh dự, tự hào, nhất là ngày được kết nạp  Đảng. Cái cảm giác “ngày vào Đảng đất trời như đổi khác” thật đúng với ý nghĩ, tâm trạng của những ai đã từng được vinh dự đứng tuyên thệ dưới cớ Đảng trong ngày lễ trọng đại này. Thông thường, những người có lập trường tư tưởng vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian thử thách thì được xét và kết nạp Đảng. Bởi thế, phần lớn đảng viên được kết nạp ở cơ quan, đơn vị, có khi ngay giữa mặt trận… chứ rất ít cán bộ thoát ly, đã “giã mẹ đi kháng chiến bốn phương trời” mà lại được kết nạp ngay trên quê hương của mình. Đây là chuyện thật của tác giả, năm 1949, trong chiến dịch Tà Cơn (Quảng Trị), chính nhà thơ Chế Lan Viên đã được kết nạp Đảng. Giờ phút kết nạp vào Đảng, ở bất cứ đâu, người đảng viên mới này không những tự hào, mà còn có nhiều điều suy nghĩ, thì được kết nạp trên quê hương mình, sự suy nghĩ đấy càng được mở rộng và thêm nhiều ý nghĩa. Nhà thơ Chế Lan Viên đã khai thác điều này, khi dùng hình tượng người mẹ, không chỉ là đại diện cho quê hương, mà để người đọc hiểu được cảnh cơ cực, bần hàn của quê hương, đất nước trước khi  có Đảng: “Bà con quê ta đói nghèo, lam lũ / Cuộc sống xưa như nước chảy mất dòng/ Không ai thương như cỏ nội giữa đồng/ Con chim nhỏ bỏ trời quê ta đi xứ khác”. Và “Thiếu gia đình ngay giữa quê hương”… Đọc đến đoạn này, chúng ta nhớ đến trường ca “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu, cũng có đoạn nói về nỗi cơ cực của người dân trước kia: “Cha trốn ra Hòn Gay cuốc mỏ / Anh chạy vào đất đỏ làm phu / Bán thân đổi mấy đồng xu / Thịt rơi vùi gốc cao su mấy tầng”… Điều đó giải rằng tại sao cần có Đảng. Có câu thơ đọc lên làm chúng ta suy nghĩ nhiều: “Mẹ ơi! Mẹ không là đồng chí / Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ”. Hai từ “đồng chí” xuất phát dùng để chỉ những người cùng chí hướng, nhưng chúng ta quen dùng để chỉ, gọi những người đảng viên với nhau, và mở rộng ra, là để gọi những người cùng đơn vị, cơ quan. Như vậy thì rõ ràng  “mẹ không là đồng chí”. Tác giả dùng ý này không chỉ để nói về người mẹ cụ thể của mình, mà muốn chuyến tải một ý nghĩ: Có nhiều người dù chưa phải làng đảng viên, chưa được gọi nhau bằng “đồng chí”, nhưng “phẩm chất Đảng” đã có sẵn trong họ, và họ hết sức gần gũi với Đảng: “Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào/ Từ buổi dạy con lòng thương ghét ban đầu/ Tự quê mẹ nghèo, tự đời mẹ khổ /…/ Từ giọt lệ khóc tù đi biệt xứ / Từ nắm cơm khô đưa cán bộ thoát làng…” Nhà thơ đã diễn đạt một cách giản dị, dễ hiểu rằng, Đảng nói chung và đảng viên nói riêng không phải là ai xa lạ, mà chính là những người dân từng bị đói khổ vì phong kiến, thực dân, tự giác ngộ, liên kết nhau lại thành một tổ chức…

Từ thực tế được kết nạp Đảng trên quê hương, nhà thơ đã khái quát lên, làm cho người đọc hiểu được sự gắn kết giữa quê hương (là hình ảnh thu hẹp của đất nước) với Đảng. Thời gian tác giả viết bài thơ này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của chúng ta còn vô cùng gian khổ, ác liệt, hy sinh. Tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng tức là tự nguyện “đứng mũi chịu sào” trước thử thách, hy sinh đó. Bởi vậy ngay trong khoảnh khắc thiêng liêng được kết nạp vào Đảng, người đảng viên mới đã thấy những thử thách phía trước và trách nhiệm của mình: “Tôi nhìn ra máu thịt quê hương…/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người…/ Chỉ có gió mù trời chen tiếng súng / Của đồn giặc mấy năm trời chiếm đóng”. Tác giả, người đảng viên mới nghĩ nhiều về trách nhiệm của mình, đó là đánh giặc để giải phóng dân tộc để đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng chính là mục tiêu cao cả của Đảng ta. Kết bài thơ, tác giả găm một câu gói ghém chủ đề chính của bài thơ: “Đảng trở thành nơi cắt rốn, chôn rau”!

VƯƠNG TRỌNG