QĐND – Theo đoàn người vào tham quan Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ trong những ngày cả nước sôi nổi kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi không khỏi xúc động khi bắt gặp ở vị trí trang trọng nhất phòng trưng bày, nổi bật hình ảnh lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng”...

Đại úy QNCN Mai Thị Ngọc Quy, nhân viên kiểm kê, bảo quản của bảo tàng giới thiệu với chúng tôi: “Đây là lá cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cho Đoàn vượt Trường Sơn ngày 27-12-1959 tại Hà Nội. Đồng chí Đặng Văn Thượng là người vinh dự được nhận và giữ gìn, bảo quản lá cờ. Hiện vật gốc độc bản này có giá trị lịch sử đặc biệt. Lá cờ như một sứ mệnh dành riêng cho Đoàn vượt Trường Sơn trở về miền Nam xây dựng lực lượng chiến đấu, giải phóng miền Nam. Lá cờ cũng là “người đồng đội” đồng hành với 28 thành viên của đoàn lúc bấy giờ”.

Nhân viên bảo tàng giới thiệu về lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng”.  Ảnh: Lê Tuyết.

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” ấy đã cùng Tiểu đoàn 1 lần đầu tiên ra mắt Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ngày 20-12-1960 tại rừng Rùm Đuôn-Trảng Chiên, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Đến tháng 4-1961, Tiểu đoàn 1 mang cờ “Quyết chiến Quyết thắng” ra quân đánh trận đầu tiên do Tiểu đoàn trưởng Bùi Thanh Vân (bí danh Út Liêm) cùng Chính trị viên Đặng Văn Thượng chỉ huy, tiêu diệt hoàn toàn một trung đội địch do tên Quận trưởng Suối Đá (huyện Dương Minh Châu ngày nay) chỉ huy. Quân ta thu được 30 súng, có một súng ngắn, đốt cháy 3 xe. Rồi trận chống càn quét ở Trảng Sa-Trảng Cỏ-Bời Lời-Trảng Bàng (Tây Ninh), dưới cờ “Quyết chiến Quyết thắng”, quân ta đã chiến đấu kiên cường tiêu diệt 60 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Các trận đánh tiêu diệt đồn bốt, càn quét của địch, quân ta nhanh chóng giải phóng một vùng đất rộng lớn phía Bắc tỉnh Tây Ninh. Anh em cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân hết sức phấn khởi, củng cố lòng tin quyết chiến, quyết thắng, coi lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vật linh thiêng, tiếp sức cho các đơn vị đánh đâu thắng đó. Mỗi khi xuất quân chiến đấu, anh em lại mang theo lá cờ. Màu cờ ở đâu là như có Bác và Đại tướng ở đó, dìu dắt, động viên tinh thần cho bộ đội quyết đánh, biết đánh và giành chiến thắng.

Cứ như vậy, lá cờ ấy đã gắn liền với nhiều trận đánh thắng lớn ở đồn Cần Lê, đồn án ngữ biên giới, cầu Lộc Ninh và các trận phối hợp cùng nhiều đơn vị khác trên khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ từ 1961 đến 1975, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những sự kiện quan trọng như việc kết nạp thanh niên vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng Cộng sản Việt Nam đều được tổ chức dưới cờ “Quyết chiến Quyết thắng”…

Sau năm 1975, cờ “Quyết chiến Quyết thắng” tiếp tục đồng hành cùng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam. Khi kết thúc nhiệm vụ, đồng chí Tư lệnh Quân khu 7 Bùi Thanh Vân giao nhiệm vụ cho đồng chí Đặng Văn Thượng giữ và viết lịch sử của lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng”. Qua những dòng nhật ký của đồng chí Đặng Văn Thượng còn lưu lại, chúng tôi biết thêm lời dặn của Bác Hồ đối với Đoàn vượt Trường Sơn ngày ấy: “Về Nam, khi gặp các đồng chí lãnh đạo, gặp đồng bào, các chú nhớ nói: Đảng, nhân dân miền Bắc, quân đội và tôi gửi lời thăm, chúc mạnh khỏe, đoàn kết lương giáo, chung sức chung lòng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà”... Thời khắc trao cờ cho đồng chí Thượng, Bác Hồ đã dặn: “Đồng chí là Bí thư Chi bộ, là Chính trị viên, hãy giữ gìn lá cờ này như sinh mạng chính trị của đoàn, thường xuyên mở ra xem trên đường đi để nhắc nhở ý chí và quyết tâm. Khi về Nam xây dựng lực lượng nhớ lấy cờ ra giáo dục anh em, đặc biệt dùng cờ này trong chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt quân thù, giải phóng miền Nam”…

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” trở thành kỷ vật thiêng liêng của quân và dân miền Nam. Sau khi hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, báu vật ấy được đưa về bảo quản, trưng bày phục vụ khách tham quan ở trung tâm thành phố mang tên Bác. Lá cờ là tư liệu giáo dục lịch sử truyền thống, truyền lửa nhiệt huyết cách mạng cho người dân thành phố. Hằng năm, các cựu chiến binh Chiến trường B2 lại tề tựu về đây, cùng ôn lại truyền thống vẻ vang một thời dưới cờ “Quyết chiến Quyết thắng”.

Đại tá Nguyễn Duy Thiệu, Giám đốc Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ, cho biết: “Bảo tàng đã lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận hiện vật lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” là Bảo vật quốc gia. Chúng tôi mong muốn ý nghĩa lịch sử vô giá của hiện vật này được khai thác, phát huy, tạo sức lan tỏa sâu rộng, trở thành lời thề nhắc nhở thế hệ trẻ Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ LLVT mãi khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, luôn phát huy tinh thần “Quyết chiến Quyết thắng” trong học tập, lao động, công tác và SSCĐ”.
LÊ HÙNG KHOA