Đi Mặt trận 579 cùng tư lệnh

Như chưa hết xúc động sau chuyến qua đất nước Chùa tháp, Giám đốc VTV8 (Đài Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên) Đặng Xuân Thu gật đầu một cái hẹn với tôi. Không có gì lạ khi một góc ký ức người lính trong anh được chạm đến đầy tự hào.

-  Cơ duyên nào mà anh được tác nghiệp tại chiến trường Campuchia?

-  Ngày đó, mình tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học-Đại học Huế), ra trường về nhận công tác ở Đài Truyền hình Đà Nẵng (nay là VTV8), được một năm thì trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Tưởng chỉ ở quanh quẩn thành phố thôi, không ngờ qua luôn đất bạn đến 3 tháng và xém chết mấy lần.

leftcenterrightdel
Đại tá Trương Hồng Anh (thứ hai, từ trái sang) báo cáo Tư lệnh Nguyễn Chơn (giữa) phương án tác chiến đánh cao điểm 547, năm 1984. Ảnh tư liệu

Sau Tết năm 1984, Đặng Xuân Thu và Nguyễn Hùng Anh của chuyên mục  Quốc phòng do Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (trước đây) thực hiện phát trên sóng Đài Truyền hình Đà Nẵng được trên thông báo sẽ đi công tác đặc biệt. Hành lý mang theo ngoài máy quay còn có đến 1.600 thước phim. Trên chuyến xe cùng Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 5 Nguyễn Chơn (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã mất) xuất phát từ Đà Nẵng, các phóng viên chỉ biết mình qua Campuchia khi bắt đầu lên máy bay ở sân bay Pleiku, Gia Lai. Tư lệnh Nguyễn Chơn giao nhiệm vụ cho hai chàng lính trẻ quay những thước phim chân thực nhất về cuộc chiến đấu của Quân tình nguyện Việt Nam ở nước bạn, đặc biệt là trận đánh quyết định ở cao điểm 547 trên dãy Dangrek. Từ Stung Treng, vị trí đứng chân của Mặt trận 579, cả đoàn hối hả về Preah Vihear, nơi các đơn vị sư đoàn của Quân khu 5 đang tập trung lực lượng.

-  Chính ở đây anh gặp nhân vật trong phim?

-  Đúng vậy!-anh Thu kể tiếp-Trước đó, tôi chưa hề biết Sư đoàn trưởng của “Sư đoàn thép” là ai. Lần đầu gặp là tại cuộc họp của Sở chỉ huy tiền phương giao nhiệm vụ cho các cánh quân. Khi tôi đến, ai đó đã giới thiệu người ngồi bên phải Tư lệnh Nguyễn Chơn là Đại tá Trương Hồng Anh, quê Quảng Ngãi, 22 tuổi làm tiểu đoàn trưởng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, 34 tuổi đã là sư đoàn trưởng. Anh ấy có gương mặt thư sinh, trắng trẻo, trông trẻ hơn tuổi, giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp, không có kiểu “võ biền” nên tôi rất thiện cảm.

Khi biết chàng quay phim từng tốt nghiệp đại học ngành ngữ văn, Đại tá Trương Hồng Anh kể về người vợ tên Khánh Hà hiện ở Thủ đô cũng rất giỏi văn, xinh đẹp, đằm thắm và cô con gái Khánh Hồng rất đáng yêu.

Ngày ra quân đánh cao điểm 547 (lần thứ tư), trước khi nhập hướng khác theo biên chế, Đặng Xuân Thu tranh thủ qua Sư đoàn 2 dự buổi lễ xuất quân của đơn vị để có thêm những hình ảnh về Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh trong ngày trọng đại này. Tiếc là 34 năm sau, khi anh làm phim, dẫu rất muốn nhưng không tìm đâu ra tư liệu vị sư đoàn trưởng thời ở chiến trường.

Trận quyết chiến ở cao điểm 547

Hành tiến cùng đơn vị tăng thiết giáp dọn đường lên cao điểm, anh Thu biết mình dễ bị dính đạn nhưng vẫn tác nghiệp ngay trên nóc xe và hơn một lần sém chết. Đến chiều tối thì tất cả dừng lại dưới chân núi Dangrek. Tại đây, anh cất những cuộn phim quay từ sáng vào trong xe bọc thép như là cách bảo quản chắc chắn nhất. Gặp lại Đinh Quyết Thắng (Thuận Thắng), phóng viên Báo Quân khu 5 và Nguyễn Hùng Anh từ các cánh quân khác nhập lại, chưa kịp vui thì trên núi bọn Pôn Pốt bắn ĐKZ xuống, Thắng bị thương ở chân, Hùng Anh cũng bị thương. Trước khi được cáng thương chuyển đi, Thắng còn giao cho anh chiếc máy ảnh, hai cuộn phim cùng khẩu súng lục. Tối hôm đó, Mặt trận 579 đã làm chủ cao điểm 547 sau nhiều lần đổ máu, hao quân ở đây. Góp phần vào chiến thắng đó có công của Đại tá Trương Hồng Anh đã thay đổi chiến thuật, chỉ huy Sư đoàn 2 kéo pháo lên sát chân núi và bắn cấp tập khiến địch bị tê liệt hoàn toàn.

Ngày hôm sau, 28-3, chàng phóng viên được hỏi: “Em có muốn lên xem sào huyệt của bọn Pôn Pốt trên dãy núi này không? Sẽ có rất nhiều hình ảnh thú vị cho em quay đấy”. Vậy là sáng hôm đó, anh Thu cùng một nhóm cán bộ của các đơn vị lên chiếc xe GMC đi cùng sư đoàn trưởng thị sát cao điểm 547. Con đường cỡ 10km lên núi nhiều đoạn dập dờn những đàn bướm đẹp mắt. Ấn tượng hơn nữa khi trên núi, anh choáng ngợp bởi hồ nước trong vắt rộng mênh mông. Bọn Pôn Pốt đã đào hồ nhân tạo và trữ nước sạch trong khi hàng trăm chiến sĩ của ta đã chết khát bởi địa hình khắc nghiệt. Tại đây, anh được Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh dẫn đi quay đại bản doanh của địch với cuộc sống quý tộc còn sót lại qua vật dụng sinh hoạt. 

Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh hỏi Thu có muốn cùng ngồi cabin không nhưng anh từ chối vì đứng ở thùng xe phía sau quay dễ hơn. Nụ cười trắng lóa trên gương mặt ông đen bóng của các chiến sĩ nước bạn trên chiếc xe đi ngược chiều lên chốt là hình ảnh quay cuối cùng trước khi anh thay cuốn phim khác. Bỗng nhiên một tiếng nổ chói tai từ phía trước và anh bị văng khỏi xe. Thì ra, để nhường đường cho xe chở quân của bạn, chiếc GMC đã đánh tay lái ra khỏi đường mòn chừng 20cm và trúng phải mìn tăng địch cài lại ngay phía Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh ngồi. Ông được đưa ra khỏi xe sơ cứu và sau đó chuyển về trạm phẫu tiền phương. Anh Thu và gần 20 cán bộ, chiến sĩ được lệnh chạy xa trước khi bình xăng trên xe phát nổ. Chàng phóng viên bất lực nhìn tất cả hành lý quý giá của mình gồm chiếc túi đựng các cuốn phim quay trong ngày lịch sử và cả chiếc máy ảnh của Thắng để ở sàn xe. Chẳng chờ lâu, cột lửa bùng cháy dữ dội. Chiếc máy quay vẫn bên vai vậy mà tay anh cứ đơ vì sốc.

Ngày 2-4, khi đang tác nghiệp ở Stung Treng thì anh nghe tin Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh hy sinh. Ông bị chấn thương khi mìn nổ, đầu đập vào trần cabin kim loại. Một nỗi buồn tê tái tràn ngập lòng chàng phóng viên. Nỗi buồn ấy thôi thúc anh sau này sẽ phải làm phim về người sư đoàn trưởng có gương mặt thư sinh.

leftcenterrightdel
Giám đốc Đặng Xuân Thu (ngồi ngoài cùng, bên phải) cùng gia đình liệt sĩ Trương Hồng Anh ở chân núi Dangrek, năm 2018. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trở lại Dangrek

Về lại Đà Nẵng sau 3 tháng ở chiến trường, Đặng Xuân Thu nhanh chóng viết lời bình và dựng phim “Đường lên Dangrek” theo lệnh của Cục Chính trị Quân khu 5. Ngoài 300 thước phim bị mất trên xe GMC thì hầu hết những thước phim vô giá được cất ở xe bọc thép và trên máy quay vẫn còn nguyên. Sau một tháng trời ròng rã, bộ phim được hoàn thành với độ dài 62 phút. Buổi chiếu, ngoài ban lãnh đạo của đài Đà Nẵng có Ban chủ nhiệm Cục Chính trị và Tuyên huấn mặt trận mà anh Thu chỉ còn nhớ những cái tên là Ba và Thành. Thiếu tướng Phạm Bân (nay đã mất) chủ trì hôm đó. Khi phim chiếu xong, Quân khu 5 yêu cầu anh đưa hết cả phim dựng và băng gốc để bảo mật. Từ đó đến nay, nhiều lần anh hỏi thăm cơ quan chức năng mà không biết các cuộn phim quan trọng ở đâu khi những đồng chí chỉ huy mặt trận lần lượt qua đời.

9 năm làm Giám đốc VTV Đà Nẵng, bận bịu với công việc, anh Thu vẫn thấy mình mắc nợ người đã hy sinh, đặc biệt là với Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh. Trao đổi với NSƯT Trương Vũ Quỳnh và đạo diễn Đoàn Hồng Lê, cả 3 quyết tâm phải làm phim tài liệu về Mặt trận 579. Tháng 4-2018, đoàn lên đường sang nước bạn. Trước đó, nữ đạo diễn Đoàn Hồng Lê cùng ê kíp đã ra Hà Nội gặp gỡ vợ và con liệt sĩ Trương Hồng Anh. Tất cả kỷ vật, đặc biệt là những bức thư của vị sư đoàn trưởng gửi gia đình còn được lưu giữ nguyên vẹn chính là sợi chỉ xuyên suốt bộ phim. Vợ và con gái Đại tá, liệt sĩ Trương Hồng Anh được đưa qua sân bay thủ đô Phnôm Pênh rồi từ đó về Preah Vihear. Đoàn làm phim đã bố trí cuộc gặp bất ngờ đến phút chót. Khi vào ngồi cùng xe với người thân Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh, những câu chuyện anh kể ngày ở chiến trường cùng vị chỉ huy Sư đoàn 2 đều nằm trong ống kính. Khánh Hồng, cô bé được bố dành cho quả địa cầu thu được trên cao điểm 547 năm xưa nay đã là một phụ nữ tuổi 37. Kỷ niệm về bố qua lời kể của đồng đội ông làm cô không cầm được nước mắt. Có phiên dịch là ông Trịnh Thanh Sáu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia thành phố Đà Nẵng, đoàn thẳng tiến về Preah Vihear. Gần 35 năm đã trôi qua, địa hình thay đổi nhiều, vậy mà ông Đặng Xuân Thu không hề quên con đường mòn ngày trước dưới chân núi Dangrek. May mắn hơn nữa khi tìm được các mảnh kim loại từ xác chiếc GMC cũ. Đoàn làm phim cùng vợ con Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh đặt hoa và thắp hương lên đúng vị trí chiếc xe bị nạn, bốc nắm đất nơi đây về rải trên mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Quân khu 5.

Cả một trời ký ức ùa về trong lòng vị giám đốc tóc đã hoa râm. Anh biết mình đã làm được điều tâm nguyện!

HỒNG VÂN