QĐND - Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, công bố sự ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Văn kiện lịch sử đó mở đầu cho việc pháp lý hóa thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Vậy, Hồ Chí Minh có ý tưởng viết Tuyên ngôn Độc lập từ bao giờ?
Trong cuốn sách Ho Chi Minh: A biographical Introduction, NY, 1973 (Hồ Chí Minh: Giới thiệu tiểu sử), Sác-lơ Phen (Charles Feen) đã cho chúng ta biết một số chi tiết thú vị liên quan tới việc Hồ Chí Minh có ý tưởng chuẩn bị tài liệu cho Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam: “Cục cứu trợ không quân trên mặt đất (viết tắt theo tiếng Anh là AGAS) đã thông báo cho tôi về một ông già Việt Nam không những chỉ giúp cứu phi công Mỹ bị bắn rơi, mà còn liên quan tới một tổ chức chính trị rộng lớn. AGAS còn nói rằng, ông già ấy hiện đang có mặt tại Côn Minh và thỉnh thoảng còn gặp trong Cục Thông tin chiến tranh Hoa Kỳ, là nơi ông thường lui tới để đọc đủ thứ, từ tờ Thời báo đến Bách khoa toàn thư”.
|
Tại căn phòng này, trên gác 2 ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Hà Thu. |
Đó là vào tháng 2-1945, Hồ Chí Minh thay mặt Mặt trận Việt Minh sang Côn Minh công tác với sứ mệnh tiếp xúc với các lực lượng Đồng Minh, chủ yếu là Hoa Kỳ, để vận động cho Mặt trận Việt Minh có chân trong các lực lượng thế giới chống phát xít. Trong chuyến đi, Người đã bố trí đưa viên Trung úy phi công Mỹ Sao (Shaw) được quân dân Cao Bằng cứu sống, sang trao trả cho AGAS như một “miếng trầu là đầu câu chuyện” trong lễ nghĩa người Việt chúng ta. Sau đó, Người ở lại Côn Minh chờ cơ hội cho những cuộc tiếp xúc tiếp theo. Trong khi chờ đợi, Người thường lui tới Cục Thông tin chiến tranh Hoa Kỳ (viết tắt theo tiếng Anh là AOWI) tìm những thông tin cần thiết, trong số đó Người đã đọc mục từ Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trong Bách khoa toàn thư Hoa Kỳ. Thời điểm đó là vào đầu tháng 3-1945, trùng với cuộc đảo chính của Nhật ở Việt Nam. Cuộc đảo chính đó vô tình đã phá nát mạng lưới tình báo mà Đồng Minh đã dày công xây dựng trên lãnh thổ Đông Dương. Vì thế, Bộ Tham mưu quân đội Mỹ trên đất Trung Quốc không thể có những thông tin cần thiết về sự bố phòng của quân đội Nhật và cả những thông tin về thời tiết cho các hoạt động quân sự, đặc biệt là không quân trên đất Việt Nam. Vì thế, Bộ Tham mưu cho phép Cục phục vụ chiến lược (viết tắt theo tiếng Anh là OSS, tiền thân của CIA) tìm người Việt Nam thay thế cho mạng lưới điệp viên đã ngừng hoạt động. Và S.Phen, nhân viên của OSS, tìm đến Hồ Chí Minh. Cuộc gặp gỡ đó diễn ra vào ngày 17-3-1945 tại nhà ông Tống Minh Phương, số 77, phố Kim Bích, một cơ sở cách mạng của ta ở Côn Minh. Nhật ký của S.Phen ghi: “Hồ không như tôi tưởng. Trước hết, ông không đến nỗi “già”, chòm râu không còn đen nữa gợi lên trong tôi ý nghĩ ông là người đã có tuổi, nhưng khuôn mặt ông rất khỏe mạnh, đôi mắt ông rất sáng và lấp lánh. Chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Pháp… Hồ nhấn mạnh rằng, Mặt trận Việt Minh chỉ chống Nhật. Giọng nói của ông rõ ràng, dứt khoát, gây cho tôi một ấn tượng mạnh”. Tiếp đó, S.Phen bố trí cho Hồ Chí Minh gặp tướng Sê-nôn (Chennault), chỉ huy Sư đoàn Không quân 14 được mệnh danh là Phi Hổ vào lúc 11 giờ trưa ngày 29-3-1945. Nhật ký của S.Phen có ghi: “Sau khi chúng tôi có mặt bên ngoài hành dinh của Tướng Sê-nôn, chúng tôi được báo là ông đang bận. Ít phút sau, chúng tôi được mời vào. Sê-nôn đã nói với Hồ là ông rất biết ơn về việc người phi công được cứu thoát. Hồ nói là ông sẽ luôn luôn hân hạnh được giúp người Mỹ, đặc biệt là được giúp Tướng Sê-nôn, người mà ông rất ngưỡng mộ. Hai người đã trò chuyện về “những con hổ biết bay”. Sê-nôn rất khoái về việc ông già biết chuyện đó… Chúng tôi nói chuyện về việc cứu phi công…”.
Chuyến công cán ngoại giao đó của lãnh tụ Hồ Chí Minh thắng lợi ngoài mong đợi, bởi không chỉ nhận được sự giúp đỡ bí mật của các lực lượng Hoa Kỳ ở Côn Minh, mà còn bước đầu tiếp xúc trực tiếp với Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ và gợi mở cho Người viết Tuyên ngôn Độc lập của nước ta.
Đầu tháng 4-1945, Người cùng với những người lính Đồng Minh về Cao Bằng, tiếp đó tháng 5-1945 xuôi về Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang. Tại đây, Người cùng với các chiến sĩ cách mạng chuẩn bị cơ sở vật chất như dựng lán, xây dựng sân bay dã chiến Lũng Cò để tiếp nhận toán lính Con Nai với trang thiết bị, thuốc men cùng hoạt động bên cạnh các chiến sĩ Việt Minh.
Trong số những người lính Đồng Minh hoạt động với các chiến sĩ Việt Minh ở Tân Trào lúc đó có một viên Trung úy trẻ mang quốc tịch Hoa Kỳ tên là Phơ-len (Phelan), biệt danh là Giôn. Anh đã gửi cho cấp trên trực tiếp của anh một bản tường trình, trong đó miêu tả hết sức tỉ mỉ nơi ăn chốn ở của lãnh tụ Hồ Chí Minh và không quên lưu ý là Hồ Chí Minh đã hỏi anh về bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và cuối cùng đưa ra một nhận xét thú vị: "Thực ra, hình như ông ta còn biết nhiều hơn tôi về bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ”. S.Phen cho biết thêm: Để thỏa mãn lòng mong muốn của Hồ Chí Minh, anh ta đã điện về Trùng Khánh gửi cho ông bản sao Tuyên ngôn Độc lập. Và điều tuyệt vời là trong một chuyến hàng viện trợ cho Việt Minh được thả xuống sân bay Lũng Cò, ngoài vũ khí hạng nhẹ, thuốc Tây, còn có một bản sao Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.
Sau khi về nước hoạt động, Hồ Chí Minh vẫn giữ liên lạc thường xuyên và chặt chẽ với S.Phen bằng thư từ qua liên lạc viên của mình. Có ít nhất 5 lá thư Người gửi cho S.Phen. Qua những lá thư trao đổi đó, Người muốn làm cho người Mỹ hiểu rõ ý chí, quyết tâm sắt đá của dân tộc Việt Nam chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Lá thư cuối cùng Người gửi cho S.Phen ít lâu sau khi Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hi-rô-si-ma thể hiện rõ điều đó:
"Chiến tranh đã kết thúc thắng lợi. Nhưng chúng tôi, những nước nhỏ và lệ thuộc, không có phần đóng góp hoặc đóng góp rất nhỏ vào thắng lợi của tự do, của dân chủ. Nếu muốn góp một phần xứng đáng, chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu. Tôi tin rằng, ông và nhân dân Mỹ vĩ đại sẽ luôn luôn ủng hộ chúng tôi. Tôi cũng tin rằng, sớm hay muộn chúng tôi cũng sẽ đạt được mục đích của mình, bởi lẽ mục đích đó là chính đáng. Và đất nước chúng tôi sẽ được độc lập”.
Ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Cơ hội ngàn năm có một đã đến với Việt Nam. Ngay lập tức, Mặt trận Việt Minh phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước. Ngày 19-8-1945, chính quyền về tay nhân dân Hà Nội. Được tin vui đó, Người quyết định nhanh chóng về Hà Nội. Chiều 24-8, Người về Hà Nội và được bố trí sống chung với một gia đình giàu nhất nhì Hà thành lúc đó tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, một trong 36 phố cổ trong không khí ngập tràn hạnh phúc những ngày đầu độc lập. Đó là gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, nhà tư sản dân tộc đã đứng vào hàng ngũ Việt Minh năm trước.
Hồ Chí Minh sống cùng với anh em ở gác 2. Tầng gác này vốn là phòng ăn và phòng tiếp khách nên không có bàn làm việc. Bác ngồi viết ở cái bàn ăn rộng thênh thang. Chiếc máy chữ từ chiến khu mang về được đặt trên chiếc bàn vuông nhỏ, mặt bàn bọc nỉ xanh, kê ở góc phòng. Tại đây, với sự chuẩn bị từ trước, Người đã thảo bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta. Cũng tại đây, Người đã nói với anh em rằng, trong cuộc đời hoạt động, Bác đã đi nhiều, viết nhiều nhưng chưa bao giờ Bác viết thoải mái, sung sướng như lúc này. Về sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì… Họ không biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử..”.
Bác lấy nguyên văn một đoạn hay nhất trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ làm câu mở đầu trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của ta: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Chiều ngày 2-9-1945, nghi lễ công bố Ngày lập quốc diễn ra trang trọng, thiêng liêng tại Vườn hoa Ba Đình như ta đã biết. Một quân nhân Mỹ, ông Ác-si-mét L.A.Pát-ti (Arshimedes L. A. Patti) có mặt trong buổi chiều không bao giờ quên đó, sau này đã viết trong Why Vietnam (Tại sao Việt Nam) như sau: “Sau khi đọc phần đầu Tuyên ngôn Độc lập, Người đột ngột dừng lại và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Tất thảy quần chúng đồng loạt hô vang “Rõ”. Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Người nói tiếp: “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Quá trình hình thành bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của chúng ta là như vậy đó.
PGS, TS PHẠM XANH