Trên chặng đường 74 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn 271 lập nhiều chiến công hiển hách tại khắp các chiến trường; hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào và Campuchia. Biết bao trận đánh ghi dấu chiến công trên từng trang sử của đơn vị. Trong đó, cũng có những trang sâu đậm, bi hùng và không thể nào quên là sự kiện Tà Săng ngày 19-2-1972.

Người CCB Trung đoàn 271 biết rõ sự kiện này là Trần Minh Tâm (thường gọi Sáu Tâm). Anh cũng là người tình nguyện chịu trách nhiệm chính xây dựng công trình Đền tưởng niệm các liệt sĩ của trung đoàn tại Tà Săng. Thời gian qua, anh cùng các CCB của trung đoàn, như: Tiến sĩ Chu Đức Tính (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh), Đại tá Lê Cường (nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) và một số đồng chí khác làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh để dành ra 1ha đất xây dựng công trình này.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Trần Minh Tâm (bên trái) trao kinh phí ủng hộ Chương trình Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân, tháng 10-2020. 

Sinh ra trên quê hương Bến Tre, ba má đều hoạt động cách mạng, từ nhỏ, Trần Minh Tâm đã sớm được bồi dưỡng lòng yêu nước, căm thù giặc và nhận những nhiệm vụ bí mật. Trước ngày Sài Gòn giải phóng, anh là cán bộ Cụm tình báo H67, sau này làm cán bộ chỉ huy Trung đoàn 271, thành viên Ban giám đốc Công ty Du lịch Miền Đông (thuộc Tổng công ty Miền Đông, Quân khu 7).

Anh kể: “Tháng 3-1969, mới 15 tuổi, tôi cùng đoàn gồm các anh hùng: Núp, Tạ Quang Tỷ, Hồ Vai, Kan Lịch... được ra Hà Nội thăm Bác Hồ. Chúng tôi xúc động khi thấy Bác yếu đi nhiều mà luôn quan tâm, dành tình cảm cho các anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Bác thăm hỏi chúng tôi như người ông, người cha chăm lo đến con cháu nơi xa về. Những lời Bác căn dặn là nguồn động viên, nhắc nhở, khích lệ chúng tôi trong học tập, chiến đấu và công tác suốt cuộc đời. Đầu năm 1972, khi tôi làm Đài trưởng Đài Trinh sát kỹ thuật, biết quân Mỹ sẽ dùng máy bay B-52 rải thảm hủy diệt Trung đoàn 271 đang từ miền Bắc vào Tây Ninh. Kết hợp với tin tình báo từ trong hàng ngũ địch gửi ra, cấp trên xác định rõ âm mưu của chúng".

Sau khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào rồi chiến đấu ở Đường 9-Bắc Quảng Trị, cuối tháng 11-1971, Trung đoàn 271 vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Địch có được thông tin này nên chúng chờ trung đoàn triển khai vị trí đóng quân là tàn sát. Nhưng do ta biết rõ âm mưu của chúng nên đã nhanh chóng cho các tiểu đoàn cơ động khỏi vị trí địch oanh kích. Riêng Tiểu đoàn 7 rút ra chậm nên hai đại đội chịu thương vong lớn. Ngày đau thương ấy là 19-2-1972 (mồng 5 Tết Nhâm Tý). 47 đồng chí hy sinh, hơn 100 đồng chí bị thương được đưa về cấp cứu tại Bệnh xá K24. Thi thể các liệt sĩ tìm kiếm rất khó khăn trong những hố bom. Đơn vị đã tổ chức mai táng chu đáo các liệt sĩ tại Nghĩa trang Hớn Quản (Bình Phước). 

Tôi hỏi anh Sáu Tâm:

- Anh dự kiến kinh phí xây công trình này là bao nhiêu?

- Khoảng 4 tỷ đồng. Hiện nay, đồng chí Chu Đức Tính tại Hà Nội đã phát động các CCB Trung đoàn 271 hướng về Tà Săng, tưởng nhớ, tri ân các đồng đội là liệt sĩ đang nằm lại nơi đây. Cùng với sự đóng góp của các đồng đội, CCB, gia đình tôi xác định chủ động về kinh phí xây dựng công trình này. Nguồn kinh phí lấy từ doanh thu ở các đồng tôm ven biển Cần Giờ và các hoạt động kinh doanh khác của các con, cháu tôi. Chúng tôi đang gấp rút triển khai để công trình kịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Trung đoàn 271 và 50 năm ngày các đồng đội hy sinh.

Người CCB ấy không chỉ đau đáu với đồng đội. Tháng 7-2021 vừa qua, gia đình anh Tâm gửi tặng UBND tỉnh Tây Ninh 1.500 bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh Covid-19, trị giá 300 triệu đồng. Trước đó ít ngày, anh chị tặng Hội Khuyến học tỉnh Tây Ninh 100 triệu đồng. Hai năm nay, đồng hành với anh chị ở vùng biên giới Tây Ninh, tôi biết anh chị đã dành gần 2 tỷ đồng hỗ trợ các đồn biên phòng củng cố doanh trại; tặng các trang thiết bị bảo hộ, khẩu trang, nước diệt khuẩn... và góp quỹ khuyến học, giúp bà con vùng biên giới.      

Hy vọng công trình Đền tưởng niệm các liệt sĩ của Trung đoàn 271 tại Tà Săng sớm hoàn thành bằng nghĩa tình của các đồng đội CCB, đặc biệt là nghĩa cử của gia đình CCB Trần Minh Tâm.

Bài và ảnh: ĐÀO VĂN SỬ