Từ cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, má Bảy thấu hiểu sâu sắc đức hy sinh của người mẹ Việt Nam qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Để có một mái nhà chung, địa chỉ tri ân các thế hệ phụ nữ, má Bảy đã cùng các đồng chí của mình sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ...

Ngôi nhà của má Bảy ở gần Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Chúng tôi được chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng đưa qua thăm má bằng lối đi cổng phụ phía sau. Má Bảy rất ít kể về bản thân mà chủ yếu nhắc cán bộ, nhân viên bảo tàng phải tích cực, sáng tạo, làm giàu thêm nguồn sử liệu, tư liệu, hiện vật lịch sử cho bảo tàng. Dù sức khỏe không cho phép má làm việc như trước đây, nhưng những ý kiến đóng góp của má vẫn luôn có giá trị đối với lãnh đạo các cấp của thành phố. Trước ngưỡng bách niên, má Bảy Huệ vẫn còn minh mẫn. Nhắc đến những ký ức một thời hào hùng, má nói:

- Phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Sài Gòn-Gia Định nói riêng kiên cường lắm! Ngay từ ngày đầu khởi nghĩa, chị em đã được giác ngộ, trở thành lực lượng cách mạng quan trọng, đóng góp to lớn cho dân tộc, cho quê hương, đất nước. Có thể kể tới những tấm gương tiêu biểu như: Chị Lê Thị Riêng, một người phụ nữ giàu lòng yêu nước, liên tục đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, một cán bộ cách mạng tài năng và đức độ. Khi bị địch bắt, chúng đốt cháy tay chị đến trơ xương, nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, thể hiện khí phách hiên ngang bất khuất khiến quân thù khiếp đảm. Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, “nữ kiệt miền Đông” Hồ Thị Bi chỉ huy nhiều trận đánh nức tiếng. Chị Nguyễn Thị Thập, tấm gương tiêu biểu của những người mẹ, người vợ Việt Nam kiên trung, bất khuất, niềm tự hào, nguồn động lực lớn cho các thế hệ cán bộ hội viên, phụ nữ cả nước… Cống hiến của phụ nữ cho cách mạng không sử sách nào ghi hết được.

leftcenterrightdel
 Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thăm hỏi má Bảy Huệ (người ngồi).

Hơn ba thập kỷ trước, má Bảy là thành viên Tổ nghiên cứu lịch sử phụ nữ Nam Bộ. Để góp phần ghi nhớ công lao của các thế hệ phụ nữ Nam Bộ, má Bảy cùng chị em trong tổ có ý tưởng xây dựng nhà truyền thống, tổ chức sưu tầm, trưng bày những hình ảnh, tư liệu, hiện vật lịch sử của phụ nữ miền Nam trong kháng chiến. Năm 1985, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ được xây dựng. Ngay năm đầu tiên đi vào hoạt động, nhà truyền thống đã đón hơn 100.000 lượt khách tham quan. Trước yêu cầu phát triển và nhu cầu khách tham quan ngày càng đông, năm 1990, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Đây là bảo tàng được xây dựng theo phương thức xã hội hóa đầu tiên trong cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thắm cho biết, sau hơn 30 năm hoạt động, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Nhà truyền thống-Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã dày công sưu tầm, bổ sung hình ảnh, hiện vật, tư liệu lịch sử về phụ nữ Nam Bộ qua các thời kỳ. Đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã có những bộ sưu tập quý giá về vai trò của phụ nữ Nam Bộ trong lịch sử kháng chiến và xây dựng đất nước. Hằng năm, bảo tàng tổ chức nhiều đợt triển lãm chuyên đề tri ân, tôn vinh phụ nữ, thu hút đông đảo khách tham quan. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trở thành địa chỉ du lịch về nguồn của phụ nữ cả nước, học sinh, sinh viên và du khách.

Trân trọng những công lao đóng góp to lớn của má Bảy Huệ cho cách mạng, năm 2014, chị Trần Thu Hồng, một cựu tù Côn Đảo, doanh nhân nghỉ hưu đã cùng với vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang-Kim Thanh đúc tượng đồng chân dung má Bảy Huệ tặng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. “Việc đúc tượng một nhân vật còn sống đưa vào bảo tàng chưa có tiền lệ. Khi chị Trần Thu Hồng nêu ý tưởng, Ban giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã xin ý kiến của dì Bảy. Ban đầu dì không đồng ý. Dì bảo hãy dành thời gian, nguồn lực đúc tượng những nữ anh hùng, những người mẹ tiêu biểu của Sài Gòn, Nam Bộ. Chúng tôi thuyết phục dì rằng, bảo tàng đang thực hiện bộ sưu tập những bức tượng về phụ nữ Nam Bộ tiêu biểu qua các thời kỳ. Má là một trong số đó” - Chị Thắm kể.

Hơn 30 năm qua kể từ ngày nghỉ hưu, má Bảy Huệ thường xuyên quan tâm, dành tình cảm, tâm huyết chăm lo cho người nghèo, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Má tham gia thành lập Hội hỗ trợ bệnh nhân nghèo, giúp đỡ cho hàng vạn người nghèo có điều kiện chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Trước khi ban hành, áp dụng những quyết sách lớn của thành phố, các đồng chí lãnh đạo thành phố vẫn thường nhận được ý kiến đóng góp chân thành, xác đáng của má để tham khảo, điều chỉnh cho hợp lòng dân. Đối với công tác phụ nữ, má Bảy luôn căn dặn cán bộ các cấp hội, muốn thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ để xây dựng thành phố văn minh thì phải quan tâm chăm lo cho chị em phụ nữ, tạo thuận lợi cho phụ nữ tự tin, tích cực tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội...

Bài và ảnh: KIM TÙNG - YẾN LONG