Nhiều cây cầu trong số đó không chỉ mang ý nghĩa dân sinh mà còn là chứng tích lịch sử trong các thời kỳ chiến tranh cách mạng. Những tên cầu: Nhị Thiên Đường, Tham Lương, Thị Nghè, chữ Y, cầu Kiệu… đã trở nên quen thuộc, gắn liền với sự kiện Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Một ngày tháng Tám mùa Thu, chúng tôi có dịp tham quan dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, đi qua 8 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh với kỳ vọng sẽ cải tạo dòng kênh đen này thành dòng kênh trong xanh, mở rộng cảnh quan, làm thay đổi bộ mặt đô thị. Dự án đã thực hiện xong giai đoạn 1, bước đầu hình thành diện mạo mới cho vùng dân cư đông đúc. Đứng trên cây cầu Tham Lương nối rạch Chợ Cầu với rạch Bà Hom chảy qua rạch Chợ Đệm thông tới sông Bến Lức (Long An), chợt nghe ai đó đọc câu thơ: “Tham Lương cầu oai hùng biết mấy/ Xác giặc Tây, giặc Pháp chất đầy…”. Gợi trí tò mò, tôi tìm gặp người đọc câu thơ ấy. Từ đây, những chi tiết thú vị về một thời kỳ lịch sử với chiến công oanh liệt của quân và dân “Thập bát phù viên” (18 thôn vườn trầu) bên cây cầu chứng tích được ông Nguyễn Hải Phong, 65 tuổi, ngụ phường Tân Thới Nhất (quận 12), kể lại tường tận. Ông Phong hào sảng:

leftcenterrightdel
Bia tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hy sinh tại Mặt trận Thị Nghè năm 1945, được dựng ngay bên cầu Thị Nghè.

- Từ nhỏ tôi đã được nghe ba tôi đọc thơ về cầu Tham Lương. Ông đọc dài lắm, nhưng lâu quá rồi tôi không nhớ hết, đại loại là kể về lịch sử hình thành và những trận đánh Pháp ngay trong đợt đầu Nam Bộ kháng chiến. Ba tôi cũng là du kích quân của vùng đất cách mạng nổi danh ấy. Lúc tuổi đã cao, mỗi lần nhắc đến cầu Tham Lương, ba tôi lại hào hứng kể cho chúng tôi nghe về thời kỳ sục sôi, oanh liệt, đánh Pháp với ý chí quyết tâm và lời thề “Độc lập hay là chết”. Câu chuyện ba tôi kể thường bắt đầu sau sự kiện ngày 23-9-1945, Xứ ủy Nam Kỳ và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ họp, quyết định chọn Bà Điểm (Hóc Môn)-quê hương 18 thôn vườn trầu-là nơi khởi đầu cho Nam Bộ phát động quần chúng đứng lên với tầm vông, giáo mác quyết bảo vệ quê hương. Những trận đánh diễn ra ở nhiều nơi, nhưng ác liệt nhất là hai bên bờ kênh Tham Lương. Ban đêm, dân quân cách mạng với vũ khí thô sơ xuất hiện bên này bắn qua bên kia kênh; ém quân chốt giữ một bên đầu cầu, phục kích tiêu diệt quân địch. Lính Pháp bị thương vong nhiều nên dàn quân bắn mạnh sang bờ bên kia và đầu cầu Tham Lương. Không hề run sợ, các đội du kích Bà Điểm bí mật vượt qua kênh xáp chiến. Chỉ trong mấy ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, quân Pháp đã bị thiệt hại nặng nề, hàng trăm tên bỏ mạng dưới chân cầu, xác giặc chết ngổn ngang hai bên bờ kênh. Cầu Tham Lương trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với quân thù bởi sự mưu trí, dũng cảm của dân quân, du kích Hóc Môn.

Khi Nam Bộ kháng chiến nổ ra, quân dân Sài Gòn đã hình thành 4 mặt trận bao vây nội đô, gồm: Mặt trận Bà Điểm-Tham Lương, Mặt trận Thị Nghè, Mặt trận Phú Lâm và Mặt trận Nhà Bè-Cần Giuộc. Ở các mặt trận đều triển khai thế trận trong đánh, ngoài vây, lấy các cây cầu huyết mạch làm chiến tuyến một mất một còn với kẻ thù; lực lượng các tỉnh xung quanh cũng kéo về hỗ trợ giam chân địch và tiêu diệt sinh lực của chúng. Tại cầu Thị Nghè, ngay từ sáng sớm 23-9-1945, quân và dân Thị Nghè đã vũ trang bằng vũ khí thô sơ, lập Mặt trận Thị Nghè, chặn đứng quân Pháp gần một tháng trời, không cho chúng nống lấn ra ngoài thành phố. Ông Nguyễn Trọng Xuất, 89 tuổi, ngụ quận 3 (TP Hồ Chí Minh), nguyên Phó trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, khi đó là đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong, nhớ lại:

- Ngày ấy, trận chiến ở cầu Thị Nghè diễn ra hết sức quyết liệt. Với mục tiêu mở đường ra miền Đông, quân Pháp dồn lực lượng và khí tài mạnh mẽ nhằm phá toang cứ điểm Thị Nghè. Trong khi đó, quân và dân Mặt trận Thị Nghè sử dụng vũ khí thô sơ chống chọi với súng đạn tối tân, tàu chiến và thiết giáp của kẻ thù; dùng thân cây, bàn ghế, giường tủ… chắn ngang cầu để làm lô cốt ngăn cản bước tiến của địch. Dù ác liệt nhưng dân quân, du kích vẫn kiên cường bám trụ từ ngày 23-9 đến 18-10-1945, tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, nhưng cũng không ít đồng bào, chiến sĩ anh dũng ngã xuống cây cầu lịch sử này…

leftcenterrightdel
Cầu Thị Nghè - một chứng tích lịch sử Nam Bộ kháng chiến.

Không chỉ cầu Tham Lương, cầu Thị Nghè mà nhiều cây cầu khác quanh thành phố dù đã được xây mới, nâng cấp... nhưng trong lòng người dân Sài Gòn-Gia Định, đó vẫn là những cây cầu chứng tích, thấm đẫm máu xương của thế hệ cha ông trong cuộc trường chinh giữ nước. Bắc qua dòng kênh Đôi thuộc địa phận quận 8 cũng có một cây cầu đi vào lịch sử ghi dấu Nam Bộ kháng chiến. Đó là cầu Nhị Thiên Đường. Trận đầu đánh Pháp trên cây cầu cổ kính này vẫn in đậm trong tâm trí các vị cao niên. Cụ Trần Văn Đồng, 91 tuổi, lão thành cách mạng, ngụ phường 8 (quận 8), trầm ngâm:

- Hằng ngày, nhiều người đi qua cầu Nhị Thiên Đường gần trăm tuổi mới được nâng cấp, trùng tu từ tháng 10-2017, nhưng mấy ai còn nhớ đến trận giằng co dữ dội của đồng bào, chiến sĩ ta với thực dân Pháp trên cây cầu này cách đây 73 năm trước… Khoảng giữa tháng 11-1945, quân Pháp dồn dập mở các đợt tiến công quy mô vào Mặt trận phía Nam nhằm phá vòng vây của ta, mở rộng chiến tranh về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngày 20-11, từ đồn Cây Mai và thành Ô Ma (khu vực quận 11 hiện nay), quân Pháp chia làm 3 hướng tiến công qua cầu Nhị Thiên Đường. Lực lượng ta biết trước tình hình nên đã chủ động triển khai sớm từ cầu Hiệp Ân dọc theo đường Phạm Thế Hiển đến cầu Bà Tàng, đồng thời bố trí lực lượng chủ yếu sẵn sàng đón đánh mạnh ở đầu cầu Nhị Thiên Đường và các trận địa xung quanh. Mặc dù chỉ có vũ khí thô sơ và một số khẩu súng cướp được của địch, nhưng chúng tôi quyết tâm ngăn chặn, giữ vững đầu cầu không cho chúng vượt qua. Sáng 20-11-1945, khi các mũi tiến công của thực dân Pháp cơ động đến cầu, quân ta đồng loạt nổ súng ở tất cả các hướng, các khu vực, nhưng tại đầu cầu Nhị Thiên Đường diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt nhất. Trước sức mạnh phòng thủ kiên cường của quân và dân khu vực cầu Nhị Thiên Đường, thực dân Pháp buộc phải rút lui. Ta giữ vững cầu và làm chủ tình thế, đập tan ý đồ tiến công của địch. Trận đánh gây tiếng vang lớn, cổ vũ khí thế của quân và dân Sài Gòn kháng Pháp.

Gần cầu Nhị Thiên Đường, nối quận 8 với quận 5, cầu chữ Y được biết đến với chiến công gắn liền tên tuổi người chỉ huy Mặt trận phía Nam Sài Gòn (Mặt trận số 4) Dương Văn Dương (thường gọi là Ba Dương) và lực lượng Bình Xuyên. Trước khi Nam Bộ kháng chiến nổ ra, đội quân của Ba Dương đã phối hợp với lực lượng Thanh niên Tiền phong khống chế, tiêu diệt nhiều mật thám, cảnh sát ác ôn, có nợ máu với nhân dân, được bà con vùng Nam Sài Gòn nể phục. Ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, Ba Dương chỉ huy lực lượng Bình Xuyên (lúc này là bộ đội Bình Xuyên) tham gia trong đội hình của Việt Minh bao vây quân Pháp tại phòng tuyến phía nam Sài Gòn. Ông cũng trực tiếp chỉ huy bộ đội Nhà Bè, Tân Thuận, Bình Đông đánh Pháp. Nhiều lần quân Pháp mở các chiến dịch hòng đánh bật Việt Minh ra khỏi các trận địa khu vực cầu chữ Y nhưng đều bị thất bại trước sự chống trả quyết liệt của bộ đội Bình Xuyên và nhân dân ven cầu. Cuối tháng 10-1945, quân Pháp được tăng viện lực lượng, xốc lại đội hình, nỗ lực tổ chức các đợt phản công phá vỡ vòng vây của Việt Minh xung quanh Sài Gòn. Do chênh lệch lực lượng quá lớn, Mặt trận số 4 bị phá vỡ, cầu chữ Y không giữ được. Ba Dương cùng bộ đội Bình Xuyên rút về Rừng Sác (Cần Giờ) lập căn cứ kháng chiến lâu dài…

Còn những cây cầu khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, như: Cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Ông Lãnh… đều in dấu những trận đánh của quân và dân Sài Gòn ngăn cản bước tiến của thực dân Pháp trong thời kỳ Nam Bộ kháng chiến. Đến nay, dù nhiều cây cầu đã “khoác thêm áo mới”, diện mạo đổi thay nhưng giá trị lịch sử của nó vẫn vẹn nguyên, như một chứng tích hào hùng mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ của Nam Bộ thành đồng suốt 30 năm.

Bài và ảnh: YẾN LONG