Nói về bài hát, ông tâm sự rằng, muốn gửi gắm lời nhắn, các bạn trẻ hôm nay hãy xây dựng tuổi 20 tươi đẹp bằng ngọn lửa trong trái tim mình…

Sinh năm 1952 tại Tuyên Quang, năm 1970, Nguyễn Quý Lăng thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp, Khoa Toán (Khóa 15). Tháng 6-1971, Quý Lăng đã cùng sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội lên đường nhập ngũ. Nhạc sĩ Quý Lăng kể rằng, lứa tuổi các ông sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Khi vừa sinh ra được mẹ ẵm trên tay đưa từ chiến khu Tuyên Quang về sinh sống tại Bắc Giang. Trên đường đi được các chú bộ đội cho đường hòa nước cơm uống thay sữa. Vậy nên tình yêu, lòng cảm phục đã trở thành niềm hãnh diện, tự hào và là ước mơ của ông nói riêng cũng như lứa tuổi thanh niên, sinh viên đang học tại Hà Nội nói chung khi được mang trên mình bộ quân phục Bộ đội Cụ Hồ.

leftcenterrightdel
Bản nhạc “Mãi mãi tuổi 20”. 

Đợt ấy, riêng Lớp Toán-Cơ K15 có hơn 30 nam sinh viên nhập ngũ. Một trong những người bạn học cùng lớp lên đường để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với Quý Lăng là Nguyễn Văn Thạc. Cùng học tập, huấn luyện tân binh với nhau nên ông sớm nhận ra ở Thạc một nghị lực, sự phấn đấu, hăng say rèn luyện và ý thức, tinh thần vì tập thể. “Tháng 12-1971, sau khi kết thúc 3 tháng huấn luyện, mọi người chia tay, một số vào đơn vị xe tăng, trong số đó có tôi, còn Thạc về đơn vị bộ binh với mong muốn sớm được đi chiến đấu, giáp mặt với quân thù...”-nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng nhớ lại.

Trong 100 sinh viên của các trường đại học về Binh chủng Tăng-Thiết giáp, Quý Lăng là 1 trong 50 sinh viên được vào học lớp kỹ thuật viên xe tăng của Đoàn 10 (tiền thân của Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp sau này). Qua 1 năm đào tạo, ông cùng một số đồng đội được giữ lại làm trợ giảng. Năm 1973, khi Bộ tư lệnh Tăng-Thiết giáp thành lập Đội Tuyên văn (nay là Đoàn Nghệ thuật Binh chủng Tăng-Thiết giáp), Quý Lăng được gọi lên tham gia Đội Tuyên văn và sau đó được cử đi học lớp sáng tác ca khúc dưới sự giảng dạy của các nhạc sĩ quân đội như: Huy Du, Huy Thục, Trọng Loan, Nguyên Nhung, Vũ Trọng Hối... Lứa những chiến sĩ xe tăng tham gia Đội Tuyên văn đã góp phần cho sự thành công đầu tiên của phong trào văn hóa, văn nghệ của binh chủng thời đó và sau này. Hòa bình lập lại, Nguyễn Quý Lăng được quân đội cho về tiếp tục học tập và trở thành giảng viên của Trường Đại học Thủy lợi. Vừa làm công tác giảng dạy, vừa say mê sáng tác, thầy giáo, nhạc sĩ Quý Lăng đã để lại nhiều ca khúc về những năm tháng chiến tranh, về cuộc sống, được đồng đội và bạn bè yêu thích.

- Điều gì đã ươm mầm cho ông sáng tác ca khúc “Mãi mãi tuổi 20”?-tôi hỏi.

- Ngày 30-4 và ngày 6-9 hằng năm, sinh viên các trường đại học ở Hà Nội ngày ấy lại họp mặt để ôn lại những kỷ niệm thời binh lửa. Mỗi lần gặp mặt, nhiệt huyết của thời trai trẻ cứ bùng lên trong mỗi chúng tôi và tôi muốn tìm một tứ nhạc để viết ca khúc về một thời thế hệ học sinh, sinh viên ra trận. Vào tháng 7-2005, khi đọc báo, tôi gặp bài “Khúc bi tráng của người đoạt giải nhất Văn miền Bắc”. “Ôi! Thạc đây rồi!”-tôi thầm kêu lên, bài báo đã đưa tôi trở về quá khứ, trở về tháng năm thời hoa lửa. Rồi tôi tìm quyển nhật ký của Thạc, những trang nhật ký của Thạc đã làm tôi bồi hồi xúc động trong dòng kỷ niệm tuôn trào. Thế rồi tôi ôm lấy cây đàn và cảm xúc ấy được cụ thể hóa bằng từng nốt nhạc, từng lời ca đang ùa đến trong tôi. Ca khúc “Mãi mãi tuổi 20” được ra đời, như là một hồi ức về những năm tháng đầy hào hùng, bi tráng của thế hệ học sinh, sinh viên ra trận”-nhạc sĩ Quý Lăng chia sẻ.

Nhắc đến đây, mắt người lính, người thầy, người nhạc sĩ chan chứa lệ xúc động. Tác giả của bài hát tâm sự thêm rằng, qua lời hát, ông muốn gửi gắm lời nhắn, các bạn trẻ hôm nay hãy xây dựng tuổi 20 tươi đẹp bằng ngọn lửa trong trái tim mình như lời cuối của bài hát: “Và nước mắt, và tình yêu, và mai sau rực cháy. Mãi mãi tuổi 20”...

Những mong ước của nhạc sĩ Quý Lăng gửi theo bài hát đã được vang lên lần đầu tiên trước công chúng vào ngày 16-8-2005, ngày ra đời Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, theo ước mong, khát vọng cống hiến tuổi trẻ cho đất nước của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nhằm khuyến tài, khuyến học cho lớp trẻ.

VIỆT HÀ - DUY ĐÔNG