QĐND - Từ giảng đường Trường Đại học Bách khoa, có một chàng trai Hà Nội đã tình cờ trúng tuyển phi công rồi được chọn sang Liên Xô học lái máy bay MiG-21. Về nước, trở thành phi công chiến đấu, anh đã lập công xuất sắc với thành tích bắn rơi 5 chiếc F-4 của không quân Mỹ và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào tháng 1-1973. Người anh hùng phi công ấy là Đại tá Nguyễn Tiến Sâm, nguyên Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Phi công Nguyễn Tiến Sâm trong một lần xuất kích. Ảnh tư liệu.

Cầm cuốn “Lịch sử Sư đoàn Không quân 371” trên tay, tôi rất ngạc nhiên khi đọc đến trang 168 có đoạn ghi: “Trong những ngày tháng 7-1972, Trung đoàn 927 tiếp tục đánh và liên tiếp lập công. Nhiều phi công liên tục bắn rơi máy bay địch. Chỉ riêng tháng 7, phi công Nguyễn Tiến Sâm đã bắn rơi 3 chiếc F-4 trong 3 trận. Có trận bắn quá gần, máy bay anh chui qua điểm nổ của máy bay địch, bị tắt máy; Nguyễn Tiến Sâm bình tĩnh xử lý, mở lại máy và bay về sân bay hạ cánh an toàn với máy bay đen sì do muội khói từ điểm nổ bám vào…”. Càng bất ngờ hơn khi được biết: Chiếc máy bay MiG-21 PFM mang số hiệu 5020 đã cùng ông "chui qua điểm nổ” hiện đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng PK-KQ.

Lần theo những thông tin quý giá này, chúng tôi đã tìm đến nhà riêng của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tiến Sâm. Ngôi nhà tĩnh lặng thơm ngát hương cau nằm ngay trên mặt đường Trường Chinh. Chếch về bên phải phía đối diện chính là Bảo tàng PK-KQ, nơi có “người bạn tri kỷ” MiG-21 đã một thời cùng ông ngang dọc trên bầu trời. Thật khác với những gì tôi từng hình dung, người anh hùng phi công với trận đánh huyền thoại năm nào có dáng vẻ nhỏ nhắn và lành hiền, gương mặt ông vẫn còn vẹn nguyên chất hào hoa của chàng trai Hà Nội. Câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh những ngày quân dân ta sục sôi đánh Mỹ. Mỗi trận đánh, mỗi tên đồng đội được ông nhắc tới đều chứa đầy kỷ niệm. Sinh năm 1946, nhập ngũ năm 1965 khi đang là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông được chọn sang Liên Xô học lái máy bay MiG-21, đến năm 1968 thì về nước và chỉ sau 3 chuyến bay đã được cấp trên phê chuẩn để tham gia chiến đấu. Suốt những năm 1969-1970, ông được giao nhiệm vụ cùng với đồng đội chặn đánh máy bay F-4 trên vùng trời Thanh Hóa, Nghệ An để bảo vệ con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Bước sang năm 1972, khi giặc Mỹ điên cuồng leo thang ra bắn phá miền Bắc lần hai, ông được chuyển qua Trung đoàn 927 tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu hết sức dũng cảm, bắn rơi 5 máy bay F-4 của địch. Năm ấy ông mới 26 tuổi. Trận đánh “bay qua điểm nổ” là một minh chứng sống động về tính sáng tạo, lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu kiên cường của các phi công Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chiếc MiG 21 mang số hiệu 5020 từng cùng Anh hùng Nguyễn Tiến Sâm “bay qua điểm nổ”. Ảnh: Bảo tàng PK-KQ.

Qua giọng kể của người anh hùng phi công, trận đánh từ hơn 40 năm trước đã hiện ra rõ nét đến từng chi tiết: Sáng 5-2-1972, biên đội của Nguyễn Tiến Sâm được lệnh xuất kích từ Sân bay Nội Bài. Ông bay số 1, phi công Hà Vĩnh Thành bay số 2. Trận đánh diễn ra rất nhanh. Ông nhận được lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng độ cao từ 2.000 đến 6.000m khi vừa bay qua Sân bay Gia Lâm và chưa phát hiện được địch. Nhưng chỉ ít phút sau, phi công Hà Vĩnh Thành đã thông báo phát hiện được địch, xin công kích và nhanh chóng hạ gục 1 chiếc F-4. Đến lúc đó, ông mới nhận ra 1 tốp 2 chiếc F-4, lập tức áp vào đến cự ly cho phép tiêu diệt rồi ấn nút phóng tên lửa. Bất ngờ tên địch xảo quyệt vòng trái, sau đó lại vòng phải khiến quả đạn tên lửa đã bay trượt mục tiêu. Kiên quyết không để tên giặc chạy thoát nên mặc dù cự ly không cho phép-theo lý thuyết, cự ly bắn tên lửa phải trên 5km mới đủ khoảng cách để thoát ly an toàn, đằng này chỉ còn khoảng 500m mà ông vẫn áp sát vào máy bay địch và nhấn nút quả tên lửa còn lại. Trong khoảng cách quá gần, ông thấy rõ chiếc máy bay địch bốc cháy tựa như quả cầu lửa rất lớn. Không thể tránh được khi ở cự ly "chết người” ấy nên ông đành chui tọt vào vùng nổ. Lúc cho máy bay “chui vào vùng nổ”, ông đang tăng tốc nên tốc độ máy bay rất lớn. Vậy mà khi ra khỏi điểm nổ, động cơ máy bay đột nhiên ngừng hoạt động, trước mặt ông, trời cũng tối sầm lại khiến ông có cảm giác như bay trong màn đêm. Không một phút nao núng, ông bình tĩnh thực hiện đủ quy trình mở máy lại trên không. Và chỉ trong giây lát, động cơ đã được hồi phục. Niềm vui chiến thắng cứ thế lan tỏa khi ông bật ra-đa, trở về sân bay và hạ cánh an toàn.

Bước ra khỏi chiếc máy bay, anh em thợ máy và cả ông đều hết sức kinh ngạc: Toàn bộ từ đầu đến đuôi chiếc máy bay vốn dĩ trước đây có màu trắng bạc thì bây giờ đổi thành màu đen kịt bởi khói và thuốc súng. Không những thế, nó còn bị thương rất nặng, phải đưa vào xưởng đại tu toàn bộ.

Việc phi công Nguyễn Tiến Sâm và chiếc máy bay mang số hiệu 5020 bắn rơi máy bay địch, chui qua điểm nổ và trở về hạ cánh an toàn là một chiến công hy hữu, tựa như huyền thoại, mở màn cho 4 lần tiếp theo ông liên tiếp lập công.

Có một điều vô cùng thú vị đối với Đại tá, Anh hùng Nguyễn Tiến Sâm, đó là cả 5 lần ông lập công bắn rơi máy bay Mỹ đều diễn ra trong năm 1972. Và chỉ một tháng sau những lần lập công ấy, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

QUỲNH VÂN