Ông Nhân hiện đang sở hữu một số lượng lớn cổ vật mang nhiều giá trị văn hóa của dân tộc.

Lấy cảm hứng sưu tầm cổ vật từ người cha

Ông Phan Đình Nhân là con trai trưởng của cố Thượng tướng Đinh Đức Thiện (tên thật là Phan Đình Dinh), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ nhỏ, Phan Đình Nhân đã ham mê đọc sách, tìm hiểu những điều mới lạ. Trong thời gian học thiếu sinh quân tại Trung Quốc, Phan Đình Nhân theo học một người thầy rất say mê nghiên cứu về con người và văn hóa Việt Nam. “Người thầy đó đã gợi lên trong tôi nhiều câu hỏi về lịch sử, văn hóa, nguồn cội đất nước và con người Việt ta. Từ đó, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian để tìm hiểu”, ông Nhân kể.

Ông Nhân mày mò, tìm đọc nhiều tài liệu, song những kiến thức đó chưa làm ông thỏa mãn. Vậy là ông nghĩ đến việc sưu tầm cổ vật để có thể đối chứng với lịch sử, qua đó tìm hiểu những câu chuyện xoay quanh chúng. Và người truyền cảm hứng cho thú sưu tầm cổ vật đó không ai khác chính là cha của ông. Ông Nhân chia sẻ: “Cha tôi là một người lính kiên cường nhưng lại rất lãng mạn. Mỗi lần từ chiến trường ra, bên cạnh hành trang dãi dầu sương gió và bom đạn của mình, ông lại mang về cho tôi nhiều thứ mà với mọi người thì chỉ là đồ bỏ đi nhưng với cha con tôi lại là vô giá. Ông bày vào tủ các kỷ vật thời chiến hay những chiếc rìu đá có từ thời xa xưa. Ông dành thời gian vào bảo tàng tìm hiểu và kể cho tôi nguồn gốc của những thứ này. Cũng từ ông, tôi học được rằng cổ vật là tinh hoa của dân tộc. Tôi mãi mãi yêu quý và biết ơn cha vì điều đó!”.

leftcenterrightdel
Nhà sưu tầm cổ vật Phan Đình Nhân (bên trái) chia sẻ về niềm đam mê và tâm huyết với các di sản văn hóa dân tộc. (Ảnh: QUANG ĐỨC)

"Bảo tàng ông Nhân"

Trước khi tham quan cổ vật, ông Nhân đưa tôi lên thắp hương bàn thờ dân tộc và bàn thờ tổ tiên của dòng họ nằm trên tầng 3 của căn nhà. Bàn thờ dân tộc có tượng Âu Cơ, Lạc Long Quân, Nguyễn Trãi và Bác Hồ. Những bức hoành phi, câu đối trong nhà ông đều thể hiện ý chí dân tộc. Chỉ tay về phía các hoành phi, câu đối quanh bàn thờ dân tộc được viết bằng chữ Nôm chứ không phải chữ Hán như hoành phi, câu đối thường thấy, ông Nhân tự hào khẳng định: “Hàng nghìn năm, ý chí dân tộc không hề thay đổi”.

Và như lời giới thiệu “Đây là tất cả gia tài mà tôi có được”, thì căn hộ của ông Phạm Đình Nhân thực sự như một bảo tàng thu nhỏ với nhiều hiện vật quý. Các cổ vật được trưng bày rất khoa học, theo nhóm công dụng và công năng. Nhóm công cụ sản xuất (rìu, cuốc, mai...); công cụ chiến đấu (mũi tên, kiếm, nỏ...); nhóm đồ dùng (kim khâu, dệt vải, đồ nữ trang...). Tôi tò mò đặt tay vào chiếc lẫy nỏ bằng đồng, mốc xanh và lạnh toát. Ông Nhân nói với tôi: “Anh đang chạm vào chiếc lẫy nỏ được cho là có từ thời Đông Sơn do chính bàn tay con người làm ra cách đây mấy nghìn năm đấy”. Không khỏi thắc mắc làm cách nào ông có thể sở hữu được chiếc lẫy nỏ quý hiếm như vậy cũng như hàng trăm cổ vật khác được trưng bày tại nhà, tôi được ông Nhân cho biết: “Giới chơi cổ vật chúng tôi có mạng lưới trung gian những người cung cấp thông tin nơi có cổ vật, chúng tôi gọi họ là “thợ chạy”. Khi có được thông tin, chúng tôi liền đến nơi tìm hỏi và mua lại cổ vật đó. Chính chiếc lẫy nỏ này được tôi tìm mua tại Bắc Ninh, nơi mà người dân đào được tưởng là cục đồng gỉ định vứt đi mà tôi đã xin mua lại”.

"Bảo tàng ông Nhân" hiện đang lưu giữ rất nhiều cổ vật từ thời Đông Sơn đến thời kỳ phong kiến Việt Nam. Tất cả được sắp xếp theo hệ thống, khoa học. Tuy là một người say mê sưu tầm cổ vật nhưng ông Nhân không chỉ giữ cho riêng mình mà rất muốn lưu truyền cho muôn đời. Chính vì vậy mà mới đây, tấm bản đồ Hà Nội năm 1873, chiếc lẫy nỏ Đông Sơn cùng hơn 100 cổ vật khác đã được ông trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để trưng bày, giới thiệu.

leftcenterrightdel
Tấm bản đồ Hà Nội năm 1873 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: QUANG ĐỨC)

Nặng lòng với văn hóa dân tộc

Năm 1999, ông Phan Đình Nhân cùng những người chung tâm huyết đã thành lập Hội Sưu tầm, nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long-Hà Nội. Ông được bầu là Chủ tịch, đồng sáng lập hội cổ vật đầu tiên của Việt Nam. Từ khi thành lập, Hội Sưu tầm, nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long-Hà Nội thường xuyên kết hợp với các bảo tàng tại Thủ đô tổ chức triển lãm cổ vật để người dân đến tham quan và là nơi giao lưu, học hỏi của những người cùng chung đam mê. Ông Nhân và các hội viên đã đi khắp nơi để tìm mua lại những cổ vật quý hiếm, có giá trị nghiên cứu. Một điều đặc biệt mà ông cùng những thành viên trong hội đã làm được là tích cực đề xuất, kiến nghị để Nhà nước ban hành Luật Di sản văn hóa. Khi chưa có luật, những người chơi và mua bán cổ vật nếu bị phát hiện đều bị bắt đi cải tạo và tịch thu cổ vật. Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001 đã “cởi trói” cho những người sưu tầm cổ vật trên cả nước. Theo đó, người dân có quyền được sở hữu và mua bán cổ vật trong nội bộ đất nước và tuân thủ những nội dung do luật quy định.

Chia sẻ về quan điểm chơi cổ vật, ông Nhân cho biết: “Chơi cổ vật đòi hỏi tính chuyên môn rất cao. Dựa vào đồ cổ thật, mình mới có phân tích, kết luận đúng về lịch sử, văn hóa, môi trường, xã hội người xưa. Để nâng cao chuyên môn, người chơi không nên chơi theo phong trào, mà nên chơi theo kiến thức. Tôi có chút ít hiểu biết về đồ cổ, về chặng đường thăng trầm mà nó đi qua. Tôi luôn sẵn sàng chào đón những người đam mê cổ vật đến nhà tôi, cùng chia sẻ và tìm hiểu văn hóa, lịch sử”.

Hiện nay, hầu như các tỉnh, thành phố lớn trong nước đều đã thành lập hội sưu tầm cổ vật riêng. Tuy nhiên, điều ông Nhân trăn trở là ở Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức sưu tầm cổ vật quốc gia để liên kết những người sưu tầm cổ vật trên khắp đất nước, cùng nhau chia sẻ, tìm hiểu về các sự kiện lịch sử còn chưa rõ ràng thông qua các cổ vật mà họ sưu tầm được, qua đó góp phần gìn giữ và bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.

QUANG DUY