Ngày ngày, ông lặng lẽ giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống từ nếp nhà ra con ngõ nhỏ đến cổng làng tựa mình bên bờ Hồ Tây.
Từ cổng làng ra Phủ Khâm sai
Đứng giữa cổng làng Yên Thái rêu phong, ông Nguyễn Quế Duệ vẫn nhớ như in hào khí những ngày khởi nghĩa cách đây 75 năm: “Hôm đó là ngày 17-8-1945, tôi nhận được tin chính quyền địa phương thông báo sẽ tổ chức các lực lượng đoàn thể nhân dân tuần hành để phá lời kêu gọi dân chúng mít tinh ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Lúc đó, mới 15 tuổi, tôi chỉ biết người ta nói đi tham gia lật đổ bọn thực dân tay sai, để đất nước Việt Nam là của người Việt Nam là theo. Tôi được phân công đi theo đội hình của đoàn thanh-thiếu niên và chuẩn bị sẵn một lá cờ đỏ sao vàng bằng giấy nhỏ, cuộn lại giấu kín trong người. Khi chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tuyên bố khai mạc buổi lễ ở Nhà hát Lớn, từ phía xa, tôi thấy nhiều thanh niên lên khán đài cướp micro và hô hào quần chúng nhân dân ủng hộ Việt Minh, đứng lên khởi nghĩa. Ngay lập tức, ở hướng chính diện Nhà hát Lớn, nhiều thanh niên đồng loạt rút lá cờ đỏ sao vàng giấu trong người ra vừa phất, vừa hô vang các khẩu hiệu”.
leftcenterrightdel
Cổng làng Yên Thái.
Trong ký ức của ông Nguyễn Quế Duệ, khi được thông báo Tổng khởi nghĩa sẽ bắt đầu, sáng 19-8-1945, người dân 3 làng Yên Thái, An Đông và An Thọ ùn ùn kéo ra đường Thụy Khuê, tay cầm gậy, kiếm, dao, giáo, mác tiến về Nhà hát Lớn rồi đến Phủ khâm sai Bắc Kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ), Nguyễn Quế Duệ cũng chuẩn bị cho mình một cây gậy tre cùng mọi người từ trong ngõ nhỏ qua cổng làng Yên Thái hòa cùng dòng người về phía bờ Hồ Gươm, rầm rập diễu qua các đường phố lớn, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân, đế quốc, ủng hộ Việt Minh!”; “Chính quyền nhân dân cách mạng”; “Việt Nam hoàn toàn độc lập”... Hàng chục vạn người cùng xuống đường trong khí thế cách mạng mạnh mẽ chưa từng thấy. Khi dòng người hành tiến đến đầu “nhà Godard” (nay là tòa nhà Tràng Tiền Plaza), lính Nhật cho đặt hai khẩu đại liên ở hai bên đường nhằm thị uy, nhưng thấy lực lượng ta quá hùng hậu nên chúng không dám làm gì. Các đơn vị vũ trang tự vệ dẫn đầu chia thành hai khối lớn đi chiếm Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát. Quân dân Hà Nội đã tước vũ khí lính bảo an và phân phát cho tự vệ. Đến tối 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã thắng lợi hoàn toàn. 
Nhớ ngày Bác Hồ về làng Yên Thái
Bốn tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, cả nước tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội vào ngày 6-1-1946. Nguyễn Quế Duệ được phân công viết phiếu cho người dân không biết chữ. Buổi bỏ phiếu diễn ra từ lúc 7 giờ sáng, đến 9 giờ thì tại các điểm bầu cử người dân đến thưa dần. Đang đứng chờ đợi người tiếp theo vào bỏ phiếu ở Cầu Kho thì nghe tiếng reo hò từ ngoài cổng làng: “Bác Hồ đến, Bác Hồ đến!”. Người làng ra đón Bác rất đông.
“Nghe có Bác đến, tôi cũng quên nhiệm vụ của mình mà chạy ùa ra hướng cổng làng. Bác Hồ đi trước, bước lên cổng, đi sau là bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội. Bác đi thẳng vào nhà cụ Vũ Đình Liêm ở giữa làng, người dân đứng quanh Bác hô vang: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”. Bác giơ tay chào mọi người rồi tiến đến nắm chặt tay cụ Vũ Đình Liêm, ân cần hỏi thăm sức khỏe. Khi rời nhà cụ Liêm, thấy hai em nhỏ chạy theo cùng đoàn người vô tình giẫm lên các tờ giấy dó đang phơi bên lề đường, Bác liền nhẹ nhàng nhắc nhở các em. Lời nói hiền từ của Bác dành cho hai em nhỏ cứ ấn tượng mãi trong tôi cho đến ngày hôm nay”-ông Nguyễn Quế Duệ nhớ lại.
Tiếp đến, Bác rẽ vào nơi đặt hòm phiếu ở Cầu Kho (nay thuộc nhà sinh hoạt cụm dân cư số 8, phường Bưởi, quận Tây Hồ) và nhắc các cán bộ hướng dẫn cho người dân thực hiện tốt quyền công dân của mình. Trước khi rời làng Yên Thái, Bác vào một số xưởng, hỏi thăm về nghề giấy và động viên người dân: “Bây giờ cách mạng thành công rồi, mọi người phải không ngừng phát huy nghề truyền thống, cố gắng cải tiến kỹ thuật, sản xuất ra nhiều sản phẩm để đời sống được no ấm hơn”.
Giữ văn hóa làng, xây nếp nhà
leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Quế Duệ và vợ. Ảnh: CHÍ PHAN
Ông Nguyễn Quế Duệ sinh ra sau cổng làng Yên Thái vào thời điểm Đảng ta ra đời. Ông chia sẻ rằng, con ngõ dẫn vào làng Yên Thái dài chừng 300m, rộng hơn 2,5m, lát bằng gạch nung dựng theo chiều ngang và được ghép hình mũi mác (lá dừa) này đã có hơn 100 năm, đến nay vẫn gần như nguyên vẹn. Còn cổng làng Yên Thái (giờ đây là ngõ 562, đường Thụy Khuê, phường Bưởi) thì cũng có từ cuối thế kỷ 19. Phía trên bên phải cổng là dòng chữ  “Mỹ tục khả phong” có nghĩa là phong tục tốt đẹp, do vua Tự Đức ban vào khoảng năm 1867. Sau này, người làng đặt thêm tấm biển ở bên trái: “Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng nghề giấy Yên Thái-Bưởi nhân ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (6-1-1946)”. Còn hàng dưới là dòng chữ “Cổng giếng làng Yên Thái”, hai bên cổng là hai câu đối bằng chữ Nôm. Dù phố phường đang thay đổi từng ngày nhưng ngôi làng giữa phố này thật đặc biệt. Người dân nơi đây vẫn quen gọi theo nếp xưa: “Nhà tôi ở làng Yên Thái”; “Người dân sau cổng làng Yên Thái”...
Gắn với con ngõ này từ thuở lọt lòng nên từng viên gạch, từng mạch nối, ông Duệ đều thuộc như lòng bàn tay. Cổng làng là một phần di tích của làng Yên Thái giữa lòng Hà Nội nghìn năm văn hiến. Hơn nữa, đây chính là nơi Bác Hồ đã từng đặt chân khi về thăm làng nên cần được bảo tồn, gìn giữ. Nhiều năm qua, chính quyền muốn bỏ gạch và lát bằng xi măng, rải bê tông nhựa. Gần đây, xe 3 bánh chở vật liệu; các công ty điện, nước muốn đào đường để lắp ống nước, cáp quang ngầm nhưng ông Duệ đã đứng ra kêu gọi người dân trong ngõ kiên quyết thuyết phục để giữ lại nét văn hóa, lịch sử của làng.
Người dân sau cổng làng Yên Thái hầu như ai cũng biết và kính trọng lão niên Nguyễn Quế Duệ. Ông Duệ nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cách đây hơn 3 năm và từng là thành viên trong phong trào Hướng đạo do cụ Hoàng Đạo Thúy sáng lập. Hơn 34 năm tham gia quân đội, trong đó hơn 10 năm đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhà máy in Tổng cục Hậu cần, ở cương vị nào, ông Duệ cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông bảo, ông may mắn sinh ra đúng vào dịp thành lập Đảng, vào Đảng khi Đảng mới 27 tuổi, nên luôn trọn niềm tin với Đảng, giữ gìn hình ảnh người đảng viên như giữ vòng nguyệt quế trên đầu.
Cổng làng là một phần di tích của làng Yên Thái giữa lòng Hà Nội nghìn năm văn hiến. Hơn nữa, đây chính là nơi Bác Hồ đã từng đặt chân khi về thăm làng nên cần được bảo tồn, gìn giữ.
NGUYỄN CHÍ HÒA