Lê Văn Thiêm vốn xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Chú ruột ông là cụ Giải Huân, sau khi đỗ giải nguyên năm 1906 đã cùng các sĩ phu yêu nước: Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn tham gia Duy Tân hội, bị giặc Pháp bắt, lưu đày 10 năm ở Côn Đảo. Ra tù, cụ tiếp tục hoạt động trong Tân Việt Cách mạng đảng. Bị bắt lần thứ hai, tại nhà lao Vinh, cụ đã mổ bụng tự vẫn vào năm 1929. Các anh ruột của Lê Văn Thiêm đều đi theo con đường cách mạng, anh thứ hai Lê Văn Luân là Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh thời Xô viết Nghệ Tĩnh, bị địch bắt đầu năm 1931. Chúng dùng cưa thợ mộc cưa đôi đầu ông, cưa sống để xem “óc cộng sản lớn đến mức nào”. Khi cả cha lẫn mẹ đều qua đời, quê hương bị địch đàn áp, khủng bố, anh em tan tác mỗi người mỗi ngả, Lê Văn Thiêm vào Quy Nhơn nương tựa người anh cả là Lê Văn Kỷ đang hành nghề thuốc.

Chỉ trong 4 năm (1933-1937) học tại Trường Quốc học Quy Nhơn (Collège de Quinhon), Lê Văn Thiêm đã hoàn thành xong chương trình học 9 năm. Ông nổi bật nhất về toán học. Ông hiệu trưởng Michel dự báo: "Cậu ấy sẽ vượt xa trình độ cử nhân toán học của tôi". Rồi năm 1939, Lê Văn Thiêm đỗ thứ nhì toàn Đông Dương trong kỳ thi P.C.B (Vật lý, Hóa học, Sinh học), được học bổng sang du học Pháp. Tại Paris, ông thi đỗ vào Trường École Normale Supérieure. Đầu vào của trường vô cùng khó, nếu đạt sẽ có học bổng cao. Đây là thời kỳ tài năng Toán học của Lê Văn Thiêm nở rộ. Ông là người đầu tiên trên thế giới giải thành công bài toán khó tồn tại trong nhiều năm là bài toán ngược của lý thuyết Nevanlinna. Công trình của ông chứa đựng những kết quả cơ bản, mở ra một hướng mới trong lý thuyết hàm biến phức, trong đó có định lý mang tên ông: Định lý Levan. Năm 1945, Lê Văn Thiêm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ A về Toán học tại Đức. 3 năm sau, năm 1948, ông hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ quốc gia (tiến sĩ B) tại Pháp. Năm ấy có hai người Việt Nam có bằng tiến sĩ quốc gia tại Pháp là Lê Văn Thiêm và Phạm Tỉnh Quát. Ông cũng trở thành người Việt Nam duy nhất đến thời điểm đó là giáo sư một trường đại học danh tiếng của châu Âu là trường Zurich, Thụy Sĩ.

leftcenterrightdel
Giáo sư Lê Văn Thiêm (đầu tiên, bên phải) đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Viện Toán học năm 1979. Ảnh tư liệu 

Mới ở tuổi 30, đang có tiền đồ khoa học rực rỡ ở trời Tây, nhưng theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối năm 1949, GS Lê Văn Thiêm về nước tham gia kháng chiến. Trong rừng U Minh, ông cùng nhiều trí thức yêu nước thành lập Sở Giáo dục Nam Bộ, phụ trách Phân hiệu Sư phạm cao cấp, hệ khoa học tự nhiên. Cuối năm 1950, GS Lê Văn Thiêm được Chính phủ điều động ra Việt Bắc để nhận nhiệm vụ mới. Với hành trang ba lô trên vai, ông lặn lội đi bộ 6 tháng trời vượt dãy Trường Sơn ra đến Chiến khu Việt Bắc và nhận nhiệm vụ là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường KHCB.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngay trong năm học 1954-1955, dựa vào một số cơ sở trường tiếp quản, với lực lượng giảng dạy là các giáo viên cũ trên chiến khu và một số sinh viên ưu tú mới tốt nghiệp được giữ lại của Trường KHCB, Chính phủ mở mới 3 trường: Đại học Sư phạm Khoa học; Đại học Sư phạm Văn khoa; Đại học Y dược. GS Lê Văn Thiêm được cử làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Tiếp đến năm 1956, Chính phủ thành lập 5 trường mới: Đại học Bách khoa (do GS Tạ Quang Bửu làm Hiệu trưởng đầu tiên); Đại học Tổng hợp Hà Nội (GS Ngụy Như Kon Tum làm Hiệu trưởng); Đại học Sư phạm Hà Nội (GS Phạm Huy Thông làm Hiệu trưởng); Đại học Y-dược (GS Hồ Đắc Di làm Hiệu trưởng) và Đại học Nông-Lâm (GS Bùi Huy Đáp làm Hiệu trưởng). GS Lê Văn Thiêm được cử giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội kiêm Chủ nhiệm Khoa Toán. Sau đó, ông được điều động về Viện Khoa học Việt Nam, phụ trách Viện Toán học, Hà Nội (Viện Toán học được thành lập ngày 5-2-1969, nhưng viện chỉ chính thức hoạt động vào cuối năm 1970, khi GS Lê Văn Thiêm về phụ trách).

Thời kỳ Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, Viện Toán học phải sơ tán về miền trung du Vĩnh Phúc. Các hoạt động nghiên cứu khoa học gặp nhiều trở ngại, nhưng dưới sự chỉ đạo của GS Lê Văn Thiêm, các đề tài phục vụ sản xuất, chiến đấu vẫn được tiến hành, như các công trình về lý thuyết nước thấm và nổ mìn định hướng của ông; về vận trù học của GS Hoàng Tụy... Sau Hiệp định Paris 1973, Viện Toán học trở lại Hà Nội và bước sang một giai đoạn mới thuận lợi hơn, có thêm nhiều nhà toán học trẻ xuất sắc được đào tạo tại các nước xã hội chủ nghĩa trở về. Từ đó, bắt đầu có sự giao lưu quốc tế về toán học. GS Nguyễn Văn Đạo, một học trò từ thuở Trường Đại học Sư phạm Khoa học nhớ lại một chuyến đi công tác năm 1981: “Lần đầu tiên, tôi được cùng GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy thăm một số trường đại học của Mỹ theo lời mời của GS E.Cupemann đứng đầu Ủy ban Hợp tác khoa học Mỹ. Đoàn đi thăm nhiều trường nổi tiếng của miền Đông và Tây nước Mỹ, người ta thường hỏi chúng tôi về việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học thời kỳ còn chiến tranh. Tại sao khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tài liệu thông tin khoa học như vậy mà vẫn có các công trình giá trị. Hôm ấy, tại Đại học Princeton, GS Lê Văn Thiêm vừa thuyết trình xong thì có một người Mỹ đi tới bắt tay, vui vẻ nói: "Qua báo chí biết giáo sư sang, tôi chờ cả tháng nay để cảm ơn. Công trình của giáo sư công bố năm 1944 ở Đức đã giúp tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngay tại ngôi trường danh tiếng này”.

Từ Trường KHCB đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp đến các trường đại học sau này, GS Lê Văn Thiêm đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ các nhà khoa học tài năng cho đất nước, đặc biệt ở lĩnh vực Toán học, Vật lý. Có thể kể tên các học trò trực tiếp của ông, sau này đã trở thành nhà khoa học đầu đàn của đất nước, như: Phan Đình Diệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Văn Hiệu, Trần Xuân Hoài, Hoàng Hữu Đường, Phạm Hữu Sách, Hà Huy Khoái...

Trong đời tư, GS Lê Văn Thiêm là một người cha, người chồng mẫu mực và ông còn nổi tiếng... đãng trí bác học. Bác sĩ Võ Thị Lệ Hồng, phu nhân của nhà toán học kể một câu chuyện xảy ra hồi còn ở Hà Nội (cuối đời, gia đình ông chuyển vào TP Hồ Chí Minh): “Anh là người toàn tâm toàn ý với công việc, say mê đọc sách do vậy hay đãng trí. Một lần, anh dẫn tôi vào rạp chiếu phim. Tay anh cầm hai chiếc vé, đi một lèo vào trong. Ngồi mãi, thấy ghế bên vẫn để trống, anh mới sực nhớ chưa đưa vé cho tôi, hốt hoảng chạy ra. Tôi đứng đợi, cũng hơi giận. Đến khi ngồi xem phim, vẫn thấy anh lơ đãng, có lẽ đang nghĩ về cuốn sách đọc dở ở nhà. Đến khi vừa xem xong, ra rạp là anh nhảy lên xe, đạp thẳng. Được một đoạn, nhìn sau xe không thấy tôi, anh mới sực nhớ là bỏ quên vợ ở cửa rạp, liền đạp xe quay lại và xin lỗi tôi mãi...”.

GS Lê Văn Thiêm là hiện thân của người trí thức dấn thân, đặt tình yêu Tổ quốc, nghĩa vụ phụng sự đất nước, dân tộc lên hàng đầu. Ông còn là tấm gương sáng về nhân cách tốt đẹp của người làm khoa học, luôn sống trung thực, giản dị, khiêm nhường. Ông từ trần tại TP Hồ Chí Minh ngày 3-7-1991, hưởng thọ 73 tuổi. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học tự nhiên và kỹ thuật đợt đầu tiên năm 1996; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì. Tên ông được đặt cho một con phố ở Thủ đô. Và trước cửa Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) ở Hà Nội, hiện nay, có một bức tượng đồng bán thân của ông, người khai sáng nền toán học hiện đại Việt Nam.

PHẠM QUANG ĐẨU