Con ngõ nhỏ im ắng, thưa vắng người lại qua, không gian thoáng đãng, yên bình. Ngắm hàng cau trước sân nhà vi vút gió chiều đông, tôi chợt nghĩ, có lẽ chính không gian nên thơ này đã tạo nên một tâm hồn thi sĩ trong một người nhạc sĩ tài hoa, để cho ra đời những tác phẩm đặc biệt về người lính. Ông là nhạc sĩ, cựu chiến binh Đào Hữu Thi.

Người thân thông báo với tôi là ông đi vắng. Bấm máy gọi, giọng ông ấm áp mà vẫn sang sảng: “Mình đang dựng chương trình cho Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam! Chờ mình một lát nhé!”. Ông về, bắt tay tôi thật chặt và cười hiền: “Mình ít khi ở nhà lắm, lúc thì đi dựng chương trình cho các hội thi, liên hoan âm nhạc, khi lại đi tỉnh thực tế để có nguồn chất liệu sáng tác... Xin lỗi nhà báo vì phải chờ lâu nhé!”.

Câu chuyện giữa ông và tôi rổn rảng, thi thoảng cao hứng ông lại ngân nga vài khúc nhạc cho tôi nghe. Mùa xuân này vừa bước sang tuổi 74, ông vẫn giữ tinh thần làm việc hăng say, không biết mệt mỏi, như vẫn vẹn nguyên một thời tuổi trẻ hừng hực khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. 23 năm quân ngũ thì 9 năm ông ở Trường Sơn, vì vậy mà những bài ca về bộ đội Trường Sơn, về người lính trên con đường huyền thoại chiếm khối lượng lớn trong gia tài sáng tác của ông. Chẳng thế mà có ai đó còn “phong” cho ông là “nhạc sĩ của Trường Sơn”!

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ, cựu chiến binh Đào Hữu Thi. Ảnh: Khánh An

Năm 1965, thầy giáo trẻ Đào Hữu Thi xếp bút nghiên và những trang giáo án, từ giã ngôi trường cấp 3 Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) đăng ký lên đường tòng quân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Là chiến sĩ thuộc Trung đoàn Tên lửa 285, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân, đóng quân tại Hải Phòng, ông được vinh dự cùng hai tiểu đoàn tên lửa đầu tiên vào chiến trường miền Nam. Sau những lúc trực chiến làm người lính pháo thủ trên trận địa, Đào Hữu Thi lại đàn hát cho đồng đội nghe để phần nào làm dịu đi cái nóng bỏng, ác liệt của chiến trường. Năm 1971, ông được chuyển về Đoàn Văn công Giải phóng Trường Sơn. Hành quân giữa làn bom đạn của kẻ thù, ông và đồng đội vẫn không ngừng mang lời ca tiếng hát để cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội. Ông bảo, 9 năm ở Trường Sơn đã cho ông nguồn chất liệu vô cùng quý giá, là động lực thôi thúc ông sáng tác, như “rút ruột” ra mà viết. Với ông, hàng trăm ca khúc, hợp xướng về Trường Sơn không đơn giản chỉ là những giai điệu, lời ca mà là mồ hôi, nước mắt, máu xương của đồng đội.

Những ca khúc như: “Em là cô gái Trường Sơn”, “Tình em gửi trọn con đường”, “Niềm vui em đón xe qua”, “Đường Trường Sơn trăm ngả”... là những cảm xúc mà ông ghi lại sau mỗi trận đánh, giữa niềm vui thắng trận hay trong những đêm trắng không thể chợp mắt vì mất mát hy sinh. Nhớ nhất là bối cảnh để ông cảm tác “Tình em gửi trọn con đường”. Đó là mùa khô năm 1971, đoàn văn công tới phục vụ hai tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong công binh, phần lớn quê ở Thái Bình. Những cô gái mở đường chỉ mới mười tám, đôi mươi, sống hồn nhiên, yêu đời giữa những gian khổ ác liệt của chiến tranh khiến ông vô cùng cảm động. Buổi biểu diễn thành công hơn vì có sự hòa chung những lời ca hào hùng, vui tươi giữa diễn viên và những cô gái mở đường. Kết thúc buổi biểu diễn, các cô gái chia tay ông để lên mặt đường san lấp hố bom. Rồi ông nghe tiếng bom nổ dồn. Ông và mọi người trong đoàn nhìn nhau lo lắng... Lát sau, hai mươi mấy tấm tăng khâm liệm thi hài liệt sĩ được khênh về, lặng lẽ, im bặt... “Tình em gửi trọn con đường” đã ra đời ngay trong căn hầm chữ A, nước mắt rơi ướt nhòe trang giấy vì đau xót, tiếc thương đồng đội!

Về hưu, với nhiều người là sự lựa chọn an hưởng tuổi già, vui vầy bên con cháu. Nhưng mấy chục năm qua, ông không hề “nghỉ”. Ông vẫn gắn bó với người lính, với công tác cựu chiến binh. Và những khúc ca về cựu chiến binh như là một sự tiếp nối đề tài về người lính Trường Sơn năm xưa. Rất nhiều ca khúc, như: “Nỗi nhớ cựu chiến binh”, “Ba chiến dịch lịch sử Việt Nam”, “Cờ Tổ quốc”, “Đồng đội tôi là doanh nhân”... đã cho thấy sự gắn bó của ông với những đồng đội năm xưa, mà ông khẳng định: “Mình luôn nghĩ, không viết về họ thì viết về ai nữa-những người lính trở về với đời thường vẫn hăng say dựng xây quê hương, đất nước. Trên mọi miền Tổ quốc, dáng hình những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa vẫn tỏa sáng, bởi họ luôn gương mẫu trên mọi mặt trận, là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo”.

THU THỦY