QĐND - Cố nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam trong các tài liệu khảo cứu văn hóa đã đúc kết: Nói đến văn hóa Sài Gòn xưa, TP Hồ Chí Minh hôm nay là nói đến văn hóa biển, văn hóa sông nước. Sự phát triển của đô thị đông dân nhất cả nước ở phía Nam thể hiện rõ nét hành trình phát triển, tiếp biến của nền văn hóa, văn minh sông nước. Nhìn vào bộ mặt của nhiều tuyến kênh, rạch chính trong thành phố hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận ra nét đặc thù ấy. Sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố mang tên Bác gắn liền với cuộc cải tạo, hồi sinh những dòng kênh. Một trong những niềm tự hào đặc biệt của văn minh sông nước là bộ mặt của kênh Nhiêu Lộc hôm nay…
Cuộc hồi sinh lịch sử…
Mới đây, ngành Văn hóa-Du lịch TP Hồ Chí Minh triển khai Đề án phát triển du lịch đường thủy ở khu vực trung tâm, trong đó kênh Nhiêu Lộc là điểm nhấn. Cuộc đua thuyền truyền thống trên kênh Nhiêu Lộc tổ chức hồi trung tuần tháng 6 vừa rồi là sự khởi đầu cho chương trình đưa tuyến du lịch đường thủy này vào hoạt động. Du khách khi đặt chân đến Thành phố mang tên Bác sẽ không thể bỏ qua cảm giác thư thái được thả mình trên những chiếc xuồng, ghe xinh xắn, ngắm thành phố về đêm từ dòng kênh chảy xuyên qua khu trung tâm hiện đại trong giai điệu mượt mà của cải lương, đờn ca tài tử…
 |
Một đoạn kênh Nhiêu Lộc xanh trong nhìn từ cầu Lê Văn Sỹ.
|
Chủ trương đưa kênh Nhiêu Lộc vào khai thác du lịch khiến không ít người hoài nghi về tính khả thi của dự án. Hoài nghi là bởi, Nhiêu Lộc từng là tuyến kênh “chết”, ô nhiễm trầm trọng bậc nhất trong hệ thống kênh, rạch ở TP Hồ Chí Minh. Trước khi thực hiện cuộc cải tạo toàn diện đưa kênh Nhiêu Lộc hồi sinh, người dân thành phố chỉ mong nó được giảm thiểu ô nhiễm, khắc phục mùi xú uế. Người giàu ý tưởng lạc quan nhất cũng chưa bao giờ nghĩ Nhiêu Lộc sẽ trở thành một danh thắng đủ sức thu hút khách du lịch như hôm nay. Vậy nhưng điều đó đã trở thành hiện thực sau hơn 10 năm tiến hành cuộc cải tạo toàn diện, triệt để với những bước đi thận trọng, tỉ mỉ và đồng bộ. Kênh Nhiêu Lộc hôm nay vẫn giữ nguyên hình dáng, dòng chảy từ ngàn xưa, nhưng bộ mặt của nó thì đã thay đổi hoàn toàn. Hai bên bờ kênh là hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa gắn với các công trình, thiết chế văn hóa chạy dài, uốn lượn theo hình dáng đẹp mê hoặc của nó. Những hàng cây đôi bờ, trong đó điểm nhấn là các rặng liễu rủ bóng xuống mặt nước, tạo một không gian thư thái, thanh bình, lãng mạn. Kênh Nhiêu Lộc hôm nay là một trong những điểm nhấn quan trọng của diện mạo đô thị, là một chứng nhân lịch sử, gắn với công cuộc kiến thiết, xây dựng Thành phố mang tên Bác theo tiêu chí Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Theo các tài liệu xưa, từ “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776 cho đến các công trình nghiên cứu, khảo cứu của các học giả trong thế kỷ XX, đều ghi rằng vùng đất Sài Gòn có lịch sử từ hơn 300 năm trước. Ngay từ thời kỳ đầu khai mở đô thị trung tâm của vùng đất Nam Kỳ, các thế hệ tiền nhân đã gắn công cuộc kiến thiết, lập nghiệp với việc khai thác lợi thế sông nước. Theo tài liệu khảo cứu của Sơn Nam, đến đầu thế kỷ XVIII, Sài Gòn đã phát triển thành một trong những thương cảng lớn nhất Đông Nam Á. Nền kinh tế, văn hóa giao thương thúc đẩy quá trình khai thác các trục giao thông đường thủy, trong đó kênh Nhiêu Lộc là một trong những trục chính. Cụ Nguyễn Đức Trạch, ngụ quận Phú Nhuận, cán bộ tiền khởi nghĩa hồi tưởng: “Tui sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phú Nhuận, cuộc đời gắn bó với dòng kinh (kênh) này. Từ thời xưa, người ta dựng nhà sàn sinh sống dọc theo bờ kinh để tiện đi lại, làm ăn. Càng ngày nhà cửa mọc lên càng nhiều, dày đặc hai bên bờ. Khi thành phố bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, lối sống bám vào dòng kinh không còn phù hợp, nó góp phần gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác nên buộc phải di dời để cải tạo dòng kinh…”.
Cuộc cải tạo bắt đầu từ năm 2003, trải qua hai giai đoạn chính và hoàn thành vào năm 2013, sau đó tiếp tục các hạng mục làm xanh, sạch, đẹp môi trường hai bên bờ kênh.
Chứng tích lịch sử oai hùng
Chính từ đặc điểm địa hình thuận tiện cho việc đi lại, trú ẩn nên ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, dọc kênh Nhiêu Lộc đã có nhiều địa điểm được lựa chọn tổ chức các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh của Đảng bộ, nhân dân khu trung tâm đô thị. Một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ Nam Bộ kháng chiến gắn với dòng kênh này là Mặt trận Cầu Kiệu. Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, vào ngày 23-9-1945, quân, dân Phú Nhuận vũ trang bằng các loại vũ khí thô sơ như súng trường, gậy gộc, tầm vông, giáo, mác… đã lập Mặt trận Cầu Kiệu ngay bên bờ kênh Nhiêu Lộc, tập hợp lực lượng anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp, bảo vệ quê hương.
 |
Công trình Bia ghi công Mặt trận Cầu Kiệu.
|
Cụ Nguyễn Đức Trạch vẫn nhớ như in những ký ức của giai đoạn lịch sử hào hùng ấy. Ngay khi quân Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở UBND Nam Bộ (nay là trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh), chính quyền cách mạng và nhân dân Sài Gòn đã nhất tề đứng lên quyết chiến đấu. Mặt trận Cầu Kiệu là một trong những tuyến lửa nóng bỏng. Trong đêm 23, rạng sáng 24-9-1945, lực lượng quân, dân Phú Nhuận cùng các khu vực xung quanh đã nổ súng, sử dụng các loại vũ khí hiện có tấn công địch. Các trục đường, cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc dẫn ra vùng ngoại thành đều bị lực lượng kháng chiến của ta lập phòng tuyến chốt chặn tạo nên thế trận bao vây làm cho địch hốt hoảng.
Tiếp theo trận Cầu Kiệu là những trận tấn công, bao vây đánh địch ở khu Tân Định, đánh chiếm Cầu Bông, đánh địch tiến qua cầu Thị Nghè… Ngày 27-9, quân Pháp có lính Nhật đi đầu tiến qua cầu. Các chiến sĩ tự vệ ta đã phục kích cho nổ mìn, đánh giáp lá cà với địch. Trước sức tấn công dũng mãnh của quân ta, địch hốt hoảng vừa chống trả, vừa rút trở lại nội đô. Mặt trận Cầu Kiệu đứng vững, kìm chân, tiêu hao địch trong suốt gần một tuần lễ tự vệ kháng chiến, góp phần cùng quân, dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, dồn chúng sa vào thế trận chiến tranh nhân dân của ta. Trong các cuộc chiến đấu anh dũng ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã hy sinh. Máu của các anh hùng, liệt sĩ hòa trong dòng kênh…
Sau khi hoàn thành cuộc cải tạo, xây dựng cảnh quan, cơ sở hạ tầng giao thông ở kênh Nhiêu Lộc, Đảng bộ, nhân dân quận Phú Nhuận đã bắt tay khôi phục di tích lịch sử Mặt trận Cầu Kiệu. Công trình Bia ghi công Mặt trận Cầu Kiệu nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc, là chứng tích lịch sử nơi từng diễn ra cuộc nổi dậy của quân, dân Phú Nhuận chống giặc Pháp 70 năm trước. Công trình được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bên dòng kênh xanh trong với những rặng liễu rủ bóng ven bờ, quần thể tượng đài, bia ghi công với kiến trúc đẹp, thể hiện khí thế anh dũng, đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng của thế hệ cha ông và lòng ghi nhớ, tri ân, tiếp nối của thế hệ hôm nay mọc lên sừng sững. Công trình lịch sử-văn hóa này là điểm nhấn trong hệ thống các thiết chế văn hóa dọc hai bên bờ kênh. Nơi đây là địa chỉ đỏ, điểm du lịch về nguồn của thế hệ trẻ và du khách, góp phần làm tăng thêm tính hấp dẫn, lôi cuốn cho tuyến du lịch đường thủy dọc kênh Nhiêu Lộc.
Hành trình thay da đổi thịt từ màu sắc văn hóa khẩn hoang hơn 3 thế kỷ trước, đến gánh nặng ô nhiễm môi trường, trở thành danh thắng du lịch hôm nay… khiến kênh Nhiêu Lộc như một chứng nhân lịch sử gắn liền với các cuộc kiến thiết, xây dựng TP Hồ Chí Minh. Len lỏi, hiền hòa chảy qua những khu đô thị hiện đại, những tòa cao ốc chọc trời, những công trình lịch sử-văn hóa cổ kính, những đoàn người, xe ngày đêm xuôi ngược… kênh Nhiêu Lộc tạo một khoảng lặng yên bình, một nốt trầm xao xuyến trong bản hòa tấu của cuộc sống thành phố sôi động hôm nay…
Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN