Đây là bậc thi cao nhất với nhiều quy định đặc biệt để chọn ra những người hiền tài bổ nhiệm các chức quan trong triều…

Vua và chúa cùng dự nghi lễ thi Đình

Dưới thời Lê, thi Đình thường tổ chức 3 năm một lần. Từ năm 1428 đến năm 1789 đã diễn ra 104 kỳ thi Đình. Người đỗ kỳ thi được phân thành 3 cấp bậc: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, còn gọi là “Tam khôi” (bao gồm: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ (Hoàng giáp) và đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Nghi thức thi Đình thời vua Lê, chúa Trịnh, được nhà bác học Phan Huy Chú trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí, mô tả như sau: Sáng sớm ngày thi, ngai vua đặt ở chính giữa điện Kính Thiên, bên phải là ngai chúa nhưng thấp hơn. Các quan bài trí không gian thi, chuẩn bị quyển thi, bút, nghiên, mực, lều thi đặt ở hai bên sân Rồng. Các quan Đề điệu (Chánh chủ khảo), Tri cống cử (Phó chánh chủ khảo), Giám thí (người trông thi), Tuần xước (quan võ trông thi) có mặt tại khu vực sân Rồng. Nghi vệ, cờ xí trang hoàng lộng lẫy.

leftcenterrightdel
Bài văn sách trả lời của Trạng nguyên Nguyễn Trực. Ảnh chụp lại.

Hồi trống thứ nhất, các đại thần văn võ từ cửa Đoan Môn tiến vào chầu. Hồi trống thứ hai, rước ngự giá vua và chúa đến điện Kính Thiên. Vua đội mũ xung thiên, mặc áo hoàng bào, mang đai ngọc cùng chúa ngự tọa. Quan tự ban (tổ chức) dẫn quan văn chầu bên tả, quan võ chầu bên hữu, các thí sinh đứng sau hàng quan văn. Sau khi hành lễ, Lễ quan (quan Bộ Lễ) tâu danh sách thí sinh dự thi. Quan Tuần xước dẫn các thí sinh ra ngồi ở lều thi. Quan Tuyên chế đọc đề thi. Xong nghi lễ, vua về cung, chúa về nội phủ.

Bài thi của Trạng nguyên Nguyễn Trực

Quy trình chấm thi Đình rất nghiêm ngặt và trải qua nhiều bước. Khác với thi Hội, vua thường làm Chánh chủ khảo và trực tiếp lấy đỗ rồi xếp hạng thứ bậc. Người đỗ đầu kỳ thi Đình gọi là Đình nguyên, có thể là Trạng nguyên song nhiều kỳ thi không lấy được Trạng nguyên nên Đình nguyên là Bảng nhãn, Thám hoa, có khi là Hoàng giáp, thậm chí là Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Trong lịch sử các kỳ thi Đình, nhiều bài thi xuất sắc không chỉ để xếp hạng đỗ đạt mà còn là gợi ý, đề xuất kế sách để vua, chúa trị nước, an dân. Bài thi của Trạng nguyên Nguyễn Trực trong năm Đại Bảo thứ ba (1442) là một ví dụ. Trong đề thi, vua Lê Thánh Tông hỏi về kế sách dùng người, Nguyễn Trực trả lời hoàng đế bằng bài văn sách. Trong đó có đoạn: “Người nào là thanh liêm, mẫn cán, người nào tham lam, lười biếng, để kẻ ăn không ngồi rỗi sẽ không có chốn dung thân, bọn gian tà ác độc đều lộ rõ. Như vậy thì trăm quan đông đúc, đều có phong thái của bậc quân tử, thì đâu phải lo bọn tiểu nhân nữa?”...

Các lễ vinh danh người đỗ đạt

Sau khi xếp hạng thứ bậc các tiến sĩ của kỳ thi Đình, triều đình tổ chức lễ xướng danh còn gọi là truyền lô. Hoàng đế ngự ở điện (thường là điện Kính Thiên), văn võ bá quan mặc phẩm phục chỉnh tề đứng chầu ở trước sân Rồng. Các quan Hồng lô tự khanh cầm loa thay nhau xướng họ tên, quê quán của các tân khoa theo thứ tự đỗ đạt.

Tiếp lễ xướng danh là lễ yết bảng. Danh sách ghi họ tên, quê quán những người đỗ đạt được sơn son thếp vàng. Bảng vàng được rước từ Ngự điện ra yết công khai ở cửa Đông Hoa (Cửa Nam ngày nay). Từ khoa thi năm Nhâm Tuất (1502), bảng treo ở cửa nhà Thái học để công chúng chiêm ngưỡng trong 3 ngày rồi đưa về nhà Thái học lưu giữ.

Lễ ban yến được tổ chức ở công đường Bộ Lễ hoặc trong vườn Thượng Uyển thuộc Cấm thành. Cỗ yến thịnh soạn do Thái quan (chức quan giữ việc yến tiệc cỗ bàn) chuẩn bị. Tất cả ăn mặc chỉnh tề rồi bái vọng hoàng đế sau đó mới được vào dự hưởng. Sau yến tiệc, tân khoa còn được ban thưởng cành hoa quý, lụa và trâm hoa cài tóc mạ vàng tùy theo thứ bậc.

Lễ lạy tạ vinh quy để cảm tạ ân điển vua ban, đồng thời cũng thể hiện sự trân trọng của triều đình đối với nhân tài đất nước. Ngày hôm đó, tân tiến sĩ mặc phẩm phục đứng sắp hàng hai bên cửa Đoan Môn rồi tiến vào sân Rồng trịnh trọng làm lễ. Đặc biệt, năm Quý Mùi-1463 vua Lê Thánh Tông đích thân viết tên vào biển đề vinh quy cho 3 người đỗ đầu: “Trạng nguyên Lương Thế Vinh/ Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh/ Thám hoa Quách Đình Bảo/ Thiên hạ cộng tri danh”. Triều đình đặt lệ cho các tiến sĩ vinh quy về quê với đủ hạng cờ quạt, nghi trượng đón rước. Đây không chỉ là niềm vinh dự đối với người đỗ đại khoa mà còn trở thành niềm tự hào đối với dòng tộc quê hương.

THĂNG LONG (biên soạn và tổng hợp)