QĐND - Ngày 20-10-1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm lễ ra mắt tại Nhà hát Thủ đô. Ban chấp hành hội gồm có: bà Lê Thị Xuyến (vợ ông Phan Thanh), bà Nguyễn Thị Thục Viên (giới trí thức), bà Thuận Lợi (giới thương nghiệp)…
Chỉ ít lâu sau Ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, các cơ quan của Trung ương chuyển lên Chiến khu Việt Bắc. Nhiều lần Bác Hồ nhắc:
- Phụ nữ nên ra một tờ báo riêng.
Ý Bác rất hợp với nguyện vọng của cơ quan hội phụ nữ chúng tôi. Nhưng với hoàn cảnh lúc đó, việc ra được tờ báo rất khó thực hiện. Đầu tháng 10-1947, Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc. Cơ quan Phụ nữ phải di chuyển nhiều lần, lúc lên Võ Nhai, Đình Cả (Thái Nguyên) tránh Pháp nhảy dù, lúc lại về Bắc Giang. Chỗ ở chưa ổn định, gặp trận càn của Pháp, cơ quan lại chuyển lên Việt Bắc. Giữa năm 1948, chị Hoàng Ngân-Hội trưởng Hội Phụ nữ Liên khu 3 về thay chị Diệu Hồng lãnh đạo cơ quan phụ nữ. Lúc này mới bàn chuyện ra tạp chí.
|
Bà Lê Thị Xuyến (bên trái), Chủ nhiệm tờ báo Phụ nữ Việt Nam đầu tiên, chụp ảnh cùng tác giả, năm 1962, tại Hà Nội. Ảnh tư liệu. |
Ngày 19-8-1948, tờ báo Phụ nữ Việt Nam đầu tiên ra đời. Bà Lê Thị Xuyến làm Chủ nhiệm, bà Tâm Kính là Tổng biên tập. Tờ báo khổ nhỏ chỉ lớn hơn quyển vở học sinh một chút. Trang đầu đăng bức thư tay của Bác Hồ, dưới có chữ ký của Bác. Trang sau in bài xã luận của chị Hoàng Ngân, Bí thư Ban Phụ vận Bắc Bộ. Theo góp ý của Bác Hồ, chúng tôi đặt một “tin sản xuất” bên cạnh “tin công tác Hội”. Phần văn nghệ có thơ, ca dao, truyện rất ngắn. Các chị Vân Đài và Anh Thơ phụ trách. Tôi và chị Tâm Trung phụ trách mục phóng sự Trên những nẻo đường kháng chiến. Hai số báo đầu tiên do tôi và chị Tâm Trung đưa bản thảo đến nhà in. Chị Tâm Kính bảo tôi:
- Các em về ấp Đồi Cháy ở Nhã Nam mời anh Mai Văn Hiến minh họa cho báo.
Tôi ôm một sấp bài đi bộ sáu mươi cây số từ Đại Từ qua con đường Quảng Nạp-Phù Minh đến tỉnh lỵ Thái Nguyên rồi đi dọc kênh thủy lợi đến Nhã Nam, đến ấp Đồi Cháy. Nhiều văn nghệ sĩ kháng chiến trong đó có gia đình nhà văn Nguyên Hồng đang ở đấy. Các anh rất ưu ái tờ Phụ nữ Việt Nam sắp ra đời. Tôi phấn khởi khoe bức thư tay của Bác Hồ gửi báo phụ nữ để in trang đầu. Họa sĩ Tạ Thúc Bình đang mải mê với những bức tranh lớn nhưng anh đã dành thời gian vẽ cho số báo đầu tiên của Hội Phụ nữ Việt Nam một phụ bản rất đẹp: Những cô gái Tày đang cấy lúa trên thửa ruộng bậc thang. Màu xanh lam của áo nổi bật trên màu xanh lá non của những khóm mạ. Anh Mai Văn Hiến nói:
-Tôi phải minh họa mục Trên những nẻo đường kháng chiến của các chị sao cho thật sinh động mới được.
Anh Nguyên Hồng góp lời:
- Tờ báo phụ nữ số 1 của các chị là niềm vui của mọi người. Ai cũng muốn tìm hiểu hậu phương của chúng ta.
Ban biên tập báo ở xa. Các chị giao cho tôi và Tâm Trung toàn quyền trao đổi ý kiến với các họa sĩ và ký bản “bông” cuối cùng cho báo. Sau khi tôi đưa tờ báo số 1 đi in thì các họa sĩ bắt đầu minh họa tờ báo số 2. Tôi còn nhớ tờ số 2 có một phụ bản màu vàng Mùa gặt do họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ.
Muốn đến được nhà in nằm sâu trong rừng ở Chiến khu 12 tôi phải đi bộ thêm gần bốn chục cây số nữa, đó là Nhà in Chiến Thắng ở Bắc Giang, Giám đốc nhà in là anh Tân Đức, sau này là Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Các bài vở tôi mang đến được in trên máy in MINERVE, loại máy nhỏ quay từng trang một rất chậm. Tất cả tài liệu của khu và Trung ương đều dồn về in ở đây nên chúng tôi phải chờ khá lâu. Mấy hôm in báo tôi ở luôn nhà in, ăn Tết 19-8 với anh em công nhân. Tôi cùng thức đêm chữa “mo-rát”, cùng đi công tác quần chúng với họ. Tôi được công nhân nhà in đãi một bữa cơm có món chồn hương bắt được trong rừng. Báo in xong được chuyển về Nhã Nam rồi đưa về Thái Nguyên. Không nói hết được những vui mừng của tòa soạn khi cầm trên tay tờ báo mới còn thơm mùi mực. Rừng núi âm u mất hết vẻ tĩnh mịch hằng ngày. Các chị reo lên xúm xít quanh tờ báo, bên bếp lửa nhà sàn sáng rực. Mọi người tranh nhau ai cũng muốn xem tờ báo trước.
Chị Lưu Thị Liên, giao liên của hội ngày ấy, nay đã hơn tám mươi tuổi và sống ở Hà Nội, là người đi phát hành tờ báo số 1 kể lại: “Tháng 8-1948, chị Thanh Thủy và chị Hải Viên ở cơ quan Phụ vận Bắc Bộ đóng ở gần đèo Khế, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bảo tôi: “Em chuẩn bị gánh hai cái “dậu” Báo Phụ nữ Việt Nam số 1 đến trạm giao thông khu vực đầu tỉnh Bắc Giang để phát hành đi các khu hội”. Nghe nói gánh hai cái “dậu” báo tôi tưởng nhiều và nặng lắm, nhưng khi soạn, đếm vẻn vẹn gần 40 tờ, tờ nào cũng cuộn tròn, không thấy khu hội nào. Tôi băn khoăn không biết sẽ giao cho ai thì chị Thanh Thủy báo tôi cứ gánh đến trạm giao thông đưa cho đồng chí trưởng trạm, các anh sẽ biết cách phân phối.
Khoảng 9 giờ sáng hôm ấy, tôi mặc cái quần đen, áo chàm xanh, chít khăn vuông trông giống như thiếu nữ dân tộc Tày đi chợ quê, gánh hai “dậu” báo, trên mặt che kín mảnh áo tơi rách xin được của nhà dân đi phát hành. Gần 2-3 giờ sáng thì đến trạm giao thông. Vừa bước chân vào trạm, tôi đã thấy anh chị em giao thông thắp đèn dầu đang soạn công văn tài liệu phân đi các nơi, nghe tôi nói có tờ báo Phụ nữ Việt Nam số 1 của Hội Phụ nữ, các anh bóc ra một cuốn đọc cho mọi người nghe. Tôi giao báo cho trạm xong, có chữ ký của đồng chí trưởng trạm đã nhận đủ báo. Gần sáng đồng chí trạm trưởng giục tôi về ngay vì ở đây gần vùng địch hậu, chúng nó ra càn, tôi không biết đâu mà chạy”.
Quả thật là, có tờ báo rồi mà phát hành tới tay bạn đọc ở khắp các nơi với vô vàn khó khăn.
Nhà văn NGUYỆT TÚ