Sau ngày Bác mất, thi hài của Người nhiều lần được di chuyển từ Hà Nội lên K9 và ngược lại. Từ đây, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay) bước vào giai đoạn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: “Giữ yên giấc ngủ của Người”.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Trải qua 50 năm tham gia Bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác Hồ; hơn 40 năm bảo vệ, quản lý vận hành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi, lớp trước kế lớp sau luôn tự hào với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”. Và để minh chứng cho điều đó, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm đã cùng chúng tôi trở lại K9, trực tiếp giới thiệu khu căn cứ đặc biệt này. Giữa rất nhiều điểm đến, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những “người bạn chiến đấu” đã từng cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 năm nào di chuyển thi hài Bác vượt qua mọi địa hình thời tiết, bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Những người bạn đặc biệt” ấy là 3 chiếc xe: Xe hồng thập tự biển số FH-14-68; xe ZIL-157 biển số 470-189 cùng chiếc xe BAV biển số 31-162.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Những chiếc xe từng thực hiện nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác Hồ đang được trưng bày, lưu giữ tại Khu di tích lịch sử K9- Đá Chông. Ảnh: TRANG NGUYÊN.

Xe hồng thập tự biển số FH-14-68 tham gia di chuyển thi hài Bác từ những buổi đầu. Chiếc xe vốn của Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). 11 giờ trưa 2-9-1969, chiếc xe này do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái đã đưa thi hài Bác từ ngôi nhà 67, cạnh Nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch về Công trình 75A (75A) trong Viện Quân y 108. Đêm 5-9-1969, chiếc xe lại tiếp tục đưa thi hài Bác từ 75A về Công trình 75B (Hội trường Ba Đình) để phục vụ Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Thượng tướng Phùng Thế Tài, người tham gia đoàn xe tháp tùng tiễn chân Bác từng kể lại: “Hôm ấy, xe chở thi hài Bác do đồng chí Nhít lái đã xảy ra sự cố nhỏ. Vì quá xúc động và căng thẳng qua nhiều đêm tập luyện, xe đồng chí Nhít bị lạc qua đường Nguyễn Hữu Huân (con đường không nằm trong lộ trình di chuyển). Phải mất một lúc lâu đoàn xe mới hợp điểm lại được ở cột đồng hồ bên bờ hồ Hoàn Kiếm để cùng về vị trí tập kết”. Sau Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, 21 giờ ngày 9-9-1969, chiếc xe hồng thập tự lại làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác từ Hội trường Ba Đình trở về 75A. Đêm hôm ấy, trên các con phố vẫn đông người và các phương tiện đi lại. Dù rất khó khăn trong việc di chuyển, nhưng chiếc xe đã đưa thi hài Bác an toàn trở về 75A sau những ngày tang lễ có một không hai trong lịch sử. Sau này, chiếc xe luôn ở trong tư thế sẵn sàng là phương tiện dự bị mỗi khi di chuyển thi hài Bác đi xa.

Ngày 15-12-1969, công trình K9 (để giữ bí mật, lúc này K9 mang mật danh K84) hoàn thành những chi tiết cuối cùng cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có nhiều biến chuyển. Mỹ điên cuồng ném bom leo thang phá hoại miền Bắc. Để bảo đảm an toàn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84. Sau những tính toán, cân nhắc, chiếc xe ZIL-157 biển số 470-189 là loại xe lớn, khỏe, có 3 cầu được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ. Ban Chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác đã giao nhiệm vụ cho Đội 295, Cục Quản lý xe-máy, Tổng cục Hậu cần (nay là Cục Xe-Máy, Tổng cục Kỹ thuật) nghiên cứu, cải tạo theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt. Tài liệu lưu trữ tại Cục Quản lý xe-máy từng ghi lại: “Với tinh thần làm việc khẩn trương, chỉ sau 3 tuần, chiếc xe ZIL bình thường đã biến đổi hình dạng với lớp sơn mới màu xanh thẫm. Bên trong thiết kế gọn ghẽ, hợp lý. Các bộ phận máy, bệ, gầm, đặc biệt là bộ nhíp giảm xóc đã được cải tiến. Các cán bộ kỹ thuật còn tính toán cả lượng bơm hơi ở các bánh xe sao cho xe vẫn có thể chạy nhanh nhưng lại giảm độ rung xóc ở mức thấp nhất”.

23 giờ ngày 23-12-1969, chiếc xe ZIL-157 do đồng chí Nguyễn Văn Thinh, Đội trưởng Đội xe thuộc Tổng cục Hậu cần lái đã di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 an toàn. Thiếu tướng Trần Kinh Chi, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời từng kể: “Hôm đó, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền được phân công ngồi cùng xe chở thi hài Bác. Trong xe có trang bị điện thoại giữa bác sĩ Quyền và tôi. Thỉnh thoảng tôi lại hỏi và yên lặng chờ bác sĩ Quyền đặt cặp kính trên nắp linh cữu để kiểm tra độ rung lắc của xe. Trong lúc chờ nghe tiếng báo về “không có chuyện gì xảy ra” mà tim tôi như ngừng đập”. Sau lần đó, chiếc xe ZIL-157 biển số 470-189 còn có hai lần di chuyển thi hài Bác thành công nữa là đêm 3-12-1970, di chuyển thi hài Bác từ K84 về 75A, đề phòng máy bay Mỹ ném bom xuống khu vực Sơn Tây, Đá Chông; và trưa 19-8-1971, di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84, đề phòng lũ lụt ở Thủ đô Hà Nội.

Cuối cùng là chiếc xe BAV lội nước biển số 31-162. Chiếc xe này là sản phẩm của công trình khoa học mang tên “Nghiên cứu thiết kế chế tạo xe di chuyển linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện chiến tranh ác liệt và thiên tai lớn”-một trong những sáng tạo độc đáo của nhóm kỹ sư Vũ Văn Ðôn, Trần Văn Hải, Nguyễn Bá Bách, thuộc Cục Quản lý xe-máy. Rất tiếc trong 3 nhà khoa học khoác áo lính ấy chỉ còn Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Bách, nguyên Trưởng phòng Đo thí nghiệm, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, Tổng cục Kỹ thuật là còn sống khỏe mạnh khi chúng tôi gặp để có thể chia sẻ về nhiệm vụ mật mà ngay bản thân ông, hơn 30 năm sau khi hoàn thành mới tường tận. Ông kể: “Một buổi sáng trung tuần tháng 11-1971, tôi lúc đó là Thiếu úy, Phó trưởng ban Thiết kế gầm, Phòng Nghiên cứu thiết kế, Cục Quản lý xe-máy bất ngờ nhận được nhiệm vụ: Trong vòng 3 ngày phải hình thành phương án thiết kế một chiếc xe, bảo đảm các yêu cầu “tính việt dã cao, có khả năng lội nước trong hoàn cảnh thiên tai ác liệt và địch đánh phá đường sá hư hỏng. Trên xe phải thiết kế buồng bảo đảm các tiêu chí như một phòng bảo quản cơ động”. Khi phương án được cấp trên thông qua, ngay lập tức tôi được lệnh kết hợp với các kỹ sư bắt tay vào hiện thực hóa bản thiết kế”.

Đến lúc này, nhóm kỹ sư phần nào biết rằng họ đang làm một việc vô cùng thiêng liêng mà dân tộc giao phó là thiết kế xe di chuyển thi hài Bác Hồ. Sau nhiều ngày tìm tòi, cuối cùng loại xe lội nước BAV U485 do Liên Xô chế tạo được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu, cải tiến. Cốt lõi của công trình là xử lý buồng bảo ôn, được hình dung như hệ thống lăng di động, bên trong có một bệ là bàn đặt linh cữu Bác, được làm bằng gỗ quý, trên đó có hệ thống giảm xóc. Hệ thống này phải bảo đảm không bị nghiêng quá 5 độ, những rung động nhỏ nhất cũng không làm ảnh hưởng đến thi hài Bác. Ðể đáp ứng yêu cầu, nhóm thiết kế đã xây dựng mô hình bàn đặt linh cữu như một hệ thống dao động phức tạp: Với tải trọng của linh cữu và các phụ kiện khoảng 400kg, đặt trên bàn và hệ thống treo được chọn là lò xo trụ có độ cứng 8kg/mm, đường kính dày 4,5mm, đường kính ngoài 50mm. Trên bàn có các đai giữ linh cữu bằng vật liệu có độ bền cao và không có khả năng gây nấm mốc. Linh cữu được đặt chặn hai đầu và giữ bằng dây có độ bền cao không di chuyển trong suốt quá trình xe vận hành trên đường.

Sau 6 tháng nghiên cứu chế tạo, tháng 6-1972, nhóm thiết kế đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Chiếc xe BAV cải tiến được bàn giao cho cơ quan chức năng. Một tháng sau, đúng 21 giờ ngày 11-7-1972, trong điều kiện địch đánh phá ác liệt và thiên tai rình rập, với sự huy động tối đa tiềm lực tập thể, chiếc xe đặc biệt này đã lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là đưa thi hài Bác từ K84 vượt sông Đà về căn cứ K2 (mật danh là H21) an toàn. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, sáng sớm ngày 9-2-1973, chiếc xe lại làm nhiệm vụ đưa thi hài Bác trở về K84, và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình vào ngày 18-7-1975, đưa Bác về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để Người yên nghỉ mãi mãi trên Quảng trường Ba Đình.

SONG THANH