QĐND - Trước đây, người dân Việt Nam chỉ biết Hòn Hải (Bình Thuận) là một khối đá khổng lồ, hoang vu giữa biển cả mênh mông. Nơi đây chỉ có loài chim biển làm tổ trú ngụ, đảo đá khô cằn, không có nước ngọt. Không để đảo “chết”, những người lính công binh từng bước làm sống lại Hòn Hải ngay khi Bộ Quốc phòng quyết định phê duyệt đầu tư dự án cơ sở hạ tầng trên đảo.

Nhận được nhiệm vụ, Bộ tư lệnh Công binh giao cho Xí nghiệp khảo sát Công ty Lũng Lô tiến hành khảo sát, thiết kế lập tổng dự toán các hạng mục, đồng thời giao cho Ban quản lý DKI thay mặt chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.

Bến cập tàu trên đảo được xây dựng.

Nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên đảo, Đại tá Nguyễn Anh Dũng, nguyên Trưởng phòng thẩm định, Cục Kế hoạch Đầu tư (Bộ Quốc phòng), nguyên cán bộ Ban quản lý DKI chỉ huy lực lượng khảo sát, kể lại: Đoàn chúng tôi gồm 30 người chủ yếu là cán bộ công binh và lực lượng đo đạc biển của Hải quân. Tìm đường vào đảo, anh em tự căng bạt, làm lán trại để thực hiện nhiệm vụ. Ấn tượng đầu tiên với tôi là biển khu vực Hòn Hải có biên độ sóng lớn, nhiều đá ngầm nên tàu thuyền rất khó vào. Vượt qua những khó khăn ban đầu, chúng tôi bắt tay vào công việc. Để có đường lên đảo, chúng tôi đã làm một dàn giáo bằng thép cao 62m, giống như một chiếc cầu thang dây. Nhờ nó mà công việc khảo sát rất thuận lợi. Tuy nhiên, sau 20 ngày chinh phục đảo, đoàn chúng tôi đã có người hy sinh…

Khoét núi, khoan hầm, khai thông đảo

Thượng tá Nguyễn Văn Dần, nguyên cán bộ của Ban quản lý DKI, người trực tiếp chỉ huy thi công các công trình trên đảo Hòn Hải, cho chúng tôi biết: Do điều kiện thời tiết ở đảo vô cùng khắc nghiệt nên quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2001 phải nghỉ thi công tới 5 tháng vì sóng to gió lớn. Thời điểm này, đội thi công 3 lần ra đảo nhưng chỉ lên được một lần để khảo sát. Năm 2002, gần 4 tháng không thi công được. Năm 2003, hết quý I mới đưa được người lên đảo. 2 ngày sau, sà lan tiếp cận được đảo nhưng công việc vận chuyển vật liệu lên đảo vô cùng gian nan, phải mất 54 ngày mới thực hiện xong một chuyến hàng. Đã thế khi đưa được hàng lên đảo, thiên nhiên khắc nghiệt đã cướp đi bao công sức. Đó là vào năm 2002, một đợt sóng bất ngờ đã cuốn mất 540 tấn vật tư các loại xuống biển; phá hủy hoàn toàn một trụ tựa tàu phía Nam; có 6 lượt người bị sóng cuốn trôi nhưng đã cứu vớt kịp thời; một công nhân bị thương do đá lở làm sập lán trại.

Thượng tá Nguyễn Văn Dần tâm sự: Tôi đã đi nhiều đảo nhưng không ở đâu gian nguy bằng Hòn Hải. Đảo có cấu tạo địa hình, địa chất rất phức tạp, vách đảo dựng đứng cao hơn 100m đã bị hư hỏng, biến dạng rất nhiều (do thiên nhiên tàn phá), thường xuyên có đá rơi, đá lở. Xung quanh là vách hụt và đá ngầm. Ở đảo này không có sóng trườn rồi vỗ nhẹ vào bờ mà chỉ có sóng chồm, sóng nhảy, xô đập vào bờ làm rung chuyển cả đảo trong những ngày sóng trên cấp 4. Địa hình đảo quá chật hẹp nên việc tổ chức thi công các hạng mục công trình gặp rất nhiều khó khăn trở ngại.

Không chịu khuất phục trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những người lính công binh ngày đêm kiên cường bám trụ để xây dựng công trình cho đảo. Sau khi tính toán, các anh đã xây một ngôi nhà kiên cố dưới chân đảo có diện tích gần 300m2 với hệ thống nhà ở, nhà ăn và các công trình phụ. Tiếp đến là xây dựng bến cập tàu rộng 380m2, có hệ thống phao neo và bãi liền bến 423m2. Đây là những công trình tối cần thiết để cho lực lượng ra đảo làm nhiệm vụ có thể trụ vững được ở nơi đầu sóng ngọn gió này.

Một công trình trên đảo mà bộ đội công binh phải mất rất nhiều công sức mới thực hiện được, đó là xây dựng đường hầm lên mặt đảo. Đại tá Nguyễn Bá Hiểu, Trưởng ban Quản lý DKI, cho biết: Lúc đầu nghiên cứu, chúng tôi định làm một con đường chạy thẳng lên đảo nhưng do vách núi quá đứng, làm đường không khả thi nên quyết định đào hầm. Đây là một công việc gian nan, anh em phải ăn ngủ trong lòng núi, dầm mình trong sóng gió để đặt những mũi khoan đầu tiên… Sau nhiều ngày khoét núi, khoan hầm, đã có những người lính công binh bị thương. Máu của các anh đổ xuống càng làm tăng thêm ý chí và lòng quyết tâm, để rồi một ngày, con đường hầm dài 170m với 4 cửa đã thông lên mặt đảo.

Đường hầm thông, một nửa công việc hoàn thành, bài toán khó đã được giải quyết. Việc gia cố hầm bằng bê tông cốt thép có mái vòm chống đá rơi cũng được cán bộ, chiến sĩ công binh tính toán tỉ mỉ. Tiếp đó, họ bắt tay vào xây dựng con đường bê tông trên mặt đảo dài 107m có hệ thống lan can bằng thép không gỉ. Con đường này dẫn tới ngọn hải đăng, tín hiệu cấp 1, tầm hiệu lực ánh sáng 24,5 hải lý.

Phải mất nhiều năm, các công trình trên đảo Hòn Hải mới hoàn thành. Theo đánh giá của các bên nghiệm thu, các công trình bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thiết kế. Trong thời gian thi công, Thượng tướng Phùng Quang Thanh, Tổng Tham mưu trưởng (nay là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đã ra tận nơi kiểm tra và đánh giá rất cao các công trình trên đảo. Đồng chí đã dành nhiều lời khen ngợi cho bộ đội công binh-những người đã “khai sơn phá thạch” trên đảo Hòn Hải.

Để đảo đèn luôn tỏa sáng

Trạm Hải đăng đảo Hòn Hải do Bộ tư lệnh Công binh xây dựng, sau khi hoàn thành đã bàn giao cho Công ty Bảo đảm Hàng hải khu vực III, nay là Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Nam Trung Bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Leo 370 bậc đường hầm và 240 bậc cấp ngoài trời, chúng tôi đã chạm tay được vào ngọn Hải đăng đảo Hòn Hải. Đứng trên nhà đèn, phóng tầm mắt ra phía ngút ngàn biển rộng mới thấy biển đảo của Tổ quốc đẹp đến nhường nào. Anh Trần Văn Ngôn, Trạm trưởng, cho biết: Hải đăng Hòn Hải không đơn thuần làm nhiệm vụ hướng dẫn cho những con tàu mà là một cột mốc chủ quyền quan trọng của Việt Nam trên Biển Đông.

Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Kiền (thứ 2 bên trái), Tư lệnh Binh chủng Công binh (năm 2004) ra thăm và làm việc tại đảo Hòn Hải.

Bốn cán bộ, nhân viên Trạm Hải đăng Hòn Hải như 4 chiến sĩ canh giữ chủ quyền trên biển. Các anh thay phiên nhau làm nhiệm vụ canh giữ đảo đèn. Ngày nắng cũng như ngày biển động, bước chân của họ vẫn đều đặn đi trên con đường của đảo, giữ cho ngọn Hải đăng tỏa sáng để cho tàu thuyền qua lại an toàn. Anh Trần Đình Luân, nhân viên trạm chia sẻ: Mùa biển êm, 4 anh em sinh hoạt và làm việc ở dãy nhà bên dưới chân đảo. Những ngày biển động, chúng tôi phải di chuyển vào hầm để trú ẩn. Rau xanh, nước ngọt, lương thực, thực phẩm còn thiếu thốn nhưng chúng tôi xác định, trong bất luận hoàn cảnh nào cũng phải trụ vững, bởi đây là nhiệm vụ hết sức thiêng liêng cao cả.

Từ khi có Trạm Hải đăng Hòn Hải, tàu thuyền ra vào khu vực này được an toàn hơn. Các ngư dân cũng vì thế mà ra đánh bắt hải sản ở khu vực này ngày càng nhiều. Dù còn khó khăn nhưng khi tàu thuyền của ngư dân gặp nạn, các anh sẵn sàng giúp đỡ. Lúc thì cho bà con vài chục lít nước ngọt, khi thì một vài cân lương thực, thực phẩm, thuốc men… Các anh cũng sẵn sàng liên lạc với đất liền để giúp đỡ ngư dân trong những tình huống cấp bách…

Anh Nguyễn Minh Tiến, nhân viên của trạm, tâm sự: Những người gác đèn biển như chúng tôi luôn phải sống xa gia đình, sống trên các vùng biển, đảo quanh năm sóng gió. Vì vậy, cần phải có bản lĩnh, ý chí và trên hết là tình yêu nghề nghiệp. Hằng ngày, để giữ cho ngọn đèn tỏa sáng, chúng tôi thường xuyên kiểm tra kỹ thuật, lau chùi, bảo quản, bảo dưỡng các thiết bị, kiểm tra chu kỳ, tùy theo thời tiết để lên đèn sớm hay muộn. Thời gian rảnh, chúng tôi trồng rau, nuôi gà, chia sẻ với nhau kinh nghiệm cấp cứu, khám chữa bệnh thông thường và cả những chuyện riêng tư... Anh Tiến cũng tự hào: Trước đây, Hòn Hải khô cằn, trơ trọi, giờ cỏ cây đã mọc ngang tầm ngực. Màu xanh và sự sống đang bắt đầu phủ dần trên đảo.

Mới đây, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel vừa lắp đặt một trạm thu phát sóng điện thoại trên đảo, giúp các anh có thể liên lạc được với gia đình hằng ngày. Gánh nặng về hậu phương cũng nhẹ dần vì khoảng cách giữa đảo và đất liền như đang gần lại. Trên đảo, các anh đã xem được 6 kênh truyền hình (3 kênh của Đài Truyền hình Việt Nam và các kênh địa phương) nhờ các thiết bị thu sóng hiện đại. Mọi tin tức hằng ngày các anh đều được cập nhật, không sợ bị lạc hậu sau khi trở về đất liền.

Điều anh em ở Trạm Hải đăng Hòn Hải mong muốn, đó là được thắp sáng đảo như Trường Sa bằng điện năng lượng gió, năng lượng mặt trời (hiện nay trên đảo vẫn chạy máy phát điện bằng dầu điêzen)… và mong đảo sớm trồng được cây bóng mát.

Bài và ảnh: TRỊNH VĂN DŨNG