QĐND - Khoảng 60 năm trước, tôi loáng thoáng nghe tên tờ báo này. Người lớn tuổi hơn bảo: “Nó hiếm lắm”, nó là một tờ báo loại kháng Nhật, ra đời trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, ngắn ngủi.

Tháng 3-1945, quân phiệt Nhật trở cờ, đánh, bắt, giam giữ toàn bộ quân đội Pháp ở Việt Nam. Quân đội Nhật trở thành đối thủ chính mà Việt Minh phải đánh bại mới có thể giành được độc lập. Ngày 1-8-1945, Báo Nước Nam mới  ra mắt trong vùng giải phóng của Việt Minh ở miền núi Bắc Bộ. Trên trang một của báo, chỉ có hai chủ đề: Quân đội cách mạng Việt Nam (Giải phóng quân) đang kịch chiến ở nhiều tỉnh, đánh lui các cuộc càn quét và diệt cả đồn binh kiên cố của Nhật. Chủ đề thứ hai là một bài chính luận bàn về xây dựng quân đội cách mạng, nói rõ “quân sự và chính trị phải đi đôi”.

Nước Nam mới là một tờ báo khuôn khổ nhỏ mà bàn những vấn đề lớn.

Thời đó, Việt Minh chiến khu còn nghèo, tờ Nước Nam mới  khổ giấy chiều ngang chỉ một gang tay. Báo có 4 trang. So với Báo Hà Nội mới 8 trang ngày nay thì Nước Nam mới diện tích chỉ bằng một phần mười-chỉ như cái khung cửa sổ trên tường nhà cao. Báo Nước Nam mới in chữ viết tay, lắm chỗ nhòe, khó đọc. Tôi nghĩ, có thể mực in có trộn thêm bồ hóng, nhiều câu chữ cần thiết đành bỏ qua. Trang báo nào cũng có đoạn có ích và thú vị gắn với hoàn cảnh chiến tranh chống Nhật đương thời. Vì vậy, tôi đã cố đọc từ chữ góc trên cùng đến chữ ở góc cuối cùng trang báo.

Tờ Nước Nam mới được một cán bộ lão thành cách mạng gìn giữ khá nguyên vẹn dù đã qua hơn 70 năm. Ảnh: Duy Đông.

Trang một, ngang với tên báo có một ô nhỏ bằng bao diêm chỉ ghi một câu: “Muốn chống sự tiến công của giặc Nhật, phải một mặt giải thích, một mặt đánh”. Giải thích đây là nói cho sĩ quan, binh lính Nhật thấy cuộc chiến tranh bành trướng của Nhật đã đến hồi tàn, đừng tiếp tục gây thêm tội ác. Một ô cỡ bao diêm ở cuối trang một có ghi một câu: “Hỡi đồng bào toàn quốc, hãy đua nhau mua tín phiếu Việt Minh: Một nghìn đồng, năm trăm đồng, một trăm đồng, năm mươi đồng... ủng hộ Quân giải phóng! Chú ý giá mỗi tờ báo là ba hào. Nếu không có tiền mua thì có thể thay bằng ngô, gạo cũng được”.

Trong trang hai, có một bài chính luận đề là “Đánh đổ thói quan liêu trong cán bộ”. Người viết bài ký tên Hồng Lam. Lại có tin: Trường Quân chính kháng Nhật làm lễ tốt nghiệp khóa học thứ nhất. Sau đó là mấy câu khẩu hiệu kháng Nhật trong chương trình Việt Minh:

- Tổng động viên giết giặc cứu lấy nước!

- Đánh Nhật nhất định thắng, cứu nước nhất định thành!

- Cố gắng lên các bà, các chị, hãy ra sức làm cho hội ta trở nên một hội kháng Nhật mô phạm!

Mục “Từ đông qua tây” (tức là tin tức thế giới) cũng chỉ ngắn gọn:

- Nga hiện mang rất nhiều quân đến bán đảo Cam-sát-ca, gần nước Nhật.

- Ở Tây Bá Lợi Á hiện có 19 vạn quân đội Triều Tiên được Hồng quân huấn luyện để trở về kháng Nhật.

- Trong cuộc bầu cử hàng tổng của nước Pháp, nhiều đại biểu cộng sản đã trúng cử.

- Ở Trung Quốc, quân Nhật đã rút lui khỏi Long Châu, Nam Ninh, Liễu Châu.

Ở góc trang ba có câu: “Hãy ủng hộ báo và giảng báo cho dân!”. Đó là vì dân ta nói chung trình độ văn hóa còn thấp và đồng bào dân tộc thiểu số thì tiếng Kinh cũng chưa thành thạo. Vậy nên cán bộ phải giảng giải thêm.

Chữ nghĩa trên báo Nước Nam mới là tiếng nói dân dã, dễ hiểu và câu thật ngắn. Chỉ duy nhất có tin chiến thắng lớn tiêu diệt đồn Nhật ở Tam Đảo là được ban biên tập “hào phóng” cho in tít đẹp, chữ lớn ở ngay đầu trang một và ưu ái cho tường thuật dài gần 500 chữ! Chừng ấy chữ là nhắc đến công lao của lính Khố xanh và tù nhân nhà lao được Việt Minh giác ngộ, là nhắc đến đơn vị trung đội Quân giải phóng mang tên Phạm Hồng Thái làm nòng cốt trong trận đánh.

Rõ ràng là Ban biên tập Báo Nước Nam mới sống trong chiến khu đã sớm thấy giá trị của trận Tam Đảo nhưng cũng chưa thể nhìn ra hết ý nghĩa.

Mãi về sau mới hay, Đài phát thanh Trung Quốc ở Côn Minh đã đưa tin Việt Minh tiêu diệt quân Nhật ở Tam Đảo. Các nhà báo Pháp, Mỹ đã ghi nhận trận Tam Đảo là một trận đột kích ngoạn mục vào một đồn Nhật trên núi cao. Đó là trận đánh duy nhất có tầm quan trọng ở Đông Dương, 500 Việt Minh (gồm nhân dân Tam Đảo và các lực lượng vũ trang) đã tấn công trại hiến binh Nhật trên khu nghỉ mát Tam Đảo, tiêu diệt quân Nhật và còn giải thoát một số người Pháp bị Nhật giam giữ ở đó.
PHẠM HỒNG