Bác sĩ - bệnh binh
Sinh ra tại vùng quê Từ Sơn, năm 1970, khi đang công tác tại Viện Y học Phòng không-Không quân, Nguyễn Chiến lúc này bước sang tuổi 24 đã tình nguyện ra mặt trận phục vụ kháng chiến. Anh được phân công làm Đội trưởng Đội phẫu thuật tiền phương của Mặt trận B5 phục vụ chiến trường Quảng Trị. Ngày hôm đó, trong căn hầm chữ A chật chội, bác sĩ Nguyễn Chiến khám lại cho các thương binh vừa được phẫu thuật ngày hôm trước, vết thương của 3 chiến sĩ Trương Thế Kỷ, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Xuân Thủy có nhiều chuyển biến tốt. Tiêm xong cho chiến sĩ Thủy, vừa quay đi thì một tiếng nổ lớn vang lên phía sau lưng, Đội trưởng Chiến bị sức ép hất văng về phía trước, đầu đập mạnh xuống đất bất tỉnh. Khi tỉnh lại, ông mới biết mình đã được đưa về tuyến sau thuộc Đội Điều trị 16 chữa trị.
    |
 |
Bác sĩ Nguyễn Chiến (bên trái) trao đổi tình hình sức khỏe với bệnh nhân. Ảnh: HIỆP HÀ. |
Năm 1977, bác sĩ Nguyễn Chiến được quân đội cho nghỉ hưởng chế độ bệnh binh. Biết tiếng ông là bác sĩ quân y, nhiều người vẫn tìm đến nhờ ông khám, tư vấn chữa bệnh, chủ yếu là bệnh nhân đến châm cứu tại nhà. Bác sĩ Nguyễn Chiến kể: “Thời ấy, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân rất cao, vậy nhưng số cơ sở y tế của Nhà nước còn ít. Thêm nữa, đường sá đi lại không thuận lợi nên không phải ai cũng có điều kiện để khám bệnh thường xuyên. Chính vì vậy, tôi quyết tâm phải làm gì đó để mang kiến thức, kỹ năng của mình phục vụ bà con”.
Nghĩ là làm, năm 1994, khi Nhà nước cho phép các cơ sở y tế tư nhân hoạt động, bác sĩ Nguyễn Chiến thành lập Phòng khám Đa khoa và chẩn trị y học cổ truyền. Vào thời điểm ấy, phòng khám của bác sĩ Nguyễn Chiến là phòng khám tư nhân đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Ban đầu, với số vốn tích cóp, vay mượn không nhiều, phòng khám chỉ trang bị được một số máy móc cơ bản, đã qua sử dụng. Đến nay, phòng khám đã được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích hơn 400m2, với nhiều máy móc hiện đại như máy siêu âm màu, máy X-quang cao tần, máy xét nghiệm sinh hóa huyết học tự động, máy nội soi dạ dày, tai-mũi-họng… Đặc biệt, phòng khám có 6 bác sĩ, 6 y sĩ-kỹ thuật viên chủ yếu là con em thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh. Mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận 40-50 bệnh nhân.
Phòng khám nghĩa tình
Trong căn phòng châm cứu rộng khoảng 35m2, 5 chiếc giường sắt kê sát nhau, một bệnh nhân nam đang được bác sĩ Nguyễn Chiến châm cứu bằng máy điện châm. Người bệnh ấy là anh Trần Văn Cẩn, con trai cựu chiến binh Trần Văn Ơn. Anh Cẩn năm nay đã 35 tuổi, đang là công nhân của một công ty tại khu công nghiệp gần nhà. Khoảng hơn một tháng trước, anh Cẩn đi làm về muộn. Vừa thấy con trai bước vào phòng tắm, ông Ơn giật mình khi nghe tiếng đổ vỡ vang lên. Cả nhà vội lao vào thì thấy anh Cẩn đã ngồi trên nền, miệng giật méo xệch, mắt trợn ngược. Khi đến phòng khám, bác sĩ Nguyễn Chiến chẩn đoán anh Cẩn bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Biết gia đình ông Ơn không có điều kiện kinh tế, bác sĩ Nguyễn Chiến sẵn sàng chữa trị miễn phí cho anh Cẩn.
Ca điện châm diễn ra khoảng 20 phút, bác sĩ Nguyễn Chiến xác định vùng huyệt trên da mặt bệnh nhân rồi dùng bông thấm cồn sát trùng cẩn thận. Một tay ông ấn nhẹ nhàng chiếc kim châm cứu vô khuẩn qua vùng da đúng vào huyệt đã xác định. Chiếc kim cắm vào da mặt nhưng anh Cẩn dường như không có cảm giác đau đớn nào. Ông lần lượt tìm huyệt chỉnh cho tất cả những chiếc kim còn lại. Khi bác sĩ Nguyễn Chiến khởi động máy, những cây kim được gắn đúng huyệt trên đầu rung lên theo mỗi nhịp giật của máy. Ca điện châm kết thúc, anh Cẩn ngồi dậy, khuôn mặt giãn ra, đỡ căng cứng hơn trước. Khi biết chúng tôi đến phòng khám bác sĩ Nguyễn Chiến tìm hiểu về hoạt động thiện nguyện, dù vừa châm cứu xong, anh vẫn nhiệt tình trả lời bằng giọng nói còn chưa rõ: “Mấy hôm nay tôi đã bắt đầu nói chuyện được tốt hơn. Trước đây, miệng tôi cứ cứng lại, không tài nào nói được một câu cho rõ ràng.
Anh Cẩn chỉ là một trong nhiều bệnh nhân được điều trị miễn phí tại phòng khám của bác sĩ Nguyễn Chiến. Trong những năm qua, phòng khám của bác sĩ Nguyễn Chiến đã hỗ trợ các quỹ từ thiện của địa phương. Đồng thời tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách với tổng chi phí hơn 100 triệu đồng.
Đánh giá về nghĩa cử cao đẹp của bác sĩ Nguyễn Chiến, ông Nguyễn Quang Tài, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Bác sĩ Nguyễn Chiến là người có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, nỗ lực vượt qua những khó khăn của bản thân; là người có nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng khám, chữa bệnh miễn phí giúp đỡ đồng đội và những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Chiến thực sự là tấm gương sáng để các hội viên hội cựu chiến binh chúng tôi học tập, noi gương”.
Trước khi chia tay bác sĩ Nguyễn Chiến và phòng khám nghĩa tình của ông, qua chia sẻ của nhân viên trong phòng khám, chúng tôi biết thêm một chi tiết nhỏ. Bác sĩ Nguyễn Chiến vừa trải qua đợt phẫu thuật thay 2 khớp gối, cố định 6 đinh, 2 nẹp ở cột sống, lại thêm bệnh mở khí quản thường gây đau, khó thở cho ông từ thời chiến tranh. Thật khó hình dung, một con người mang trong mình thương tật như vậy nhưng ngày ngày vẫn ngồi bên bàn làm việc sẵn sàng thăm khám cho bệnh nhân.
ĐỨC HÀ - ĐÀO HIỆP