QĐND - Gần 100 tuổi đời với 77 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cán bộ tiền khởi nghĩa, từng giữ nhiều trọng trách, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc. Năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Ủy viên Thành ủy Sài Gòn, ông đã tham gia tổ chức, lãnh đạo các hoạt động, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp diễn ra sôi nổi khắp Sài Gòn-Chợ Lớn...

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Thọ Chân (đứng giữa) tham dự một buổi gặp mặt tại TP Hồ Chí Minh. 

Đúng như dự kiến của ta, quân địch gia tăng các hoạt động càn quét khắp nơi. Ngay trước thời điểm toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ngày 17-12-1946, địch huy động hơn 2.000 quân của Lữ đoàn lê dương số 13 đóng tại ngã 3 Thành Quan Năm (Hóc Môn), có pháo binh yểm trợ và máy bay trinh sát dẫn đường, mở cuộc càn quét vào 2 xã Trung Lập và An Nhơn Tây (nay thuộc huyện Củ Chi) nhằm tiêu diệt lực lượng của ta đóng tại đây. Các đại đội thuộc Chi đội 6 và Chi đội 12 phải tổ chức chống trả địch với số quân lên đến 4 tiểu đoàn, gấp hơn 3 lần quân ta, lại được trang bị hiện đại. Trước tình thế đó, Thành ủy Sài Gòn triển khai họp gấp, một mặt chỉ đạo Chi đội 6 và Chi đội 12 quyết tâm kìm chân địch; một mặt liên hệ nhờ Chi đội 11 Tây Ninh chi viện. Lực lượng của ta hình thành 3 mũi đánh vòng bọc phía sau quân địch tại địa bàn xã Trung Hưng, buộc chúng phải rút chạy. Tiếp đó, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Thừa thắng xông lên lại được cổ vũ tinh thần, hiệu triệu chiến đấu, quân ta tiếp tục truy kích, tiêu diệt gần 300 tên địch, đốt cháy 14 xe quân sự, thu 2 khẩu đại liên và hàng trăm súng trung liên, tiểu liên các loại… Thắng lợi trong trận chống càn này đã tạo bàn đạp cho các hoạt động hưởng ứng Toàn quốc kháng chiến ở Nam Bộ.Những ngày này 70 năm trước, khí thế cách mạng ở Sài Gòn-Chợ Lớn diễn ra mạnh mẽ, tiếp sau tinh thần sục sôi của Nam Bộ kháng chiến. Ông Nguyễn Thọ Chân còn nhớ rất rõ, sau khoảng một năm kiên cường chiến đấu chống thực dân Pháp, đồng bào, chiến sĩ Sài Gòn đã có thêm nhiều kinh nghiệm, phát triển cả về lực lượng và vũ khí tự vệ, tấn công địch. Ngày 25-11-1946, các tổ chức công đoàn và công nhân cứu quốc Sài Gòn thống nhất thành một khối. Các liên khu tác chiến cũng được thành lập, mở rộng ở nội thành. Tranh thủ thời điểm hòa hoãn quý báu sau bản Tạm ước Việt-Pháp ngày 14-9-1946, Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn chỉ đạo gấp rút xây dựng và củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Ông Chân kể: "Trước Toàn quốc kháng chiến 3 ngày, Trung ương đã có điện thông báo tình hình cho Xứ ủy Nam Bộ và yêu cầu xứ ủy thông báo cho các lực lượng cách mạng biết mưu đồ của thực dân Pháp. Bức điện nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Nam Bộ là không được để cho Pháp đem hết tài sản của Nam Bộ ra đánh miền Trung, miền Bắc. Việc kêu gọi trí thức, điền chủ ủng hộ cách mạng phải làm ráo riết. Cuộc kháng chiến nổ ra là không thể tránh khỏi”. Do vậy, theo chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, Thành ủy Sài Gòn đã nhận định tình hình, tổ chức lực lượng sẵn sàng cho cuộc kháng chiến.

Quán triệt điện báo của Trung ương và chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn đẩy mạnh hoạt động binh vận, địch vận và phong trào đấu tranh cách mạng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ông Nguyễn Thọ Chân kể tiếp: “Trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn đã chỉ đạo vận động, lôi kéo được nhiều nhân sĩ, trí thức đi theo cách mạng; trong đó có cả em trai của Trần Văn Hữu (Thủ tướng Chính phủ bù nhìn sau này), Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Chương, đại địa chủ quốc tịch Pháp Adrian Phạm Ngọc Thuần (bố của nhà tình báo xuất sắc Phạm Ngọc Thảo), hơn 50 trí thức Pháp thuộc nhóm Văn hóa Mác-xít… cũng tình nguyện ủng hộ cách mạng. Lúc bấy giờ, tôi đảm nhiệm công tác xây dựng Đảng và các tổ chức quần chúng, được bố trí ở ngay trong trụ sở nhóm Văn hóa Mác-xít. Tại đây, tôi là đại biểu thay mặt Thành ủy Sài Gòn quan hệ, giao tiếp với các đồng chí Pháp. Quá trình làm việc, tôi đã tuyên truyền, vận động họ tham gia kháng chiến. Đầu năm 1947, chính nhóm này đã ra tờ báo Lendemain (ngày mai, tương lai) cổ vũ phong trào cách mạng ở Nam Bộ, phản đối cuộc chiến tranh của thực dân Pháp. Nhiều chuyên mục của tờ báo có nội dung kêu gọi đồng bào Sài Gòn không hợp tác với Pháp. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương đối với Nam Bộ là, không để quân Pháp vơ vét tài sản đánh ra miền Bắc, miền Trung… Đây là hoạt động chia lửa của Sài Gòn-Chợ Lớn với miền Bắc chống thực dân Pháp xâm lược”...

Trước khí thế kháng chiến của cả nước và Sài Gòn-Chợ Lớn, bước sang năm 1947, thực dân Pháp buộc phải bố trí lại chiến trường. Chúng chia Nam Bộ thành 3 tiểu khu và Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, cắt bớt những đồn bốt nhỏ, lẻ, tập trung lực lượng ở Sài Gòn và tăng cường các hoạt động đàn áp, khủng bố. Đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang Sài Gòn kiên trung bám đất, bám làng, cùng các tỉnh lân cận và cả nước đánh địch với khí thế hừng hực của Nam Bộ “thành đồng Tổ quốc”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH