Không nổi danh như một số nhà thơ cùng thời, nhưng ông được đồng nghiệp, độc giả nhớ lâu bởi cái chất “lửa” của nghề… “thợ tiện”.

Ba Thợ Tiện tên thật là Huỳnh Tuyên. Làm thơ, ông lấy bút danh Hoàng Thoại Châu. Ông yêu ca dao và mê thơ Nguyễn Bính từ hồi còn là cậu trai tập tọe làm thơ. Ông đắm đuối cái chân chất, thật tình và mộc mạc trong những câu thơ: Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê… Sau này vào Sài Gòn, gặp và được chơi thân với nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà-người được coi là học trò chân truyền của Nguyễn Bính, thơ Hoàng Thoại Châu càng đậm đặc chất đồng quê, dân dã kiểu… Nguyễn Bính. Tập thơ đầu tay mang tên “Áo trắng ngày xưa” ông viết vào những năm 1963-1966 dành tặng mối tình đầu khi nghe tin người yêu cũ đi lấy chồng, được in năm 1969 tại Sài Gòn. Ảnh in trên bìa tập thơ là chân dung người yêu cũ của ông.

Sài Gòn nuôi giấu ông những năm tháng trốn chạy khỏi sự truy lùng, giết chóc của chính quyền tay sai ở quê hương Điện Bàn, Quảng Nam. Tham gia phong trào đấu tranh chống áp bức ở quê nhà, ông nằm trong “sổ đen” của ngụy quyền Sài Gòn. Ông quy y cửa Phật với pháp danh Minh Ngọc vào cuối năm 1966.

leftcenterrightdel
Nhà thơ, nhà báo Ba Thợ Tiện.

Gắn với áo nâu sồng, được các sư thầy giảng giải về đạo lý cõi Phật, Hoàng Thoại Châu càng thêm đau vận nước, thương phận dân trong chiến tranh, máu và nước mắt. Tiếng thơ yêu nước tha thiết trong những đêm tịnh độ: Quê hương mình thế đó/ Anh biết gì không anh/ Đạn cày và bom xé/ Trên luống vườn xanh xanh/ Hai mươi mùa chinh chiến/ Mắt mẹ già long lanh/ Hai mươi mùa chinh chiến/ Tôi còn gì cho anh…

Những bài thơ tập hợp lại thành tác phẩm “Tình biển nghĩa sông”. Với 33 bài, “Tình biển nghĩa sông” chia làm hai phần. Phần một ngợi ca tình yêu nước, nghĩa đồng bào, chống chiến tranh. Phần hai là ngợi ca truyền thống vì dân tộc của Phật giáo… Khấp khởi mang tập bản thảo đến Nha Kiểm duyệt, Hoàng Thoại Châu bị giội một gáo nước lạnh khi “người gác cổng” ở đây-nhà văn Võ Phiến lắc đầu ái ngại: “Nếu đại đức gởi cho chúng tôi một tác phẩm nhẹ hơn, tôi sẽ ký ngay, ký tại chỗ. Đã không đồng ý với nhạc Trịnh Công Sơn thì không có lý gì chúng tôi lại cho in thơ của Hoàng Thoại Châu”.

May thay, nhờ tập “Áo trắng ngày xưa” từng được cấp phép trước đó nên ông nghĩ kế lấy lại hàng số giấy phép của “Áo trắng ngày xưa” và thêm chữ bis phía sau là có thể “vượt rào” cho “Tình biển nghĩa sông”. Thêm cú làm liều của Thượng tọa Thích Thông Bửu tại Nhà in Quan Thế Âm với lý lẽ “nếu phải tội, cũng là tội tiếp tay cho lòng yêu nước” đã giúp tập thơ đến với đông đảo bạn đọc. Tháng 9-1969, ngay khi tập thơ chuẩn bị ra đời, Hoàng Thoại Châu đã kịp đưa vào bài thơ “Mặt trời ngủ yên”: Vũ trụ chuyển mình/ Địa cầu rung động/ Để báo hiệu sau bảy mươi chín vòng quay/ Bây giờ/ Ba - chín - sáu - chín/ Mặt trời ngủ yên. Đó là những câu thơ ông viết vội trong nỗi buồn đau và bàng hoàng khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.

Thơ “nhạy cảm” là thế, lại “in chui in lủi”, vậy mà đọc trên Báo Chánh Đạo thấy có thông báo về “Giải Văn học nghệ thuật lần thứ nhất 1967-1969” của Sài Gòn, Hoàng Thoại Châu vẫn háo hức mang “Tình biển nghĩa sông” đi thi. Đây là giải quốc gia với giám khảo gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học-nghệ thuật nổi tiếng tại miền Nam lúc bấy giờ như nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân... Không ngờ tập thơ đoạt giải nhất bộ môn Thi ca. Lên nhận giải ở phòng khánh tiết Dinh Độc Lập, Hoàng Thoại Châu nửa mừng nửa nơm nớp lo sợ người ta phát hiện chữ “bis” phía sau giấy phép xuất bản.

Được đà, năm 1972, ông cho ra mắt tập “Tình biển nghĩa sông 2” với tiếng kêu than, lời phản kháng, thúc giục xuống đường chống chiến tranh, chống Mỹ và chính quyền tay sai mạnh mẽ, quyết liệt hơn cả tập 1. Tập thơ này được nhà văn Sơn Nam và nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà viết lời tựa và lời bạt. “Hoàng Thoại Châu không lên án chiến tranh bằng những “lời thơ gây tiếng nổ” mà bằng hơi thở và âm thanh nhẹ nhàng, vì bản tính của thi sĩ không tách rời đặc tính hiền hòa của người Việt Nam”-nhà thơ Kiên Giang viết.

leftcenterrightdel
Một số tác phẩm thơ văn trước năm 1975 của Ba Thợ Tiện.

Nhóm Hướng Dương là nơi gặp nhau của những nhà văn, nhà thơ sinh viên có chung chí hướng chống ngoại xâm, đấu tranh vì hòa bình, đòi lại cơm áo cho nhân dân. Hoàng Thoại Châu, Phan Viên Hoài, Hàng Chức Nguyên, Huỳnh Ngọc Trảng, Trần Hào, Trần Thế Hùng… là những người trụ cột của nhóm. Hai tập “Tình biển nghĩa sông” của ông được nhóm tái bản và coi như tác phẩm đầu tay của nhóm. Về sau, trong tuyển tập truyện ngắn “Những trái tim hồng” của Hướng Dương, Hoàng Thoại Châu còn đóng góp truyện “Chuẩn bị cho con”.

Nhắc tới Hướng Dương trong phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam đầu thập niên 1970, người ta không thể quên vụ án văn nghệ nổi tiếng mang tên “Quán Mù U”. Ngày 1-1-1974, nhóm Hướng Dương tổ chức buổi đọc thơ, hát cho đồng bào tôi nghe và ra mắt tập truyện “Những trái tim hồng” tại quán cà phê Mù U, quận Tân Bình. Các thành viên cùng nhau hát vang “Dậy mà đi”, “Người mẹ Bàn Cờ”, “Nối vòng tay lớn”… và ngâm những bài thơ yêu nước của Hoàng Thoại Châu, Phan Viên Hoài… Cuộc họp mặt đang hồi sôi nổi thì đột ngột cảnh sát ập tới. Hơn 20 người bị bắt về bốt Nguyễn Văn Cự rồi sang khám Chí Hòa. Sau nhiều ngày đánh đập tra khảo, chúng đày Hoàng Thoại Châu và các sinh viên ra Côn Đảo với tội danh: Phổ biến, tàng trữ, lưu hành ấn loát phẩm và tài liệu có hại đến an ninh quốc gia.

Ở “địa ngục trần gian”, những bài thơ trong ngục ra đời như lời ca của một niềm tin bất diệt. Vào tù anh thấy rõ chưa anh/ Uất hận, gian lao đã xây thành/ Chúng nó hơn bầy lang sói đói/ Nên mình chưa hết chuyện đấu tranh.../ Hò hẹn một ngày sẽ không xa/ Mình ôm nhau giữa phố cờ hoa/ Cho thơ cao vút tình dân tộc/ Cho Bắc - Trung - Nam dựng lại nhà. 

Nói về thơ mình, Ba Thợ Tiện cười hề hề, ông bảo, không chủ trương lập thân với chữ nghĩa mà coi đó là phương tiện để đấu tranh đòi hòa bình, độc lập, cơm áo và xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Ấy vậy mà tác phẩm của ông đã xuất hiện trong bộ sách “Thi ca bình dân Việt Nam” (NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1970) với bài thơ “Cây đa còn đứng đầu đình” đậm chất ca dao.

Sau giải phóng, Hoàng Thoại Châu tạm gác lại dấu thơ để dấn thân vào nghiệp báo cùng thể loại tạp văn châm biếm. Bút danh Ba Thợ Tiện ra đời. Ông là một trong những người đầu tiên góp phần làm nên tên tuổi tờ Tuổi Trẻ bây giờ. Sau nhiều năm kiên trì trụ vững với chuyên mục “Nói hay đừng” trên Báo Lao Động Chủ Nhật, ông tiếp tục xuất hiện đều đặn ở các chuyên mục: “Cực chẳng đã”, “Tréo cẳng ngỗng”, “Khe khẽ… khều”, “Chẳng đặng đừng”, “Giữa đường thấy chuyện”, “Nghịch lý”, “Bàn và tán”… của các tờ báo: Thanh niên Thời đại, Nhà báo và Công luận, Lao động - Xã hội, Nông thôn Ngày nay, Làng Cười... Có lẽ trong làng báo nước ta, hiếm ai mà bút danh chỉ gắn liền với một thể loại dài lâu hơn 20 năm và có những thành công như Ba Thợ Tiện. Từ những vần thơ nhẹ nhàng, mộc mạc xưa kia đến những con chữ giễu nhại hóm hỉnh mà sâu cay, có thể nói sự nghiệp cầm bút của ông đã tan trong những trang viết ngời ngời tráng khí. Nhà nghiên cứu văn học Bùi Quang Huy không giấu được cảm xúc khi viết lời giới thiệu bộ tuyển tập tạp văn hơn một nghìn trang “Viết từ hồi ấy” của Ba Thợ Tiện vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành: “Cái nhiệt tình công dân, tấm lòng yêu thương tha thiết đối với đồng bào ruột thịt khiến Ba Thợ Tiện cực chẳng đã phải nói về những nghịch lý, những chuyện tréo cẳng ngỗng, những chuyện chẳng đặng đừng”.

Bài và ảnh: HẠNH TRANG