QĐND - Thư viện Quốc gia Việt Nam hiện đang lưu giữ tờ báo Thống Nhất số 273, ra ngày 30-11-1974, đăng bài thơ “Bài ca biển xanh” của tác giả Đỗ Hoàng với lời đề: "Kính tặng liệt sĩ miền Nam Tô Bá Bồng” và lời chú: “Đồng chí Tô Bá Bồng quê ở Thái Thụy (Thái Bình), Đoàn bộ binh Sông Hồng, hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ trong chiến dịch lịch sử 1972”. 44 năm đã trôi qua kể từ lúc ra đời, bài thơ vẫn sống trong lòng những người lính thông tin của Sư đoàn 308 trực tiếp có mặt trong “Mùa hè đỏ lửa” ấy...
 |
Bài thơ Bài ca biển xanh trên Báo Thống Nhất. |
Tháng 5-1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Bên dòng suối La La, Sư đoàn 308 tiến hành chỉnh quân, bước vào giai đoạn mới, cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng: Bảo vệ vùng giải phóng, bẻ gãy các đợt phản công của quân Mỹ, ngụy và Nam Hàn, đồng thời chỉ huy các đơn vị xốc tới giải phóng Thừa Thiên-Huế. Tiểu đoàn 18 thông tin, trong vai trò “tai mắt” của chỉ huy sư đoàn, phát huy thành tích đạt được trong giai đoạn đầu của chiến dịch, vượt qua rất nhiều gian nguy, thử thách, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…
Lần hành quân vượt sông Nhùng vào địa phận bắc Thừa Thiên-Huế, Tiểu đoàn 18 bị pháo giặc từ biển bắn trúng đội hình... Một quả đạn dập xuống vị trí tổ đài 2W thuộc Trung đội 3, Đại đội 2. Trưởng đài Tô Bá Bồng bị mảnh pháo địch phạt ngang đầu. Chỗ đó rất hẻo lánh trong rừng sâu. Để có địa hình, địa vật phù hợp với việc cất giữ an toàn thi hài và thuận tiện cho tìm kiếm, cất bốc sau này, theo lệnh của tiểu đoàn, đồng đội đã thay nhau khiêng anh Bồng gần 5 tiếng đồng hồ tới nơi được chọn để chôn cất… Mộ anh nằm bên những khóm cây xanh ở lưng chừng bờ một con suối cạn, hướng ra phía biển, được đồng đội đào đắp và vẽ lại sơ đồ rất cẩn thận. Vậy mà, hai tuần sau, đạn pháo địch cày xới tan hoang khu vực ấy, cây cối thành tro xám ngoét lẫn lộn giữa đất đá đỏ quạch!…
 |
Tác giả bài thơ (bên phải) và cựu chiến binh Nguyễn Danh Chỉnh - một trong những người trực tiếp chôn cất liệt sĩ Tô Bá Bồng tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. |
Lúc anh Bồng hy sinh, chiến sĩ Đỗ Đình Hãng (sinh năm 1950, quê Yên Mỹ, Hưng Yên, nhập ngũ tháng 9-1971 khi đang là sinh viên Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được bổ sung vào một tổ đài 2W cùng trung đội với anh Bồng những ngày chuẩn bị tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị), chỉ cách anh Bồng vài bước chân…
Bài ca biển xanh
(Kính tặng liệt sĩ miền Nam Tô Bá Bồng)
Mộ anh nằm trên đồi cao mây bay
Sóng biển dưới chân thì thầm nước vỗ
Những cồn cát dài xa trắng gió
Mắt anh nhìn về hướng mặt trời lên...
Anh có nghe chúng tôi hành quân
đi vào trong ấy;
Những đêm biển trở mùa, nước dậy
Sóng ngoạm bờ cát vỗ mênh mông
Anh thấy không vẫn mái tôn xưa
Rào gai chẳng còn giăng ngăn cách
Mùa lại nên, vàng bông lúa gặt
Xóm thôn nô nức trẻ đùa
Anh thấy chưa vẫn mảnh đất xưa
Bớt tiếng súng chim bắt đầu tiếng hát
Chưa có những con thuyền ra khơi bát ngát
Nhưng đã nghe trong nước mái chèo khua
Chiến dịch dài, đi suốt mùa mưa
Anh có nghe bốn bề tiếng súng
Trong con nước triều lên biển động
Tiếng sóng vỗ bờ hay tiếng thét xung phong…
*
* *
Quê hương anh cũng xanh thẫm biển xanh
Tấp nập con thuyền ra khơi đánh cá
Những ô muối ven bờ trắng xóa
Tối đỏ đèn giữa biển câu đêm
Biển quê anh giàu cá thu, cá chim
Sáng đi học, chiều say đi biển
Nằm tắm nắng bắt con sò, con hến
Bơi thuyền đùa trong sóng biển xanh
Nhớ rặng dừa sai trĩu quả quê anh
Cô gái làng chài nhanh tay vá lưới
Nhớ bãi cát chiều về ai đợi
Chị nấu canh cua, càng để phần em
Nhớ bóng cha trên biển thâu đêm
Thao thức chờ nước lên kéo cá
Nhớ người mẹ run tay sờ miếng vá
Trên áo con chưa bạc đã sờn vai
Biển xanh ơi có nhớ tháng ngày
Nước xô ngập để dấu chân bờ cát
Chiều nặng cá thuyền về tiếng hát
Sẽ có anh là sóng vỗ đẩy thuyền đi…
*
* *
Mộ anh nằm trên đồi cao… Hai quê
Một quê biển nuôi anh khôn lớn
Một quê biển đỡ anh nằm, đầu gối lên bờ cát
Mắt vẫn nhìn theo hướng xung phong
Anh vẫn cùng chúng tôi đi ghi tiếp những chiến công
Nghe gió quê hương tràn về trong ngàn con sóng đỏ
Sóng của lòng chúng tôi hôm nay, là con sóng lửa:
Đi lên tiếng gọi trả thù!
Anh hãy yên lòng nghe sóng biển quê ru…
ĐỖ HOÀNG
1972
|
Cựu chiến binh Đỗ Đình Hãng kể: “Lúc ấy, cả tiểu đoàn chìm trong các đợt pháo kích của địch. Nhiều đồng đội bị thương. Tô Bá Bồng đang đeo cả máy 2W và súng AK, bị trúng mảnh pháo của địch… Hình ảnh ấy theo tôi suốt chặng đường hành quân. Sự mất mát, xót thương ám ảnh, nhất là với các chiến sĩ trẻ lần đầu ra trận, nhưng không cản được những bước chân tiến lên phía trước nơi nhiệm vụ đang chờ... Đêm hôm đó, tại nơi tập kết của đơn vị, tôi đã viết những dòng thơ đầu tiên về sự hy sinh của người tổ trưởng thân thương và lời hứa của đồng đội sẽ xốc tới trả thù cho anh. Khoảng giữa tháng 7-1972, bài thơ Bài ca biển xanh kính tặng liệt sĩ Tô Bá Bồng mới hoàn thành, gồm 49 câu được viết ngay trên tờ giấy dùng để ghi điện tác chiến… Đó là nén tâm nhang của đồng đội và tôi nhân lễ giỗ 49 ngày của anh Bồng”.
Bài ca biển xanh trước hết là tình yêu của đồng đội, quê hương, đất nước dành cho liệt sĩ Tô Bá Bồng. Mở đầu là khung cảnh mà đồng đội đã chọn và đặt mộ phần cho anh: “Mộ anh nằm trên đồi cao mây bay/ Sóng biển dưới chân thì thầm nước vỗ/ Những cồn cát dài xa trắng gió/ Mắt anh nhìn về hướng mặt trời lên”. Từ nơi ấy, liệt sĩ có thể thấy làng quê
Quảng Trị những ngày đầu giải phóng: “Vẫn mái tôn xưa/ Rào gai chẳng còn giăng ngăn cách/ Mùa lại nên, vàng bông lúa gặt/ Xóm thôn nô nức trẻ đùa”... và tiếp tục dõi theo bước quân hành cùng “tiếng thét xung phong” diệt địch. Lời thơ tha thiết, vừa tiếc thương cho người nằm xuống không được chứng kiến sắc thái khải hoàn đang hiện dần, vừa như lời hứa biến đau thương thành sức mạnh, quật đòn vào đầu thù, giải phóng quê hương của đồng đội anh.
Đoạn 2 phác họa về quê hương của liệt sĩ-miền đất Thái Thụy, Thái Bình, “cũng xanh thẫm biển xanh” với những kỷ niệm đẹp thời tuổi trẻ: “Nằm tắm nắng bắt con sò, con hến/ Bơi thuyền đùa trong sóng biển xanh/... Nhớ bãi cát chiều về ai đợi/ Chị nấu canh cua, càng để phần em”. Và đặc biệt là bóng người cha thâu đêm: “Thao thức chờ nước lên kéo cá”, bàn tay mẹ “run tay sờ miếng vá/ Trên áo con chưa bạc đã sờn vai”... Tất cả đã nuôi anh khôn lớn, khởi nguồn, tiếp sức cho anh những ngày quân ngũ cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoạn 3 của bài thơ được bắt đầu bằng việc tác giả lấy lại nhịp điệu của khổ thơ mở đầu: “Mộ anh nằm trên đồi cao…” và sử dụng khá hiệu quả phương pháp hình tượng hóa: “Mộ anh nằm trên đồi cao… Hai quê/ Một quê biển nuôi
anh khôn lớn/ Một quê biển đỡ anh nằm, đầu gối lên bờ cát/ Mắt vẫn nhìn theo hướng xung phong”, một lần nữa tạo ra hiệu ứng cảm xúc về chân dung người lính đậm đà và da diết.
Nói về sức cảm hóa của Bài ca biển xanh, thật khó hay hơn đoạn kết của chính nó: “Anh vẫn cùng chúng tôi đi ghi tiếp những chiến công/ Nghe gió quê hương tràn về trong ngàn con sóng đỏ/ Sóng của lòng chúng tôi hôm nay, là con sóng lửa/ Đi lên tiếng gọi trả thù/ Anh hãy yên lòng nghe sóng biển quê ru…”. Lời và ý thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cũng là giá trị tư tưởng của bài thơ.
Bài ca biển xanh-Khúc tiễn biệt đồng đội, đầy yêu thương và đau xót nhưng không hề bi lụy; thấm đậm chất anh hùng ca và có sức cảm hóa cao ở tư tưởng chủ đạo: Nghĩa tình đồng đội, quê hương, đất nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Bài thơ ngay sau khi hoàn thành đã được nhiều chiến sĩ trong Đại đội 2, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 308 chép, đọc tại chiến trường Quảng Trị. Nội dung và nhịp điệu của nó tác động đến tâm hồn các chiến sĩ, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu bền bỉ và kiên cường trong gian khổ, ác liệt. Và, hơn hai năm sau, nó được đăng trên Báo Thống Nhất (số 273, ngày 30-11-1974), góp phần bồi đắp điểm tựa tinh thần cho quân và dân ta trước bối cảnh cả nước chuẩn bị bước vào những trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam.
Chiến sĩ Đỗ Đình Hãng-tác giả bài thơ với bút danh Đỗ Hoàng, sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ra quân, tiếp tục về giảng đường đại học. Ông từng là giảng viên Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện là Phó giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Bài ca biển xanh có trong hành trang của nhiều cựu chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 308 Quân Tiên Phong. Trong các lần gặp mặt truyền thống đơn vị, đồng đội của Trưởng đài 2W Tô Bá Bồng giờ đã “U.70” cả rồi, khi đọc và nghe lại Bài ca biển xanh lòng vẫn rưng rưng; có người không ngăn nổi lệ trào. Nghĩa tình đồng đội giữa chiến trường gian khó nhưng đậm đà, mà Bài ca biển xanh tham gia đề cập, vẫn được tiếp nối, nhân lên trong những lần gặp mặt truyền thống đơn vị hàng chục năm qua.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG