Trước năm 1945, thực dân Pháp dã tâm “dùng người Việt đánh người Việt”, nên sử dụng chiêu bài lập “Xứ Thái tự trị”, “Xứ Nùng tự trị”, “Xứ Mường tự trị” hòng chia rẽ các dân tộc thiểu số với người Kinh để dễ bề đối phó.
Năm 1952, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, cũng một phần nhằm “phá tan mưu đồ lập xứ Thái tự trị của địch” (Hồ Chí Minh). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho ban bố Tám điều mệnh lệnh để cán bộ và chiến sĩ “không phạm đến một cái kim, sợi chỉ của dân”. Khi Chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi, Người đã ký Sắc lệnh số 134-SL, ngày 28-1-1953, thành lập Khu Tây Bắc gồm các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Lai Châu.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu phụ nữ trong dịp Người lên thăm Tây Bắc, tháng 5-1959. |
Ngày 29-4-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 230-SL, quy định việc thành lập Khu tự trị Thái-Mèo. Trong “Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái-Mèo”, Người viết: “Nay do Đảng đề nghị và Chính phủ quyết định lập Khu tự trị Thái-Mèo. Mục đích lập Khu tự trị Thái-Mèo là: Làm cho các dân tộc anh em... mau chóng phát triển kinh tế và văn hóa của mình, để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt... Nó khác hẳn với “xứ Thái tự trị” giả hiệu của địch mà mục đích là để chia rẽ và áp bức các dân tộc”...
Có thể thấy xuyên suốt trong tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ với vùng đất thiêng liêng này là làm sao cho đồng bào các dân tộc được cơm no áo mặc, được học hành để có điều kiện tiến kịp với miền xuôi. Người quan tâm từ những việc lớn đến việc nhỏ, lo cho đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, kinh tế được phát triển, đời sống được cải thiện, sao cho chế độ mới phải khác hẳn với thời thực dân, phong kiến áp bức bóc lột đồng bào.
Năm 1958, Người đi thăm tỉnh Lào Cai. Trong buổi nói chuyện với cán bộ và đại biểu nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai tại sân Tỉnh ủy, ngày 24-9-1958, Bác đã căn dặn: “...đối với đồng bào những dân tộc rất ít người như đồng bào Lô Lô thì các dân tộc đông người hơn càng phải giúp đỡ về mọi mặt... phải làm cho đồng bào no cơm, ấm áo. Muốn no cơm, ấm áo, phải tăng gia sản xuất...; muốn sản xuất được nhiều, phải tổ chức tổ đổi công tốt (không phải tổ chức trên giấy), rồi tiến lên hợp tác xã. Cán bộ phải hướng dẫn đồng bào, đặc biệt là phải bồi dưỡng đồng bào rẻo cao định canh, bảo vệ rừng, làm phân bón, làm ruộng bậc thang, cải tiến kỹ thuật canh tác để sản xuất lương thực cho đủ, cho nhiều; giữ gìn trật tự, trị an tốt thì dân mới an cư lạc nghiệp... phải dựa vào nhân dân để ngăn ngừa bọn làm trái phép. Đối với bọn lầm đường làm phỉ, phải giáo dục, thuyết phục họ, khuyên họ về làm ăn, làm cho họ biết là Chính phủ khoan hồng đối với người biết cải tà quy chính”.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Điện Lào Cai, năm 1958. Ảnh tư liệu |
Đặc biệt, Người chỉ ra rằng cần phải xây dựng thuần phong, mỹ tục: “Các cô, các chú có hiểu thuần phong, mỹ tục không? Vì phong tục cũ, vì hoàn cảnh lạc hậu có nơi còn giữ mê tín, hại vệ sinh, hại sức khỏe và có nơi còn hại đến việc sống còn của dân tộc. Ví như đám ma để xác chết trong nhà lâu, mời thầy cúng về cúng mấy ngày rồi mới đem chôn. Thế là hại vệ sinh.
Cưới hỏi, có nơi bé tí tẹo đã lấy vợ, lấy chồng, làm mâm cỗ thật nhiều. Phải bán trâu, bán ruộng để ăn bừa bãi hai, ba bữa rồi sau hai đứa con phải trả nợ mãi không hết. Thế là không tốt. Phải giáo dục để sửa dần dần các phong tục, tập quán không lành mạnh, phải giải thích để nhân dân tự nguyện, tự giác bỏ phong tục xấu... Có nơi còn uống rượu lu bù, cờ bạc. Đồng bào trên này còn có người hút thuốc phiện, hại đồng bào mà còn hại cả dân tộc”...
Ngày 24-9-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn của Đảng và Chính phủ lên thăm tỉnh Yên Bái. Ngày 25-9-1958, tại sân vận động thị xã Yên Bái, hơn 5.000 cán bộ, nhân dân các dân tộc đã dự mít tinh chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ lên thăm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thân mật nói chuyện và ân cần dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc: “Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ: 10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xòe 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào?... Đó là điểm thứ nhất tại sao phải đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc”.
Năm 1959, nhân dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn của Đảng, Chính phủ lên thăm tỉnh Sơn La. Tại Thuận Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần nói chuyện với đại biểu các dân tộc, trao tặng đồng bào Tây Bắc Huân chương Lao động hạng Nhất và bức trướng của nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng đồng bào Tây Bắc. Ngày hôm sau, khi nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại Yên Châu (Sơn La), Người nói: “Đảng, Chính phủ và Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào châu nhà trong kháng chiến đã tổ chức du kích đánh Tây rất tốt, đã giúp đỡ bộ đội, cán bộ đánh Tây... Bác có mấy lời dặn dò đồng bào như sau: ...Muốn sung sướng hơn phải làm thế nào? Phải sản xuất cho tốt. Ví dụ: Khi trước cấy 1 mẫu được 100 gánh, bây giờ đồng bào phải cố được 150, 200 gánh. Muốn như thế phải làm thế nào? Phải cải tiến kỹ thuật... Đồng bào phải tổ chức nhau lại làm tổ đổi công, hợp tác xã cho tốt, làm mương phai tốt để có nhiều nước làm được hai mùa… Người ta chỉ uống nước thôi mà không ăn cơm có sống được không? Lúa chỉ có nước, không có ăn cũng không tốt. Ngô, lúa, khoai, sắn, mía nó ăn gì? Nó ăn phân. Lúa ăn phân nhiều lúa càng tốt... Bác đã đi qua thấy phụ nữ lấy cây tre chọc đất để giồng lúa nương. Như thế rất tốn công mà không tốt. Muốn cho lúa, ngô, khoai, sắn tốt, phải cày sâu bừa kỹ”. Người còn dặn dò đồng bào về bảo vệ rừng, xóa nạn mù chữ… mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị: “…Hợp tác xã là phải tự nguyện, nghĩa là tuyên truyền giải thích ai muốn vào thì vào, không phải nắm cổ kéo người ta vào... Một điều nữa, Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông… Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả”...
Với tầm nhìn xa trông rộng, Người đã thấy được vai trò của nhân dân các dân tộc nơi đây, do vậy mà phải có chính sách dân tộc một cách hợp lý, Người căn dặn cán bộ và bộ đội: “Các chú và bộ đội phải... tranh thủ nhân dân để phá tan âm mưu của địch “lấy người Việt hại người Việt”... Các chú phải làm thế nào khi mình đến thì đồng bào hoan nghênh, khi đóng quân thì đồng bào vui vẻ giúp đỡ, khi mình đi thì đồng bào quyến luyến”.
Tình cảm và những lời chỉ dẫn ân cần của Bác vẫn luôn sống động trong hành trình phát triển đi lên của đồng bào các dân tộc Tây Bắc hôm nay...
NGUYỄN VĂN BIỂU