Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng bên dòng sông ấy, về phía thượng nguồn. Thuở nhỏ, tôi và bạn bè phải đội mũ rơm, men theo đường hào giao thông đến trường để tránh tàu bay Mỹ. Tuổi thơ tôi có biết bao kỷ niệm về con sông quê. Nhưng tôi nhớ nhất là hồi đó, hễ có lũ là bố con tôi và các cô chú dân quân trong làng lại được lệnh đi đẩy hàng ngoài sông. Hàng là những thùng phuy các cỡ và những bao ni-lông màu xanh, to như cái bàn học trò trôi về cùng những khúc gỗ và củi rều. Tôi nghe người lớn nói đó là gạo, thịt hộp, lương khô và xăng dầu chi viện cho chiến trường miền Nam. Hồi đó quê tôi nghèo đói lắm, thiếu từ bơ gạo đến giọt dầu, nhưng không ai dám đụng vào hàng của chiến trường trôi ngoài sông. Nhỡ có thùng phuy hay bao hàng nào dạt vào bờ, vướng phải lùm cây, mô đá không trôi được, ai trông thấy đều tự giác đẩy hàng ra giữa dòng cho nó tiếp tục trôi xuôi. Ấy là ban ngày. Còn ban đêm thì có các tiểu đội dân quân chèo thuyền đến các lùm cây, hốc đá để đẩy hàng. Tất cả các làng hai bên bờ sông đều làm như thế.

leftcenterrightdel
Một cây cầu bắc qua sông Gianh.  

Một lần, tôi hỏi bố: “Cứ đẩy mãi, nó trôi ra biển mất. Mần răng vô chiến trường được?”. Bố tôi bảo: “Về cảng Gianh, người ta vớt lên chở bằng ô tô đi tiếp con ạ!”. Tôi lại tò mò hỏi cảng Gianh ở đâu thì được bố cho biết là cảng Gianh ở Thanh Khê, vùng hạ bạn. “Hạ bạn” là cách gọi của người dân quê tôi để chỉ miền duyên hải, là vùng hạ nguồn sông. Còn Thanh Khê là địa danh ở đâu dưới miền hạ bạn thì tôi chưa biết, bởi suốt tuổi thơ tôi chỉ quanh quẩn trong làng. Tốt nghiệp phổ thông, tôi học sư phạm, rồi đi bộ đội khi cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới nổ ra, từ đó gắn bó suốt đời với binh nghiệp. Năm 1999, kỷ niệm 40 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, tôi tìm gặp Thiếu tướng Võ Bẩm lúc đó đang nghỉ hưu ở Hà Nội. Ông là người trực tiếp đi xoi tuyến mở đường Trường Sơn huyền thoại và là chỉ huy đầu tiên của Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn giai đoạn 1959-1965. Ông cũng là người được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến vận tải đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong câu chuyện khá cởi mở hôm đó, khi biết tôi quê ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, vị lão tướng hào hứng nói: “Tuyên Hóa có dòng sông Gianh cũng là một tuyến vận tải phía Đông Trường Sơn. Đặc biệt, có cảng Gianh là nơi phát tích của tuyến đường mòn trên biển và Đoàn tàu không số...”. Tôi thắc mắc: “Thưa thủ trưởng, lâu nay sách báo vẫn nói rằng bến K15 ở Đồ Sơn (Hải Phòng) là nơi xuất phát của Đoàn tàu không số?”. Thiếu tướng Võ Bẩm chậm rãi giải thích: Bến K15 là một trong những điểm xuất phát của Đoàn Vận tải biển 759, sau này là Đoàn 125 (tiền thân của Lữ đoàn 125 hải quân ngày nay), được thành lập ngày 23-10-1961, về sau trở thành Ngày truyền thống của Đoàn tàu không số.

Nhưng trước đó, vào tháng 7-1959, Bộ Quốc phòng đã thành lập một tiểu đoàn vận tải biển mang phiên hiệu 603, có mật danh là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, đóng tại cảng Gianh của tỉnh Quảng Bình. Đơn vị này có nhiệm vụ chuẩn bị phương tiện và tập kết hàng hóa để tổ chức những chuyến vận tải bằng đường biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Chuyến hàng đầu tiên xuất phát đầu năm 1960, nhưng bị lộ, anh em phải hủy hàng trước khi bị địch bắt. Sau thất bại ấy, cấp trên giải thể Tiểu đoàn 603 để thành lập Đoàn 759 tại Đồ Sơn. Đặt phiên hiệu ấy là để ghi nhớ mốc thời gian thành lập “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” vào tháng 7-1959. Cho nên nói rằng cảng Gianh là nơi “phát tích” của Đoàn tàu không số là vì thế...

leftcenterrightdel
Vợ chồng cụ Nguyễn Cước. Ảnh: BÙI TUYÊN 

Kể từ lần may mắn được hỏi chuyện Thiếu tướng Võ Bẩm đến nay, địa danh cảng Gianh-Thanh Khê đã trở nên thân thiết với tôi sau nhiều lần về tham quan, tìm hiểu. Làng Thanh Khê nằm bên Quốc lộ 1A, cách cầu Gianh chừng 5km về phía Nam, thuộc xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày 5-8-1964, Thanh Khê là một trong những mục tiêu đầu tiên bị không quân Mỹ ném bom để mở đầu cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Từ đó đến khi kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai vào đầu năm 1973, cảng Gianh-Thanh Khê luôn là mục tiêu hủy diệt của máy bay và pháo hạm Mỹ, bởi nơi đây có một quân cảng tiền đồn của miền Bắc và là đầu mối giao thông trọng yếu cả đường biển, đường sông và đường bộ. Quân và dân Thanh Khê-Thanh Trạch kiên cường bám biển, bám làng, vừa sản xuất vừa chiến đấu, được tôn vinh là “Lũy thép Nam Gianh”, là “Cồn Cỏ của Quảng Bình”. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Thanh Trạch được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Xã còn có 3 người con được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là: Nguyễn Tri Phương, Trưởng Công an xã; Nguyễn Hữu Ngoãn, bộ đội địa phương và chị Trương Thị Diên là nữ y tá của Trạm xá xã...

Đầu tháng 8-2024 vừa qua, tôi trở lại Thanh Khê, đến thăm cụ Nguyễn Cước nhân dịp mừng thọ 90 tuổi của cụ. Tháng 7-1959, khi thành lập Tiểu đoàn vận tải đặc biệt mang mật danh “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, để bảo đảm bí mật, “Tập đoàn” cũng có một bộ máy hành chính dân sự như các doanh nghiệp thời đó và cụ Nguyễn Cước được cử làm Thư ký của “Tập đoàn”, tương tự như nhân viên kế toán-tài vụ trong các doanh nghiệp hiện nay. Sau khi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” giải thể, cụ được chuyển sang làm Kế toán trưởng, rồi Chủ nhiệm Hợp tác xã nông-ngư nghiệp của xã Thanh Trạch. Cụ là nhân chứng lịch sử của Thanh Khê-Thanh Trạch những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mặc dù đã ở vào tuổi thượng thọ cửu tuần nhưng cụ Nguyễn Cước vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn như những lần tôi đến thăm và hỏi chuyện trước đây. Cụ bà (kém cụ ông 2 tuổi) cũng vậy. Mặc dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng hai cụ vẫn nhớ như in các sự kiện bi tráng và hào hùng của xã nhà những năm tháng ấy. Chuyện “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” phải chở gỗ ra tận Nghi Lộc (Nghệ An), phối hợp với thợ ngoài đó đóng thuyền hai đáy để giữ bí mật. Chuyện chuyến tàu đầu tiên xuất phát đêm 27-1-1960 chở hàng vào Quảng Nam nhưng đi mãi không quay về. Chuyện 4 lần dân quân xã phối hợp với Đồn Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) vây bắt biệt kích và người nhái năm 1964. Chuyện trong chiến dịch vận tải VT5, xã Thanh Trạch có 5 thanh niên tiêu biểu được kết nạp Đoàn ngay trên cầu cảng. Chuyện ngày 15-1-1973, Chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng mọi hoạt động quân sự bao gồm ném bom, bắn trọng pháo và thả mìn ở miền Bắc Việt Nam, vậy mà trước đó hai ngày (ngày 13-1-1973), máy bay Mỹ còn mở một trận tập kích vào xã Thanh Trạch, giết hại 156 công nhân cảng Gianh, thanh niên xung phong và nhân dân địa phương...

Cảng Gianh-Thanh Khê-Thanh Trạch hôm nay đang từng bước “thay da đổi thịt”, trở thành một thị tứ sầm uất ở phía Bắc của huyện Bố Trạch. Trong đó, làng Thanh Khê có diện tích và dân số lớn nhất xã, là trung tâm kinh tế và văn hóa của cả vùng Nam sông Gianh, với mức thu nhập hằng năm bình quân mỗi người đạt 72 triệu đồng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới những năm gần đây, nhân dân Thanh Khê đã tự nguyện đóng góp công sức, hiến đất, hiến tài sản... để xây dựng Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, xây dựng các tuyến đường nội thôn và hệ thống điện chiếu sáng, để làng quê “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Năm 2022, Thanh Khê có trên 88,5% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa và được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận danh hiệu Làng văn hóa kiểu mẫu.

leftcenterrightdel

Bia Di tích lịch sử quốc gia Đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn tại xã Thanh Trạch ghi danh Cảng Gianh. 

Chia tay cụ Nguyễn Cước, nguyên cán bộ xã Thanh Trạch, nhân chứng lịch sử của xã nhà từ giữa thế kỷ trước đến hôm nay, chúng tôi thành tâm kính chúc cụ vui khỏe, mẫn tiệp, trường thọ... để lần sau trở lại vẫn tiếp tục được nghe cụ “ôn cố tri tân”, chia sẻ niềm vui, niềm tự hào về mảnh đất cảng Gianh-Thanh Khê anh hùng và giàu đẹp.

MAI NAM THẮNG