Chăm lo cho đồng đội

Chúng tôi được đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch giới thiệu về bà Nguyễn Thị Kim Chung, Chủ tịch Hội Cựu TNXP của phường. Bà là người hoạt động xã hội tích cực, là chỗ dựa tinh thần, luôn chăm lo chu đáo tới đời sống của các cựu TNXP. Tinh thần tự nguyện, hết lòng của bà đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn quan tâm hơn đến các đối tượng chính sách, người có công.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung sinh ra trong một gia đình ở phố Đê La Thành, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Năm 18 tuổi, Kim Chung hăng hái tham gia lực lượng TNXP tình nguyện Tháng 8 Thủ đô. Sau đó, bà được phân công về đội TNXP Cúc Phương ở Ninh Bình với nhiệm vụ mở đường phục vụ giao thông thông suốt. Những cô gái, chàng trai Hà Nội khi ấy tràn trề sức trẻ và quyết tâm. Dù chưa từng làm việc nặng nhưng khi phải phát cây mở đường hay đào hào, làm hầm dưới mưa bom của địch, họ chẳng hề run sợ. Cô gái Kim Chung xinh xắn, hát hay, múa giỏi được phân vào nhóm làm bích báo, tham gia văn hóa-văn nghệ ở đơn vị. Bà làm thơ, hăng say tập múa và véo von các bài ca cổ vũ anh chị em hăng say lao động.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Kim Chung. Ảnh: KHÁNH AN

Giữa đạn bom ác liệt không làm bà bị sây sát, vậy mà khi được cử về học ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, một mảnh bom bi ác nghiệt lại làm bà bị thương, phải nằm viện suốt nửa năm trời. Bà kể, năm 1967 được cử đi học trung cấp cơ khí về vẽ kỹ thuật. Trong một lần lên lớp, bà cùng hai người bạn học không may trúng bom bi của địch. Một người bị vào thái dương không qua khỏi, một người bị vào phổi nhưng may mắn được cứu sống. Còn bà, mảnh bom bi hiện vẫn nằm lại trong đùi. Bà được bác sĩ khuyên “sống chung” với nó cả đời bởi nếu phẫu thuật sẽ vô cùng phức tạp và ảnh hưởng đến các dây thần kinh quan trọng.

Nhiều năm qua, bà Kim Chung là thành viên và tích cực tham gia nhiều hoạt động của các Hội: Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Trúc Bạch và luôn tận tâm, trách nhiệm trong việc hỗ trợ các hội viên Hội Cựu TNXP của phường. Bà Kim Chung khiêm tốn nói rằng công việc “cũng không có gì nhiều”, chỉ là chăm lo, thăm hỏi chu đáo các hội viên đều đã cao tuổi (người trẻ nhất cũng đã 74 tuổi) mỗi khi đau ốm hay vào các dịp lễ, tết. Bà không quản ngại vất vả khi hằng ngày đạp xe đến tận nhà các hội viên. Đằng sau chiếc xe đạp của bà sẽ có thêm vài cân gạo, lúc là chai dầu ăn, gói mì chính và đôi khi có cả tiền túi bà bỏ ra để hỗ trợ thêm vào phần quà thăm hỏi. Nhưng điều bà Kim Chung luôn đau đáu là hiện trong 27 hội viên Hội Cựu TNXP của phường thì có đến 16 người không có lương hưu hay thu nhập gì khác nên đời sống rất bấp bênh.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Kim Chung (ngoài cùng, bên phải) trong lần đi thiện nguyện tại chùa Thiên Hương (Mỹ Hào, Hưng Yên), tháng 9-2024.

Như trường hợp cựu TNXP Chu Thị Nhâm ở phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch. Bà Nhâm đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho đất nước, nhưng đến khi hòa bình lại thành ra “quá lứa lỡ thì”. Giờ đây, ở tuổi 75, bà Nhâm sống một mình, không con cái, không có lương hưu, trong căn phòng nhỏ hẹp kê được đúng chỗ nằm và bếp để nấu ăn. Khi biết được hoàn cảnh của bà Nhâm, bà Chung và các cấp hội đã tiến hành những thủ tục cần thiết để làm chế độ phụ cấp người neo đơn cho bà Nhâm vơi bớt khó khăn. Bà Kim Chung kể: “Bà Nhâm mới được đặt stent mạch vành năm ngoái nên sức khỏe còn yếu. Dịp ấy, cũng may có các mạnh thường quân hỗ trợ gần 100 triệu đồng mà bà ấy đã yên tâm lên bàn mổ”. Được bà Chung nhiệt tình vận động, ngoài số tiền hỗ trợ đặt stent, bà Nhâm cũng được một nhà hảo tâm tặng sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung sinh năm 1945. Vì sinh nhật vào tháng 4 nên bà bảo nay bà đã bước sang tuổi 80 rồi. Nhưng bà chưa thấy mình già bởi lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết với công tác hội và cảm thấy thiếu thời gian để quan tâm, chăm lo đến các hội viên.

Tấm lòng với trẻ em thiếu may mắn

Bà Kim Chung chia sẻ, giữa những người thiếu may mắn trong xã hội, ngoài người già neo đơn thì trẻ em khuyết tật, mồ côi là đối tượng mà bà luôn mong muốn được giúp đỡ. Mới đây, cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Trúc Bạch, bà có chuyến đi thiện nguyện tại chùa Thiên Hương (Mỹ Hào, Hưng Yên). Nơi đây, những năm qua, nhiều trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa đã được nhà chùa phát tâm nuôi dưỡng, che chở. “Chúng tôi muốn dành chút ít tấm lòng để chia sẻ với các cháu. Mong các cháu vơi bớt nỗi đau và tin rằng xã hội không bỏ rơi mình”, bà Chung tâm sự.

leftcenterrightdel

 Bà Nguyễn Thị Kim Chung (thứ ba, từ trái sang) cùng nhóm trẻ tham dự Liên hoan giao lưu cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhiều năm nay, bà tự nguyện đến dạy múa miễn phí cho trẻ em ở Trung tâm Phúc Tuệ (thuộc Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội). Nói về việc làm này, bà cho biết: “Ngày xưa, vì vết thương ở đùi mà tôi đến với múa. Tôi không học ở một trường lớp chính quy nào nhưng may mắn được nhiều thầy dạy chuyên nghiệp và tâm huyết hỗ trợ, truyền nghề. Chính âm nhạc và những động tác hình thể đã khiến tôi quên đi đau đớn để tiếp tục học tập, công tác. Sau này, khi tham gia các hoạt động ở phường, tôi có điều kiện dàn dựng và sáng tác các điệu múa để mọi người biểu diễn. Tôi nghĩ, trẻ em khuyết tật cũng có thể quên đi những khuyết thiếu của mình khi đến với bộ môn này”.

Nghĩ vậy, bà Chung không quản ngại vất vả khi dành thời gian đến với các em. Bà kể, với trẻ em mắc bệnh về trí não, ban đầu hướng dẫn các em tập luyện rất khó khăn, khi bà nói gì, làm động tác nào, các em cũng chỉ cười ngây ngô, không hiểu. Nhưng bà không nản chí. Mỗi ngày, bằng giọng nói nhỏ nhẹ, cử chỉ thân thiện, bà hướng dẫn các em vào đội hình, luyện tập từng động tác tay, chân. “Mưa dầm thấm lâu”, tấm lòng nhân hậu của bà Chung đã chạm tới tâm hồn các em. Từ chỗ chống đối, các em dần hợp tác và nhớ “bà giáo” của mình. Chẳng biết từ khi nào, mỗi khi bà đến lớp, các em đã biết hô to: “Bà Chung đến rồi”. Còn bà, vừa chia bánh trái cho các em vừa tươi cười: “Múa theo điệu của bà nhé!”.

Chúng tôi hỏi bà lấy đâu thời gian và sức lực để hoạt động say mê trên nhiều lĩnh vực như thế. Bà Kim Chung mỉm cười chia sẻ: “Chỉ cần cái tâm thôi các cháu ạ. Khi mình dành tâm huyết cho đời thì đời sẽ trả lại mình bằng những “trái ngọt”. Tôi sẽ hoạt động vì cộng đồng đến lúc nào sức mòn, gối mỏi, không thể đến với mọi người được nữa!”.

PHẠM THU THỦY