Tháng 5-1972, sau khi học hết năm thứ hai Trường Đại học Xây dựng, Lê Xuân Tường nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 bộ binh. Trong thời gian bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Trung đoàn 101 chiến đấu ở khu vực phía Đông Bắc, Lê Xuân Tường chiến đấu rất dũng cảm. Tường đã cùng đồng đội đi qua nhiều trận đánh ở An Tiêm, chợ Sãi, đồi Chè, cửa sông Vĩnh Định chảy ra dòng Thạch Hãn.

Một đêm giữa tháng 9-1972, trong một trận đánh, Tường bị thương vào tay, chân và thân người bởi một quả đạn M79 của địch. Khi tỉnh lại thì xung quanh chẳng còn ai. Lần mò bò qua các hầm chốt của địch, gần sáng mới về đến vị trí của ta, nhưng suýt nữa bị bắt vì quân ta thấy anh đeo cặp kính, nghĩ là chỉ có thám báo mới thế. May có người chỉ huy đại đội của anh cũng đang bị thương nằm ở hầm gần đó xác nhận nên Tường mới được cứu chữa kịp thời. Sau đó, anh được chuyển ra Bắc điều trị vết thương và an dưỡng ở Đông Anh, Hà Nội. Hơn 4 tháng sau, ngày 27-1-1973, Lê Xuân Tường lại lên đường trở lại đơn vị, lúc này đang đóng quân ở Quảng Trị.

Sau Tết Ất Mão 1975, thương binh Lê Xuân Tường xuất ngũ với 3 tấm Huân chương Chiến công hạng Ba. Trở lại với sách đèn còn bỏ dở, Lê Xuân Tường không học tiếp Trường Đại học Xây dựng mà thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Tiếng Pháp. Sau khi ra trường, anh sang Campuchia 4 năm làm chuyên gia giúp bạn. Về nước, Lê Xuân Tường chuyển sang công tác ở ngành ngân hàng cho tới lúc nghỉ hưu.

Cuộc đời của Lê Xuân Tường kể cả khi khoác áo lính cho đến những ngày làm dân thường sau này giống với rất nhiều đồng đội khác. Nhưng tấm lòng nặng nghĩa tình đồng đội và bè bạn của anh mới là điều làm chúng tôi trân trọng, mến phục.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Lê Xuân Tường (bên trái) trong một lần dự giao lưu với thế hệ trẻ. Ảnh do tác giả cung cấp

Khi cuộc sống tương đối ổn định, có điều kiện ít nhiều, việc làm đầu tiên của Lê Xuân Tường là tìm cách liên lạc và về thăm các gia đình đồng đội cùng đơn vị đã hy sinh ở Quảng Trị. Sau đó, anh liên tục tổ chức các đoàn cựu chiến binh vào Quảng Trị, tìm đến các nghĩa trang, những nơi xảy ra chiến sự năm xưa hỏi người dân sở tại để tìm tin tức về nơi chôn cất đồng đội. Anh tham gia giúp nhiều gia đình đưa được hài cốt đồng đội về quê. Điển hình như trường hợp cùng gia đình tìm và đưa được hài cốt liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, chiến sĩ công binh của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 về quê vào năm 2002. Huỳnh là tác giả của “Bức thư gửi từ lòng đất”-một câu chuyện xúc động về người liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị, hiện nay bức thư là hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Kể từ ấy, năm nào Lê Xuân Tường cũng tổ chức một đoàn cựu chiến binh vào thăm Quảng Trị, đa phần là lính sinh viên. Năm 2012, tôi cũng được đi cùng đoàn với Lê Xuân Tường. Chúng tôi vào thắp hương tại Thành cổ Quảng Trị, thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn rồi đến thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và 9 nghĩa trang liệt sĩ dọc theo sông Thạch Hãn suốt từ thành cổ tới cảng Cửa Việt.

Ngoài ra, Lê Xuân Tường còn tham gia nhiều hoạt động tri ân đồng đội. Anh tham gia Quỹ (nay là Câu lạc bộ) “Mãi mãi tuổi hai mươi” ngay từ khi vừa thành lập. Nhiều lần anh cùng các thành viên của quỹ đến các địa phương trên cả nước trao quà tặng các cá nhân, tập thể, là những tài năng trẻ có hoài bão, nghị lực, ý chí, khát vọng vươn lên, mà tấm gương phấn đấu và những cống hiến của họ góp phần tô đậm dấu ấn của một thế hệ thanh niên thời kỳ đổi mới, đã “viết tiếp hành trình tuổi hai mươi” của lớp cha anh.

Năm 2010, Lê Xuân Tường nêu sáng kiến thành lập “Câu lạc bộ lính sinh viên”, định ra nơi tập trung sinh hoạt vào một ngày xác định tại 19C Ngọc Hà, Hà Nội và nhận mình chỉ là “mõ” dù chúng tôi luôn coi anh là hội trưởng. Những người lính sinh viên năm xưa tham gia sinh hoạt ở đây rất đông. Có những người rất thành đạt trên nhiều lĩnh vực, đã là “người của công chúng” như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà báo Phùng Huy Thịnh... Nhưng khi tới đây, tất cả đều là “lính sinh viên”. Chúng tôi cùng ôn chuyện cũ và hỏi thăm hoàn cảnh của nhau để giúp đỡ trong phạm vi có thể.

Hoạt động của câu lạc bộ đã giúp nhiều người mạnh dạn viết hồi ức, viết truyện và in sách. Có những người trở thành nhà văn như Nguyễn Trọng Luân, tôi-Vũ Công Chiến... Bản thân Lê Xuân Tường cũng viết cuốn “Ký ức một thời hoa lửa”. Tuy không xuất bản nhưng cũng sao chép ra tới vài trăm bản tặng bạn bè. Nhiều lần, Lê Xuân Tường cũng xuất hiện trên truyền hình trong các chương trình kỷ niệm về Quảng Trị, nghiêm trang trong bộ quân phục cùng những tấm huân chương lấp lánh!

VŨ CÔNG CHIẾN