Năm 1971, 18 tuổi, Nguyễn Thị Lượng tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc, huấn luyện xong thì được lệnh đi chiến trường B. Bao năm chỉ quen với việc đồng áng, cô thôn nữ sinh ra ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) chưa thể hình dung ra những vất vả phải vượt qua trên đường hành quân. Sau khi tàu dừng ở ga Vinh (Nghệ An), Lượng và đồng đội phải hành quân bộ, đội mưa gió mà đi. Đáng sợ nhất là những đàn vắt đeo bám bất cứ chỗ hở nào và bu kín trên người mỗi lần cô dựng ba lô ngồi ngủ tạm ở một trạm giao liên hay trạm khách nào đó. Đã vậy, giữa đường cô bạn đồng hương tên Gái lại bị quật ngã ngay từ cơn sốt rét đầu tiên ở Trường Sơn. Đeo thêm ba lô của bạn trước bụng, Lượng cùng đồng đội thay nhau khiêng cáng, nhưng đến Trạm giao liên 5 thì buộc phải để Gái ở lại.

Vào Trường Sơn, Nguyễn Thị Lượng được biên chế vào Binh trạm 33, sau đó được chuyển về Trung đoàn 30 (Sư đoàn 472, Bộ tư lệnh Trường Sơn) để đi học y tá. Kết thúc khóa học, cô được phân công về Trạm phẫu 5, nơi cấp cứu ban đầu cho thương, bệnh binh trước khi về tuyến sau. Sau một thời gian thì về trạm xá của Trung đoàn 30.

6 tháng học y tá chưa được thực hành nhiều, thế nên lần đầu phụ mổ, thấy máu chảy từ vết thương trên ngực người thương binh được gắp đạn ra, cô bị “say máu”. Khi hồi tỉnh, không thể tiếp tục ca mổ, cô đành phải đi ra ngoài. Nhưng rồi trước sự động viên của đồng đội, Lượng đã dần lấy lại bình tĩnh để thức suốt đêm hôm đó đứng phụ mổ cho y sĩ Vũ Quang Thái, Trạm trưởng. Dần quen với công việc, Lượng thấy gắn bó và không từ nan trước bất cứ công việc gì...

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Lượng (thứ hai, từ phải sang) và đồng đội. Ảnh: THỦY TIÊN

Trung đoàn 30 của cô là đơn vị công binh nên thường xuyên phải di chuyển theo khu vực đảm nhiệm. Do đó trạm xá cũng phải di chuyển theo. Mỗi lần đến một nơi mới, Lượng và đồng đội lại lao vào dựng lán, làm hầm. Cô cũng cố gắng trồng rau, nuôi gà để có nguồn thức ăn bổ sung vào bữa cơm cho thương, bệnh binh. Vào mùa mưa, y tá Nguyễn Thị Lượng cũng không ngại cùng đi kéo đất, mở đường với đồng đội. Sự phấn đấu của Nguyễn Thị Lượng đã được tổ chức ghi nhận, cô vinh dự được kết nạp Đảng vào tháng 12-1974.

Hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, tháng 7-1975, Nguyễn Thị Lượng phục viên về quê. Sau đó bà tiếp tục đi học chuyên ngành. Bà trải qua nhiều công việc, rồi về công tác ở Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương, đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Từ những ngày còn công tác, bà đã luôn chú ý quan tâm, chia sẻ với đồng đội những lúc khó khăn, đau yếu. Khi nghỉ hưu, tâm nguyện muốn làm được việc gì để giúp đỡ đồng đội từng chiến đấu một thời ở Trường Sơn càng thôi thúc bà. Từ năm 2011, bà đứng lên vận động thành lập Ban liên lạc chiến sĩ Trường Sơn xã Đức Thượng. Năm 2012 thì tham gia Ban Chấp hành Hội Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh huyện Hoài Đức.

Nhiệt tình với phong trào, bà tích cực đi thăm hỏi, kết nối đồng đội. Không ít lần rớt nước mắt trước những mái nhà tranh vách đất xiêu vẹo, dột nát của đồng đội, bà lại mải mốt đi vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ. Năm 2013, bà đã kết nối để xây dựng được 3 ngôi nhà tình nghĩa tặng đồng đội có hoàn cảnh khó khăn nhất. Bà Lượng trải lòng: “Những tưởng cuộc đời cứ bình lặng trôi, vậy mà năm 2015, các bác sĩ Bệnh viện K chẩn đoán tôi bị ung thư vú khiến tôi rất lo lắng, có thể bao nhiêu việc mình đang làm phải dở dang...”.

Từ năm 2015 đến 2017, bà phải ra vào Bệnh viện K liên tục để chữa bệnh. Do tác dụng phụ của hóa chất, tóc bà rụng hết, sức khỏe suy giảm trông thấy. Nhưng nhờ tinh thần lạc quan, không đầu hàng số phận đã giúp bà chiến thắng bệnh tật một cách thần kỳ. Khi thấy sức khỏe tốt hơn, bà hăng hái trở lại với công việc. Bà Ngô Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn TP Hà Nội cho biết: “Bất cứ việc gì, chị Nguyễn Thị Lượng đều xốc vác, nhiệt tình tham gia. Chị là tấm gương sáng về tinh thần chiến thắng bệnh tật, hết mình vì đồng đội của nữ chiến sĩ Trường Sơn chúng tôi”.

KHÁNH AN