Mấy tháng nay, Binh trạm được giao nhiệm vụ xây dựng tuyến đường ống vượt đỉnh Trường Sơn để kịp phục vụ vận chuyển mùa khô 1969-1970. Ngày 15-8-1969, xăng đã vượt qua đèo 700 vào đến kho K3, cách biên giới 18km. Tuy nhiên, đêm mồng 5, rạng ngày 6-9, B-52 phá hủy hoàn toàn kho K3 và tuyến ống. Suốt hai tháng trời, khu vực Nam đèo 700 đã trở thành túi bom. Mọi ngả đường ta định đặt đường ống đều bị B-52 chà đi xát lại. Hàng trăm người đã ngã xuống. Thêm vào đó, những trận mưa lũ quái ác cắt ngang mọi tuyến đường, bệnh sốt rét mùa mưa làm giảm đáng kể quân số chiến đấu. Đã xuất hiện tư tưởng nản chí, cho rằng không thể đưa được tuyến ống vượt qua “cửa tử” này.

Trước tình hình đó, Binh trạm trưởng Nguyễn Huệ quyết định xuống tận nơi để giải quyết. Tôi là Trợ lý Hậu cần Binh trạm, được đi cùng ông. Ông đến từng đại đội, ăn với lính, nằm hầm với lính. Không ngại B-52 có thể chụp xuống bất cứ lúc nào, ông chống gậy thị sát cả những chỗ còn tán rừng, cả những chỗ đã bị bom đánh tan hoang. Thăm  cán bộ, chiến sĩ bị thương và sốt rét nằm trong những căn hầm chữ A chật hẹp giữa mùa mưa, ông xót xa quay sang tôi: “Đây là nhiệm vụ trọng điểm của Binh trạm, cần trình cho tôi ngay kế hoạch tăng cường bảo đảm hậu cần để bộ đội hoàn thành nhiệm vụ”. Dáng cao lớn, sức khỏe hơn người, ông trèo đèo, lội suối băng băng khiến bọn trẻ chúng tôi vất vả lắm mới theo kịp.

Sau 3 ngày nghiên cứu, ông triệu tập chỉ huy các đơn vị liên quan. Nhìn các cán bộ hốc hác, da xanh tái vì những cơn sốt rét và luôn căng thẳng trong một vùng bời bời bom đạn, ông hiểu rất rõ những lúc thế này, họ cần ở ông sự vững vàng và quyết đoán. Sau khi nghe các cán bộ kỹ thuật và tham mưu trình bày, ông quyết định một giải pháp táo bạo: “Chúng ta sẽ lắp tuyến ống vượt qua đỉnh 911, đỉnh cao nhất trong vùng, là nơi địch không ngờ tới, đồng thời cho bộ binh lùng sục đuổi thám báo địch ra xa để giữ bí mật các hoạt động của ta. Chọn một yên ngựa đã bị đánh, ta dọn dẹp cây cối như đang thi công để đánh lừa địch”.

Kế hoạch đề ra đã được triển khai một cách quyết liệt. Và chúng ta đã chiến thắng. Ngày 22-12-1969, xăng vào đến bản Cọ, cách biên giới Việt-Lào 48km, trong niềm vui vỡ òa của lực lượng bộ đội đường ống. Đích thân Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến chứng kiến dòng xăng từ đường ống ào ào chảy vào bồn chứa. Ông nói: “Từ nay, chúng ta cơ bản khắc phục được tổn thất lớn về xăng dầu do phải sử dụng ô tô chuyển bằng phuy hoặc xe téc. Đây là một bước ngoặt quyết định bảo đảm vận chuyển hàng hóa và cơ động binh chủng kỹ thuật quy mô lớn...”. Thành công này khiến Tư lệnh càng tin tưởng người Binh trạm trưởng tài giỏi và năng nổ.                                 

Tết Canh Tuất 1970, Bộ tư lệnh 559 triệu tập hội nghị chuẩn bị cho tổng công kích đợt 2 mùa khô 1969-1970. Ngay từ sáng 29 Tết (5-2-1970), Sở chỉ huy tiền phương đã được thông báo lộ trình của đoàn cán bộ do xe Binh trạm trưởng Nguyễn Huệ dẫn đầu.

leftcenterrightdel

Vận chuyển đường ống xăng dầu ở Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ảnh: VƯƠNG KHÁNH HỒNG 

Đêm Giao thừa, tôi ngồi trực ban ở cơ quan tiền phương Binh trạm. 20 giờ, trực ban Sở chỉ huy báo cáo xe Binh trạm trưởng đã xuất phát. Theo chỉ thị của Binh trạm phó Nguyễn Văn Dần tại Sở chỉ huy tiền phương, tôi thông báo cho các đơn vị đường ống-công binh-các trạm chỉ huy giao thông, đặc biệt là khu vực trọng điểm Pha Bang Nưa biết và theo dõi.

21 giờ 30 phút, chuông điện thoại đổ liên hồi. Tôi bàng hoàng trước tin sét đánh: Đoàn cán bộ đi họp bị trúng bom B-52, Binh trạm trưởng hy sinh, các đồng chí khác bị sức ép, xe GAZ-69 vẫn chạy được đã đưa đoàn tiếp tục về Bộ tư lệnh. Tôi vội báo cáo, nghe xong, Binh trạm phó lặng đi. Ông nói: “Cậu quay 601 (quy ước đường dây của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên) báo cáo ngay!”. Tôi đang báo cáo thì Tư lệnh dằn giọng: “Đồng chí nói to lên!”. “Thưa: Đồng chí Nguyễn Huệ, Binh trạm trưởng Binh trạm 9 trên đường đi họp bị trúng bom B-52 ở Pha Bang Nưa, đã hy sinh lúc 21 giờ 30 phút...”. Tiếng dập máy. Liên lạc bị ngắt. Tôi cảm nhận được nỗi đau của Tư lệnh qua giọng nói và tiếng dập máy đột ngột. Sau mấy phút im lặng nặng nề, Binh trạm phó nghẹn ngào đặt tay lên vai tôi: “Cậu ra ngay đưa anh Huệ về Binh trạm bộ”.

Tôi cầm đèn pin, khoác súng lên đường. Vất vả lắm tôi mới vượt qua được những thân cây đổ ngổn ngang, hố bom chi chít, đến hang của Trung đội 3, Đại đội 4 đường ống. Có ai đó gọi: “Anh Giá phải không?”. “Tôi Giá đây”. “Chúng em đợi anh lâu quá!”. “Thủ trưởng đâu?”. “Trên xe. Anh lên ngay đi!”.

Tôi leo lên thùng xe, cậu lái phụ nói với theo: “Anh chú ý quan sát hầm ở hai bên đường, nếu xe phải dừng lại, biết chỗ mà trú bom”. Trong chiếc thùng xe ZiL-157, thi hài Binh trạm trưởng được bó kín bằng vải liệm, đầu quay về buồng lái và được buộc chặt vào thành xe. Trong đêm tối, suốt gần hai giờ đồng hồ, tôi ở bên thủ trưởng trong thùng xe không tải vượt dốc. Bỗng tiếng cậu lái phụ: “Đã đến đỉnh 900, đây là biên giới. Mình bắt đầu về nước”. Tôi thầm nói với Binh trạm trưởng: “Thủ trưởng ơi, mình qua biên giới rồi!”.

Khoảng 8 giờ sáng mồng Một Tết, xe rời đường ô tô đi dọc theo con suối, rồi đỗ cách Binh trạm bộ hơn 1km. Lúc này, tôi bắt đầu cảm thấy hoa mắt, kiệt sức. Có tiếng vỗ vào thành xe: “Anh Giá phải không?”. Tôi đáp: “Vâng, tôi Giá đây”. Rồi tôi nói trong nước mắt: “Thủ trưởng ơi! Mình về đến đất mẹ rồi!”. Nói xong, tôi gục xuống sàn xe.

Trong mơ màng, tôi thấy trước mắt là dòng suối trong vắt bên Đông Trường Sơn và tiếng bom rền vọng sang từ Tây Trường Sơn. Bên ấy, cả Binh trạm đang gồng mình trong cuộc chiến đấu vô cùng cam go. Sự hy sinh nơi tuyến lửa không trừ một ai, nhưng sự hy sinh của Binh trạm trưởng là một tấm gương nhắc nhở mỗi chúng tôi không được chùn bước. Tôi vốc nước vã lên mặt cho tỉnh táo và tự nhủ: “Lên đường thôi, bên ấy, đồng đội đang chờ”!

Thiếu tướng HỒ SỸ HẬU (Theo lời kể của Trung tá Nguyễn Xuân Giá, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 592 đường ống xăng dầu)