Sau này, đồng chí Giang Văn Thành là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị.   

Trung tuần tháng 11-1972, cấp trên điều động, bổ nhiệm đồng chí Giang Văn Thành, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 về làm Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64.

Có thể nói, cuối mùa mưa năm 1972 là những ngày cực kỳ khó khăn, ác liệt đối với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8. Chỗ nào nguy hiểm, khó khăn nhất, ác liệt nhất, đồng chí Thành đều có mặt, thậm chí anh còn đi trước, cùng anh nuôi nấu cơm, đưa từng nắm cơm nóng đến tận hầm cho anh em ở trận địa Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau mỗi trận chiến đấu, anh đều tổ chức rút kinh nghiệm và cùng anh em sửa chữa hầm hào. Anh hướng dẫn bộ đội chọn sẵn cự ly các mục tiêu từ xa đến gần đối với cối 60mm, B41. 12 ngày cuối tháng 11-1972, Đại đội 6 đã chủ động tổ chức 8 lần luồn sâu, tập kích vào lực lượng phía sau của địch, làm hạn chế việc tổ chức tiến công của chúng, có ngày 5 lần đánh lui phản kích lớn của kẻ thù vào trận địa Long Quang.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Giang Văn Thành (thứ tư, từ trái qua phải) cùng Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 64 thăm Tượng đài

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Với tấm gương đi đầu của Đại đội trưởng Giang Văn Thành, sau một thời gian ngắn, khí thế của Đại đội đã vững mạnh. Đại đội 6 là một “chốt thép” ở Long Quang, một điển hình của Tiểu đoàn trong xây dựng và chiến đấu. Đêm 1-12-1972, tôi cùng Đại đội trưởng Giang Văn Thành tổ chức anh em đi trinh sát khu vực làng Linh An, xã Triệu Trạch thì bị địch phục kích. Tôi và đồng chí trinh sát Tiểu đoàn bị thương nặng, một số anh em rút về chốt Long Quang. Đồng chí Thành sau khi phát hiện thấy tôi không trở ra đã một mình vượt bom đạn quay lại tìm và cõng bằng được tôi về tuyến sau. Chính tinh thần đồng đội ấy đã làm gương và cuốn hút được anh em toàn đơn vị kiên trì bám trụ đến cùng.

21 giờ ngày 9-12-1972, Đại đội trưởng Giang Văn Thành tổ chức tập kích quân địch ở gần nhà thờ Linh An thuộc xã Triệu Trạch. Cùng đi với đồng chí Thành có 7 cán bộ, chiến sĩ (theo sát đồng chí Thành là chiến sĩ liên lạc Trần Trọng Bình, quê ở xã Thanh Phú, nay là xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Khi tới gần nhà thờ Linh An, sát trận địa địch thì đội hình vấp phải mìn định hướng. Đồng chí Thành bị thương vào hai bắp chân nhưng anh vẫn cố gắng cõng chiến sĩ Bình bị thương nặng về gần đến chốt Long Quang. Do vết thương quá nặng, chiến sĩ Bình đã hy sinh ngay trên lưng Đại đội trưởng Thành. Những ngày sau đó, đồng chí Thành còn tổ chức vận chuyển 6 đồng chí trong tổ về tuyến sau để chữa trị vết thương.

THÁI GIANG (Theo hồi ức của Đại tá Hoàng Điệp, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B)