4 giờ ngày 20-7-1972, tại cao điểm 88 phía Tây Nam sân bay Ái Tử (Quảng Trị), Đại đội 10 (Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 284) chúng tôi có nhiệm vụ triển khai trận địa để chuẩn bị đánh quân địch đổ bộ đường không. Bất ngờ, máy bay B-52 của Mỹ đánh trúng đội hình đơn vị. Tiếng nổ xé tai, chớp giật liên tục, trời đất chao đảo. Tôi nằm sấp trong hầm đang làm dở với hai chiến sĩ là Nga và Ngọ.
Chẳng rõ bao lâu, khi nghe đồng đội gọi: “Anh Ngọc ơi!”, tôi mới tỉnh. Cố trở mình nhưng không được mới nhận ra bản thân bị thương. Tôi trả lời yếu ớt: “Các đồng chí kiểm tra Nga và Ngọ bên phải tôi đi, vì họ gần bom hơn”, rồi nghe được vài người cùng trả lời: “Hai đồng chí đã hy sinh, còn anh thôi”.
Tôi mở mắt thấy xung quanh máu nhuộm đỏ mặt đất. Có đồng chí nào đó đã khóc. Gần chục người xúm lại đỡ tôi nhẹ nhàng vào võng. Đồng chí y tá lau rửa các vết thương, tiêm thuốc, rồi theo lệnh của đại đội trưởng cùng đồng đội thay phiên nhau đi như chạy, chuyển tôi đến trạm phẫu gần nhất của mặt trận.
Dọc đường, tôi cứ tỉnh lại mê, rồi lại tỉnh. Đạn pháo địch từ hạm đội bắn vào, từ phía Mỹ Chánh bắn ra như xua đuổi. Khi tỉnh, tôi thấy đau và khát nước nhưng lại thương anh em đang vất vả vì mình. Tôi nghĩ mình khó có thể sống được.
Từ chiến sĩ, ở lâu trong đơn vị, tôi được cấp trên thăng quân hàm từ Binh nhì lên Chuẩn úy, phụ trách Đại đội phó, là Chi ủy viên. Tôi biết rất rõ về phẩm chất, tình cảm của từng người đang vất vả cứu tôi. Họ đã góp công xây dựng Đại đội được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân ngày 1-10-1971. Đến trạm phẫu, tôi được đưa lên bàn mổ ngay. Trước lúc trở lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu, anh em dặn dò đầy lưu luyến, mong tôi cố gắng điều trị cho lành, hẹn khi đất nước thống nhất sẽ đến nhà thăm nhau. Không bắt tay tôi được, anh em thơm vào má. Bùi ngùi, xúc động, ai nấy đều giàn giụa nước mắt!
Tôi đã trải qua nhiều trạm chuyển thương, đến nhiều đoàn an điều dưỡng. Ngày thống nhất non sông, các vết thương trên cơ thể tôi đã liền sẹo. Tôi được trở về sống với mẹ và quê hương, là thương binh hạng 1/4, thương tật mất sức tới 81%. Như bao gia đình khác ngày ấy, cuộc sống gia đình tôi trải qua thời bao cấp khó khăn. Nhưng trong tim, tôi không bao giờ quên những đồng đội đã cứu sống mình. Tôi đến cao điểm 88 (nay thuộc xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), mãi mới tìm được một số ngôi mộ của đồng đội thuộc đơn vị mình năm xưa, trong đó có Nga và Ngọ hy sinh ngày 20-7-1972. Tôi đã thông tin cho thân nhân của đồng đội để đưa hài cốt các anh về quê hương. Với những đồng đội còn sống, nhớ lời ước hẹn năm xưa gắng về thăm nhau tại quê nhà, tôi luôn cố gắng đi tìm.
|
|
Thương binh hạng 1/4 Đặng Sỹ Ngọc tìm tên liệt sĩ cùng đơn vị. Ảnh: TRỊNH PHÚ SƠN
|
Vào một trưa hè nắng nóng năm 2012, tôi cùng vợ con phải trải chiếu nằm nghỉ trên nền nhà lát gạch. Ngoài quốc lộ, một chiếc xe tải chở nặng đi qua, tiếng động làm rung đất trên xe khiến tôi có một giấc mơ sợ hãi: B-52 đánh trúng đội hình. Đồng chí y tá tên Tường, quê ở xã (nay là thị trấn) Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tiêm cấp cứu hồi sức cho tôi... Thế là giật mình tỉnh giấc. Nhận ra giấc mơ vừa rồi có hình ảnh anh Tường đúng quê quán (thị trấn cách nơi tôi ở chừng 10km). Tôi rời nhà, đi xe máy qua cầu Bến Thủy và hỏi thăm về Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Xuân An. Lúc đó đã quá 12 giờ trưa. Đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn thấy tôi đeo huy hiệu thương binh, huy hiệu cựu chiến binh thì vui vẻ mời tôi vào nhà. Tôi đặt vấn đề, hỏi thị trấn anh có cựu chiến binh tên Tường nhập ngũ khoảng năm 1964-1965, nay còn hay đã hy sinh. Anh suy nghĩ một lát rồi mở sổ ra kiểm tra... Anh nói, thời kỳ đó, thị trấn có hai đồng chí tên Tường nhập ngũ. Một đồng chí đã hy sinh, một đồng chí cùng vợ con đang sống tại quê nhà. Nói rồi, anh bảo tôi cùng đến tận nơi xem có phải người tôi cần tìm không. Anh chạy xe máy phía trước, tôi theo sau, chẳng mấy chốc đã đến ngôi nhà gỗ, mẹ và vợ con Tường đang nghỉ trưa. Anh Tường nằm trên võng, vừa trông thấy khách vội lao ra. Không kịp chào đồng chí Chủ tịch quen thuộc, anh ôm chầm lấy tôi xúc động bật khóc, nghẹn ngào: “Ngọc ơi, đã 40 năm rồi...”.
ĐẶNG SỸ NGỌC