Tới ga Vinh đón chuyến tàu thường vào Đồng Hới đúng lúc nhà ga đã đóng cửa bán vé, tôi khẩn khoản xin vào cổng và hứa sẽ mua vé bổ sung. Bước được chân lên toa hàng thì đầu tàu kéo còi xuất phát. Tôi được một cô sinh viên nhường ghế bên cạnh cửa sổ toa. Đang miên man suy nghĩ, tôi đã thấy tổ công tác chống thất thu cùng trưởng tàu đến kiểm tra vé từng người. Tôi đưa giấy giới thiệu (đi tìm đồng đội) và thẻ thương binh, trình bày việc chưa kịp mua vé ở nhà ga, mong được mua vé bổ sung và giảm tiền phạt. Đồng chí trưởng tàu nhìn kỹ giấy tờ rồi nói:
- Lên tàu không có vé theo quy định là chúng tôi phạt gấp đôi giá vé bán ở nhà ga. Nhưng bác là thương binh nặng, lại đi làm việc nghĩa nên chúng tôi ủng hộ và miễn cho bác.
Đồng chí còn viết cho tôi mảnh giấy xác nhận để ra cổng ga được bình an. Tôi xúc động nói lời cảm ơn nhà tàu. Khi tàu đến ga cuối cùng, tôi ra khỏi sân ga, quan sát trời đất của thủ phủ Quảng Bình-Đồng Hới-cũng là nơi Đại đội 10, Tiểu đoàn 15 chúng tôi từng chiến đấu chống trả bọn không quân xâm lược Mỹ từ những năm 1964-1965. Có ngày cả tiểu đoàn bắn rơi 4 máy bay Mỹ đến gây tội ác, lại cũng có trận tổn thất hy sinh không nhỏ. Tôi muốn vào viếng thăm nghĩa trang xem có đồng đội nào như anh Ân, anh Phú, cô Nhàn, cô Thúy... đã hy sinh ở tuổi 20 trong những trận địa dày đặc quanh đây nhưng trời đã xế chiều mà tôi còn phải vào Quảng Trị. Bỗng một người đàn ông xấp xỉ tuổi tôi, mặc quần áo lính bạc màu, vỗ vào vai tôi hỏi có đi xe không. Sau khi thống nhất giá cả, tôi vui vẻ lên xe. Dọc đường trò chuyện, tôi biết anh cũng là một cựu chiến binh thời chống Mỹ và anh cũng biết tôi đang đi tìm đồng đội. Tới Đường 1, tôi xuống xe rút tiền trả cho anh, anh nhìn tôi nói:
- Miềng giúp đồng đội uống nước, chúc sức khỏe và hoàn thành nhiệm vụ nhé!
Rồi anh quay đầu xe, nổ máy trở về nhà ga. Tôi tranh thủ vào quán ăn bát phở chiều muộn. Trong lúc chờ bắt xe đi vào, tôi không khỏi nhớ lại khu vực này những ngày giờ ác liệt năm xưa, để chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ giao thông, có đồng đội đã xuất khẩu thành thơ, ngồi trực trên mâm pháo vui đọc cho nhau nghe.
|
|
Thương binh Đặng Sỹ Ngọc-tác giả bài viết (ngoài cùng, bên phải) và đồng đội trong một lần gặp mặt tại Hà Nội. Ảnh: Vĩnh Thăng. |
Mấy chiếc xe tải đi qua không dừng. Có một chiếc xe con màu đen đi chậm lại, trong xe chỉ có người thanh niên cầm tay lái, thò đầu ra hỏi:
- Bác vào Đông Hà?
- Vâng-tôi trả lời-Anh cho tôi vào Ngã ba Đường 9 hoặc trại thương binh Đông Hà với.
- Sáu chục! Anh nói.
Tôi đồng ý. Anh mở cửa xe, tôi ôm ba lô vào ngồi yên. Chiếc xe tiếp tục lăn bánh. Đường số 1 bằng phẳng, rộng, bóng nhoáng màu nhựa đường. Anh lái xe bỗng lên tiếng:
- Bác vào Đông Hà làm gì mà đi một mình? Trước đây bác cũng có chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ạ? Có biết bố cháu tên Hải ở đơn vị 304 không? Theo giấy báo tử, bố cháu hy sinh tháng 8-1972, ở Mặt trận phía Nam. Nay cháu và mấy người trong họ tộc vào thắp hương, đồng thời dò tìm phần mộ của bố cháu để đưa về quê.
Tôi trả lời mình vốn ở Sư đoàn 324, cũng đi tìm phần mộ của đồng đội. Rồi chuyện trò qua lại chẳng biết xe vượt qua cột cờ Hiền Lương lúc nào không hay. Trời đã chập choạng tối, đèn đường bật sáng, gió thổi qua cửa sổ xe mát lạnh. Tôi có chút rờn rợn trong người, nghĩ đến con sông chia cắt đất nước trong hơn 20 năm đấu tranh đầy đau thương của Tổ quốc.
Xe đến Đông Hà, người lái xe dừng đột ngột, mở cửa cho tôi ra, nói đã đến nơi. Lúc tôi ra khỏi xe thì anh đã vẫy một người lái xe ôm và nói gì với người ấy. Quay lại, anh bảo tôi:
- Bây giờ bác lên xe máy này về trại thương binh Đông Hà. Cháu đã trả tiền xe lai cho bác rồi ạ.
Tôi vội vã rút ví trả tiền cho anh. Người lái xe hiểu ý, giơ hai bàn tay ngăn tôi lại, nói:
- Cháu biếu bác. Chúc bác tìm đồng đội được may mắn.
Tôi sững đi một chút và quyết tâm trả tiền cho anh, nhưng anh đã vào xe nắm vòng tay lái quay xe trở lại trạm đón tiếp thân nhân liệt sĩ của Quảng Trị ở phía bắc cầu Đông Hà.
Trại thương binh Đông Hà có rất nhiều đồng đội từng điều trị, an dưỡng ở các trạm tại các tỉnh phía Bắc với tôi. Tôi chọn đến phòng của vợ chồng Ngọc-Dương. Cô Dương là bộ đội người dân tộc Thái, quê ở phía tây tỉnh Nghệ An, cao ráo, cân đối, mặc quân phục hay mặc đồ đen của dân tộc Thái đều đẹp. Cô hiền lành, thùy mị, từng phục vụ nhiều năm ở Đoàn 200, Quân khu 4 rồi về Trung tâm Điều dưỡng thương binh 4 ở Vinh. Ngọc là thương binh hỏng hai mắt, quê ở Quảng Bình. Hai người quý mến, thương nhau rồi cô Dương tự nguyện xây dựng hạnh phúc trăm năm với Ngọc. Dương đã nhận ra tôi, cô reo lên:
- À, anh Ngọc, anh Ngọc ở Vinh, bố nó ơi!
Vậy là Ngọc và hai con (một trai, một gái) đón tôi vào phòng. Sau đó, các thương binh trong khu chạy đến nói chuyện rôm rả sau nhiều năm xa cách. Tôi ở lại nhà vợ chồng Ngọc-Dương một ngày, tranh thủ thăm hỏi tất cả những anh em từng quen biết. Hôm sau, khi chỉ còn lại tôi và vợ chồng Ngọc-Dương, tôi nói:
- Mình đến đây trước hết là thăm anh em đã từng ở với nhau thân thiết. Nay mình muốn được thăm lại những nơi mình từng chiến đấu cùng đồng đội năm xưa như xã Gio An ở Gio Linh, Cam Lộ, các cao điểm 56, động Ông Do hay Thành cổ Quảng Trị. Ngọc và Dương xem có ai làm nghề lái xe tin cậy, mình thuê họ mấy ngày.
Ngọc ngồi suy nghĩ một lát, nói:
- Chú Thu quê ở An Hướng, Gio An, gần Cồn Tiên, cũng thương binh nhưng trẻ, khỏe, đang hành nghề xe lai để cải thiện.
Dương dẫn tôi sang nhà Thu ngay. Thu đồng ý, hẹn sáng hôm sau xuất phát. 5 giờ sáng, trong khi trời mát mẻ, tôi đã đến nhà Thu. Bỗng có mùi hương thơm nức, nhìn lên bàn thờ giữa ngôi nhà ba gian Thu ở, vợ Thu đang thắp hương khấn vái, miệng nói nhỏ nhưng tôi hiểu cô đang nói những gì:
- Đây là bác Ngọc ở Nghệ An, từng chiến đấu chống xâm lược trên quê hương. Nay bác trở lại thăm chiến trường xưa, có nhờ chồng tôi đưa bác đến từng vùng chiến trận năm nào. Mong linh hồn những người khuất núi hỗ trợ, giúp đỡ để hai người được may mắn, an toàn...
Trên đường, Thu kể cho tôi nghe về mình. Tôi cảm thấy thương Thu, một thương binh tàn nhưng không phế. Và mắt tôi vẫn quan sát phong cảnh trời đất quanh mình. Quảng Trị thay đổi nhiều lắm, làng quê, núi rừng xanh tươi, trù phú đầy hứa hẹn. Thu đưa tôi đến các làng của xã Gio An như An Nha, Phượng Xuân, Gia Bình, Xuân Hải... Mỗi làng lại có một nghĩa trang liệt sĩ nhỏ, có nhiều ngôi mộ chưa có tên. Tôi đọc kỹ những ngôi mộ có tên thì không thấy ngôi mộ nào thuộc đơn vị của tôi năm xưa. Đến khu nghĩa trang lớn nhất đang nâng cấp, tôi thấy ngôi mộ của liệt sĩ Đinh Thị Diệp, một đảng viên, cô du kích 17 tuổi của xã từng dẫn tôi đi trinh sát trong lòng địch, lách đến gần đồn để bắn tỉa, tiêu hao địch. Lúc nào cô cũng bình tĩnh, gan dạ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Có đêm từ trong hầm chờ địch căng thẳng, cô vẫn bình tĩnh động viên tôi. Khi tôi bị thương, cô băng bó rồi vận chuyển tôi ra sông Bến Hải. Nhưng sau đó Diệp đã hy sinh. Nay tôi đến thắp hương. Thu cũng nói thêm vài chi tiết về gia đình Diệp. Mẹ Diệp là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thu đưa tôi đến vài nhà bà con ở An Hướng quê Thu. Người nào cũng chào hỏi mời chúng tôi ở lại chơi vài ngày, tình cảm thân thương như gia đình ruột thịt.
Sang ngày thứ ba, trời Quảng Trị vẫn trong xanh. Tôi và Thu xuất phát sớm hơn một chút đến nhà thờ La Vang, lên động Ông Do rồi quay về Thành cổ. Ở đâu có nghĩa trang liệt sĩ là tôi dừng lại thắp hương, đọc những thông tin được khắc trên bia mộ. Chúng tôi trở vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Ái, khu vực gần sân bay Ái Tử. Tại khu B, tôi phát hiện hai ngôi mộ số 9 và số 10 cụ thể:
Ngôi mộ số 9 ghi: Liệt sĩ Đặng Văn Nga, sinh năm 1953; quê quán: Đông Tảo, Thụy Hòa, Yên Phong, Bắc Ninh; đơn vị C10-D15, hy sinh ngày 20-7-1972.
Còn ngôi mộ số 10 ghi: Liệt sĩ Trần Tất Ngọ, sinh năm 1954; quê quán: Mỹ Trung, ngoại thành Hà Nội (lẽ ra họ phải ghi ngoại thành Nam Định mới đúng); đơn vị và ngày hy sinh như ngôi mộ số 9.
Tôi xúc động kể cho Thu nghe:
- 4 giờ ngày 20-7-1972, tại cao điểm 88, B-52 đã trút bom trúng đội hình đại đội. Tôi cùng Nga và Ngọ đang làm chung một hầm, chưa hoàn thành thì một quả bom rơi sát 3 người. Nga và Ngọ hy sinh tại chỗ, không nói được lời nào. Mảnh bom bằng 4 đốt ngón tay xuyên qua hai đồng đội rồi cắm vào đùi phải của tôi. Đại đội đã cử người khiêng tôi đến trạm phẫu gần nhất. Tôi được bác sĩ mổ cấp cứu rồi được chuyển dần ra Bắc. Tôi xa đơn vị từ đó, mảnh bom này tôi giữ và nay đã gửi vào Bảo tàng Quân khu 4. Được gặp lại phần mộ hai liệt sĩ, dứt khoát tôi sẽ thông tin cho thân nhân cùng đồng đội để đưa hài cốt họ về quê hương.
Sang ngày thứ tư, các vết thương của tôi do di chuyển nhiều đã bị đau nhức, khó chịu. Thu cũng là thương binh nặng. Tôi quyết định dừng lại, không sao đi hết được từng khe suối, hầm hào nơi từng hoạt động. Tôi tiếc lắm, hứa sẽ quay trở lại vào một lần khác.
Tôi cảm ơn vợ chồng Thu rồi thanh toán trả công cho Thu nhưng vợ chồng họ đã bàn nhau quyết không nhận. Tôi lên xe khách về Vinh, kết thúc chuyến đi tìm đồng đội với nhiều kỷ niệm sâu sắc...
ĐẶNG SỸ NGỌC