Ký ức của những thương binh nặng
Trung tướng Lưu Phước Lượng (tên gọi thân mật là Năm Lượng), nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 9, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trưởng ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 (Quân khu 7) mời chúng tôi đến dự buổi họp mặt truyền thống Sư đoàn. Tiếp xúc với các bác trong Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 để lấy tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền mới biết, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn qua các thời kỳ, đặc biệt là các đại biểu thương binh nặng.
“Nhiều đồng chí tuổi cao, sức yếu, cơ thể bị bệnh tật, vết thương chiến tranh hành hạ rất đau đớn, khổ sở. Chúng tôi dự kiến tổ chức họp mặt anh em lâu rồi, nhưng vì nhiều lý do, đến hôm nay mới thực hiện được. Người có sức khỏe thì mọi việc đơn giản, nhưng với các đồng chí thương binh nặng, để có được cuộc hội ngộ hôm nay là cả một vấn đề lớn. Nguyện vọng của anh em là được gặp mặt nhau đầy đủ, để đến lúc kẻ ở, người đi cũng không cảm thấy đột ngột, hụt hẫng”-Trung tướng Năm Lượng nói.
|
|
Trung tướng Triệu Xuân Hòa, nguyên Tư lệnh Quân khu 7 thăm hỏi thương binh nặng Huỳnh Văn Phong (giữa) và đồng đội. Ảnh: ĐỨC TRỌNG
|
Hơn 40 thương binh, nhiều người có vết thương đặc biệt nặng, ngụ tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, đã được đồng đội, người thân đón về dự họp mặt tại Thành phố mang tên Bác. Người thì được người thân đưa đến bằng xe lăn. Người thì được đồng đội cõng trên lưng. Những hàng ghế dành cho các thương binh nặng cũng được kê sao cho phù hợp với mỗi người.
Danh sách thương binh nặng của Sư đoàn 5 qua các thời kỳ nhiều lắm, nhưng đến nay, đa số các bậc cao niên từng hy sinh quãng đời trai trẻ và một phần thân thể trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã lần lượt về cõi vĩnh hằng. Một số bác còn sống thì đã tuổi cao, sức yếu, bị vết thương, bệnh tật hành hạ, không thể tham dự. Chính vì vậy, các đại biểu thương binh nặng được đón về dự họp mặt hầu hết là cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân, xương máu cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia... Họ gặp lại nhau sau bao năm xa cách, nhưng nhiều người không còn chân để bước, không còn mắt để nhìn đồng đội, không còn tay để có thể ôm nhau... Chỉ hơi ấm tình thương, tình đồng đội thì vẫn ắp đầy, trào dâng như những đợt sóng vỗ về ký ức...
Ban liên lạc đã bố trí để một số thương binh nặng, có hoàn cảnh đặc biệt giao lưu với các đại biểu. Các bác được dìu, bế lên ghế ngồi. Những câu chuyện được chia sẻ hoàn toàn là người thật, việc thật. Khác với những chương trình giao lưu như chúng ta thường chứng kiến, ở đây, mọi việc diễn ra một cách tự nhiên, không cần kịch bản, không có sự chuẩn bị trước. Tất cả, từ câu chuyện, nụ cười và nước mắt ngày hạnh ngộ cứ thế ùa về, rưng rức theo dòng cảm xúc, chạm đến trái tim bao người...
|
|
Các đại biểu dự họp mặt truyền thống Sư đoàn 5 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: ĐỨC TRỌNG |
Người thương binh nặng chúng tôi nhắc đến ở phần đầu bài báo này là cựu chiến binh (CCB) Huỳnh Văn Phong, sinh năm 1961, nguyên quán ở quận 10, TP Hồ Chí Minh. Ông là thương binh hạng 1/4, cụt một chân, cơ thể mang những vết thương đặc biệt nặng. Đến với cuộc họp mặt, ông rưng rưng xúc động khi được gặp lại những đồng đội cũ. Đó là những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi gác lại bút nghiên, sự nghiệp, tình nguyện nhập ngũ, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia.
Ông kể: “Ngày 26-3-1979, tôi và người bạn thân Võ Hữu Khanh, cùng ở quận 10, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau hơn 3 tháng huấn luyện, chúng tôi gia nhập đội hình Sư đoàn 5, sang Campuchia chiến đấu chống quân Pol Pot ở Mặt trận 479. Chúng tôi ở cùng tiểu đội, thuộc Tiểu đoàn 7. Trong trận chiến đấu ngày 7-12-1980 tại chốt chặn gần Cầu Cháy, giáp biên giới Thái Lan, đơn vị chúng tôi đã đánh bật quân Pol Pot ra khỏi trận địa, bố trí đội hình chốt giữ điểm cao. Chiều hôm đó, tổ chiến đấu chúng tôi nhận nhiệm vụ xuống chân núi vận chuyển đồ tiếp tế cho đơn vị. Rời trận địa xuống đến mé đồi thì chúng tôi bị địch phục kích. Tôi đi trước nên trúng đạn, bị thương rất nặng. Tôi xác định sẽ hy sinh nên quyết đánh cảm tử. Tôi nói với Khanh: “Mày chạy về báo cho trung đội chi viện, để tao “chơi” với tụi nó. Sau này, mày còn sống trở về thì chăm sóc má giùm tao”. Tôi lia một loạt đạn về phía địch nhằm tạo điều kiện cho Khanh và đồng đội rút lui, rồi rút chốt quả lựu đạn, nằm rạp xuống chờ địch tràn lên thì cho nổ tung luôn. Khanh thấy thế liền xông lên bắn xối xả về phía địch rồi xốc nách, kéo tôi vào phía sau một tảng đá: “Tao không thể bỏ mày được. Chết thì cùng chết!”. Khanh giật lựu đạn ném về phía tốp địch. Ngay sau đó, đồng đội trên chốt nghe tiếng súng đã kịp thời chi viện, tiêu diệt tại chỗ nhiều tên địch, đánh bật chúng ra khỏi trận địa. Tôi được sơ cứu rồi chuyển gấp về bệnh xá Sư đoàn trong tình trạng vỡ bụng, giập gan, giập đùi, ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh, toàn thân quấn băng trắng toát, một chân bị cắt đến sát bẹn, người đau buốt. Tôi nhớ bác sĩ mổ cấp cứu cho tôi tên là Nhật, quê ở Thái Bình. Không biết bây giờ bác sĩ Nhật ở đâu, còn sống không? Nếu có thông tin, tôi rất mong có cơ hội được gặp lại”...
Tình huống bất ngờ và “lộc xuân” ấm áp
Thật xúc động khi một số đồng đội được CCB Huỳnh Văn Phong nhắc đến trong câu chuyện trên cũng có mặt trong cuộc hội ngộ cảm động này, như CCB, thương binh Võ Hữu Khanh, Phạm Đức...
Năm tháng trôi qua, những thanh niên mang bầu nhiệt huyết cháy bỏng năm xưa giờ đã trắng tóc, còng lưng, sức khỏe cũng đã về phía sườn dốc bên kia đời người. Nhưng nghĩa tình đồng đội thì vẫn thế, vẫn cứ đầy lên theo thời gian. Đôi bạn đồng hương, hai người đồng chí Huỳnh Văn Phong-Võ Hữu Khanh vẫn vẹn nguyên lời thề sống chết có nhau. Họ san sẻ buồn vui, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống. “Bom đạn chiến trường còn không làm mình chết được, vậy thì không có bất cứ khó khăn, gian khổ nào có thể làm mình gục ngã. Trong mọi hoàn cảnh, dù bĩ cực bao nhiêu cũng phải lạc quan, luôn nhìn về phía trước”-Võ Hữu Khanh động viên bạn mình, khi những sóng gió, bất hạnh liên tục ập xuống gia đình nhỏ của Huỳnh Văn Phong trong những năm qua...
|
|
Thương binh nặng Huỳnh Văn Phong (ngồi bên phải) nhận bảng tượng trưng căn nhà tình nghĩa do Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 phối hợp với các nhà hảo tâm trao tặng. Ảnh: HOÀNG KIM |
Trở về từ chiến trường, thương binh nặng Huỳnh Văn Phong và đồng đội của ông được Nhà nước quan tâm, tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ mọi mặt bảo đảm cuộc sống. CCB Huỳnh Văn Phong được TP Hồ Chí Minh cấp cho một căn hộ chung cư ở quận 10. Ông lấy vợ, sinh được hai người con trai. Vợ ông quê ở Tiền Giang, rời quê hương lên TP Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề bán trái cây ở quận 10. Trong một lần vào bệnh viện thăm thân nhân, cô gái miền Tây Nam Bộ gặp anh thương binh nặng đang nằm điều trị. Cảm phục, thương hoàn cảnh của anh, cô gái đem lòng trắc ẩn, khi thì giặt giùm anh bộ quần áo, lúc lại gọt trái cây cho anh ăn, lấy nước cho anh uống...
Dần dần, sự đồng cảm chuyển thành tình yêu. Họ nên duyên chồng vợ. Cuộc sống đang bình lặng thì bất hạnh liên tục ập đến. Vợ ông mắc trọng bệnh, chạy chữa rất tốn kém. Ông đành bán căn hộ chung cư lấy tiền chữa bệnh cho vợ, rồi chuyển gia đình ra vùng ven mua một căn nhà nhỏ. Đại dịch Covid-19 ập đến, vợ ông qua đời. Người con trai lớn trở thành trụ cột gia đình, bươn chải mưu sinh, rồi cũng bị tai nạn, đi theo mẹ về thế giới vĩnh hằng. Kinh tế gia đình suy kiệt. Ông bán nốt căn nhà nhỏ để trang trải nợ nần, cùng người con út thuê nhà trọ sinh sống...
Trong bữa cơm thân mật, khi chúng tôi vừa ngồi vào bàn ăn thì có một người cầm ly bia bước đến: “Mấy anh em bọn mình vừa bàn bạc sẽ cùng nhau chung tay hỗ trợ những thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn. Trước mắt là hỗ trợ, giúp cho bác Phong có được căn nhà”. Khách mời họp mặt, ngoài thương binh, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 qua các thời kỳ, còn có đại biểu thân nhân gia đình có công. Họ dễ tìm được sự đồng cảm trong trường ân nghĩa nặng tình đồng đội...
Dù vị khách mời chỉ muốn làm việc nghĩa này một cách âm thầm, nhưng nghĩa cử của anh và những người bạn lập tức trở thành chủ đề râm ran trong bữa cơm thân tình, ấm áp. Thế rồi, “hữu xạ tự nhiên hương”, nét đẹp tri ân cứ thế lặng thầm lan tỏa. Thay mặt Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 5, Trung tướng Năm Lượng xúc động bày tỏ lời cảm ơn các tấm lòng hảo tâm. Thương binh Huỳnh Văn Phong gục đầu vào vòng tay Trung tướng Năm Lượng xúc động. Ông tâm sự rằng, bản thân đã được hưởng các chế độ, chính sách dành cho thương binh nặng theo quy định của Đảng, Nhà nước nên dù gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ông vẫn âm thầm tìm cách vượt qua, không kêu ca, oán thán. Được các đồng đội chung tay giúp đỡ, ông coi đó là “lộc xuân” quý giá đối với mình.
Trước thềm Xuân mới Giáp Thìn 2024, khi ngồi trước máy tính viết bài báo này, tôi điện thoại cho CCB Huỳnh Văn Phong hỏi về căn nhà ông được trao tặng. Giọng ông phấn khởi: “Ban tổ chức đã triển khai xây dựng rồi. Các anh ấy muốn dành bất ngờ cho tôi nên đến ngày khánh thành nhà mới sẽ đón cha con tôi về ở luôn. Có lẽ Tết này cha con tôi sẽ được ở nhà mới!”.
Tôi dừng tay trên bàn phím, thấy lòng ấm áp, an nhiên! Có những góc nhỏ thật bình dị, hừng lên nét đẹp mùa xuân mà chỉ khi ta có cơ hội chạm tới mới cảm nhận rõ sự ấm áp, ngọt ngào!
HOÀNG SƠN KIM