Bài thơ “Một nhành xuân” được Tố Hữu trang trọng ghi lời đề từ: Tặng Đảng thân yêu tròn 50 tuổi. Hai dòng đầu là một thông báo thẩm mỹ khái quát nội dung: “Vâng, xin kể cùng Xuân đồng chí/ Chuyện riêng chung, một cuộc đời bình dị”. Chỉ là “kể” thôi, với “Xuân đồng chí” về cái “riêng chung” mang tính tâm sự khi nhìn lại, đánh giá lại một giai đoạn hôm qua gắn với cuộc đời mình. Bài thơ mang tính tâm tình khiêm tốn này dài 100 dòng, theo thể tự do, câu thơ dài ngắn theo nhịp cảm xúc, khi ngắn gọn, nghẹn ngào, lắng đọng, khi kéo dài trong tâm trạng hồ hởi, phấn khởi, tin yêu.

Tố Hữu sinh năm 1920 ở Huế, vào thời điểm đất nước đang chìm trong bóng đêm nô lệ: “Năm 20 của thế kỷ 20/ Tôi sinh ra. Nhưng chưa được làm người/ Nước đã mất. Cha đã làm nô lệ/ Ôi những ngày xưa... Mưa xứ Huế/ Mưa sao buồn vậy, quê hương ơi!/ Ngẩng đầu lên, không thấy mặt trời/ Đất lai láng những là nước mắt”... “Tôi sinh ra. Nhưng chưa được làm người”. Câu thơ bị “bẻ ngang” bởi một dấu chấm diễn tả mâu thuẫn mang tính nghịch lý: Là người nhưng không được làm người. “Nước mất nhà tan” đã đành. Ở đây là mối quan hệ khác: Nước mất thì con người cũng mất quyền công dân, tức làm nô lệ. “Mưa” cần được hiểu nghiêng về “mưa buồn”, “mưa sầu”, “mưa thảm”. Trong hoàn cảnh ấy, tất không có “mặt trời”, tức ánh sáng cách mạng chưa đến.

Ở khổ 2, nhà thơ ví mình “như con thuyền lay lắt”, “khô như cây sậy”, “như con chim không bao giờ được hót”. Câu cuối là một giả thiết thẩm mỹ: “Nếu chậm mùa xuân ấy, em ơi!”. “Mùa xuân” ở đây mang nghĩa biểu tượng: Nếu cách mạng (năm 1945) chưa bùng nổ thì thân phận con người vẫn chỉ là những “con thuyền lay lắt”, “cây sậy” khô, là “con chim” tắt tiếng hót mà thôi. Một sự đối lập về những hình ảnh không sức sống với biểu tượng “mùa xuân” tràn trề sức trẻ làm bật toát lên sự thay đổi diệu kỳ nhờ cách mạng đem lại. Vẫn là một cấu trúc đối lập hình ảnh: “Từ vô vọng, mênh mông đêm tối/ Người đã đến. Chói chang nắng giội/ Trong lòng tôi. Ôi Đảng thân yêu/ Sống lại rồi. Hạnh phúc biết bao nhiêu!”. Trước đó thì “mênh mông đêm tối”, cách mạng đến, khác hẳn “chói chang nắng giội”. Hiểu trong mạch thơ thì “người” (đã đến) chính là “Đảng thân yêu”. Hai câu thơ ngắt bởi một dấu chấm (.) giữa câu diễn tả sự đột ngột, bất ngờ, rất đúng với logic đang vô vọng trong bóng đêm nô lệ thì Đảng về, chẳng khác gì ánh sáng mặt trời đem lại sự sống mới-mang lại niềm vui tột đỉnh!

leftcenterrightdel
 Bác Hồ với nhà thơ Tố Hữu cùng một số đồng chí cán bộ Trung ương thăm lại Pác Bó, năm 1961.

Ảnh tư liệu

Hạt nhân của cách mạng là các “đồng chí”, những con người say mê, thấm nhuần lý tưởng Đảng, tự nguyện dâng hiến, hy sinh vì nhân dân, vì đất nước. Nhà thơ được giác ngộ bởi các “đồng chí” ấy, “rất hiền, giản dị”. Hài hòa cái riêng và cái chung nên tình đồng chí thiêng liêng hơn hết thảy, “say hơn mọi tình yêu” vì đem đến lý tưởng, sức mạnh, niềm tin để thay đổi cuộc đời. Nhờ tình đồng chí mà tâm hồn người thanh niên Tố Hữu được bay cao, bay xa: “Nâng hồn tôi như gió nâng diều”. Từ đó, nhà thơ tự nguyện sống vì đồng bào-những người cùng khổ: “Con sẽ đem cho những em côi cút/ Cho những ai khao khát tình thương/ Cho những ai vất vưởng, thiếu quê hương/ Cùng ngọn lửa của niềm tin, hy vọng”. Ở đây là “cho” “ngọn lửa”, tức giác ngộ cho nhau về “niềm tin, hy vọng”. Đó là lẽ sống của người cách mạng. Với họ, ngoài sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng đất nước, không vì một mục đích riêng tư nào khác.

Sau này, trong bài “Tạm biệt”, Tố Hữu có một khái quát mang tầm triết lý: “Sống là cho và chết cũng là cho”, nghĩa là cống hiến một cách tuyệt đối cho cuộc sống này. Càng thấy ở ông suốt đời nhất quán một hành động vì lý tưởng. Chỉ khi sống vì mọi người thì “Cuộc sống thật là đáng sống/ Đời yêu tôi. Tôi lại yêu đời/ Tất cả cùng tôi. Tôi với muôn người”. Xét kỹ, có gì bền chặt, vững mạnh hơn tình yêu đâu, vì đó là nguồn sống, là niềm tin, là cả thế giới tinh thần. Tình yêu còn là sự kết nối tâm hồn với tâm hồn, truyền cho nhau sức mạnh. Vượt qua một khái quát về mối quan hệ cá nhân với tập thể, ý thơ vươn tới tầm phổ quát rộng rãi mang tính chân lý: Hãy tin yêu, hãy cống hiến hết mình, cuộc đời sẽ mỉm cười đáp lại!

Chỉ khi hướng theo Đảng, đoàn kết đứng dậy theo Đảng thì “Đất nước này phải thơm lúa thơm hoa/ Dân tộc này sẽ là một bài ca/ Của nhân nghĩa bốn nghìn năm tỏa rộng”. Chữ “phải” nhấn mạnh về sự chắc chắn, dứt khoát. Ý thơ mạnh mẽ, nhịp thơ tươi vui, hồ hởi. Mạch thơ như mở ra cả một chân trời mới: “Tôi hát lớn. Và trái tim sôi nóng/ Đẩy tôi đi cùng sóng người đi/ Cờ đỏ bay cao. Sức mạnh thần kỳ/ Qua lửa máu. Không thể gì ngăn nổi”. Không có một năng lực khái quát lớn thì không thể diễn tả trong mấy câu thơ ngắn gọn ấy cả một tình thế cuộc cách mạng vĩ đại (năm 1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng (cờ đỏ bay cao) đã tập hợp được sức mạnh vô địch của quần chúng vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ác liệt (lửa máu) để giành thắng lợi.

Thơ Tố Hữu tràn trề sức trẻ bởi hồn thơ rất trẻ, lạc quan và giàu có niềm tin. Là nhà cách mạng, nắm bắt được chân lý, thấu hiểu quy luật cuộc đời nên luôn có cái nhìn về một tương lai tươi sáng. Có người cho rằng ông làm thơ dễ quá, thậm chí đôi khi “dễ dãi”. Không phải định kiến gì ông, bởi họ mới chỉ nhìn bề ngoài câu chữ, chứ chưa cắt nghĩa sâu vào bên trong hình tượng. Có những câu thơ thoạt tưởng đơn giản, nhưng kỳ thực là kết quả của một tư duy sâu sắc, một vốn trải nghiệm đã đầy, như đoạn thơ sau: “Là mùa xuân vô tận, lá tươi xanh/ Một lá rụng, lại trăm mầm lộc mới/ Trong bão táp, vẫn hiên ngang, phơi phới/ Chúng ta đi. Nhìn tới tương lai...”.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, mỹ học tiếp nhận hiện đại nhấn mạnh đến sự “bảo hiểm” của tên tuổi tác giả, bạn đọc trước hết sẽ chọn đọc tác phẩm theo tác giả, rồi chọn đến thời điểm sáng tác, xuất bản. Bởi mỗi tác phẩm nghệ thuật luôn có sự hắt bóng của thời đại vào trong nó rồi kết thành mã văn hóa riêng. Mà những tên tuổi lớn thì như cây đại thụ sẽ kết trái tác phẩm mang hương vị tư tưởng của mảnh đất và khí quyển văn hóa thời họ sống. Nhờ vậy, câu chữ của họ luôn phát sáng những tín hiệu thẩm mỹ. Một nhà thơ trẻ bất kỳ vẫn có thể có những câu chữ, hình tượng như những câu trên nhưng lập tức độc giả sẽ nhận ra ngay sự “sáo”, bởi tên tuổi tác giả chưa đủ sức “bảo hiểm” để dẫn những câu thơ ấy đi vào lòng người. Nhiều trường hợp tác phẩm cần đến chữ ký tác giả là vì thế. Với khổ thơ trên, chỉ có Tố Hữu, với tên tuổi ấy, phong cách ấy, trong bài thơ ấy, ở thời điểm ấy, mới nói lên được cái quy luật kế thừa/phát triển (một lá rụng, lại trăm mầm lộc mới); cái bản lĩnh vững vàng; cái phơi phới lạc quan...

Tương tự, cũng chỉ có Tố Hữu mới cho phép mình viết về tư thế đất nước sau ngày giải phóng (năm 1975) rạng rỡ, tràn đầy vẻ đẹp lãng mạn: “Dáng thanh xuân hồng nắng Thái Bình Dương”. Cũng chỉ có Tố Hữu với vốn trải nghiệm và sự nghiệp cách mạng lớn lao của mình mới “bảo hiểm” cho những dòng thơ vừa mang tính đạo lý, vừa là chân lý được thể hiện trong những biểu tượng văn hóa này: “Ôi Tổ quốc!/ Tự hào thay ngọn đuốc/ Của lương tâm/ Đời đời cháy sáng/ Xin dâng tấm lòng ta ơn Đảng/ 50 năm/ Đêm hóa trăng rằm/ Tỏ mặt người, mặt đất”. Các hình ảnh “ngọn đuốc”, “trăng rằm” đã quen thuộc nhưng chỉ tầm cỡ Tố Hữu mới có thể “mã hóa” để bạn đọc “giải mã” ý nghĩa: Lý tưởng Đảng là ánh sáng soi đường. Tương tự, cũng chỉ Tố Hữu khi viết: “Chắc tay cày và chắc súng trong tay/ Thép xây dựng cũng là gươm giữ nước” thì bạn đọc mới có thể tiếp nhận cái ý nghĩa phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng (tay cày) và bảo vệ (súng trong tay); xây dựng đất nước vững mạnh cũng là cách bảo vệ Tổ quốc (Thép xây dựng cũng là gươm giữ nước)...

Bài thơ khép lại về câu chữ nhưng mở ra cả một thời đại mới trong không khí tươi vui của tình đồng chí, tình anh em, bè bạn: “Đời vui thế khi ta làm chủ/ Anh em ơi, đồng chí mình ơi!/ Trẻ lại rồi thế kỷ 20/ Và trẻ mãi, mỗi người/ Một nhành xuân, của Đảng”. Mở ra cả một niềm tin “trẻ mãi” cho mỗi người, cho cuộc đời để dâng Đảng “một nhành xuân”!

Tác phẩm được tác giả ghi ngày sáng tác 17-1-1980. Nội dung mang tính tổng kết một đời cách mạng nên ngày đó chắc chắn chỉ là ngày viết ra câu chữ đã được nung nấu trong cả một đời người. Năm 1980 là khoảng thời gian đất nước cực kỳ khó khăn, nhưng lời thơ thì thật lạc quan, trữ tình, lãng mạn, càng cho thấy bản lĩnh một hồn thơ lớn!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ