Theo đó, Kế hoạch K8 được thực hiện từ tháng 8-1966 đến tháng 10-1967, đưa người dân sơ tán ra các tỉnh phía Bắc. Kế hoạch K10 được thực hiện từ tháng 10-1967, đưa người dân ra các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Quê tôi, xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An vinh dự được đón đồng bào Vĩnh Linh ra sơ tán. Tôi vẫn còn nhớ, khi bà con Vĩnh Linh đến Nghĩa Hợp, xã dành hẳn cả một quả đồi rộng cho bà con, mỗi gia đình được giao một thửa đất rộng đủ để làm nhà cửa, có vườn trồng cây cối, chăn nuôi cải thiện đời sống. Người dân Nghĩa Hợp chúng tôi đã nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ con giống, cây trồng, vật nuôi, đất đai... để bà con ổn định cuộc sống.

Điều khiến chúng tôi khâm phục ở bà con Vĩnh Linh là sự siêng năng, chịu khó và rất ân tình. Chỉ trong một thời gian ngắn, bà con đã ổn định cuộc sống. Đất quê tôi lúc đó rất rộng, chủ yếu là đồi núi nên bà con Vĩnh Linh đã khai phá, trồng các loại hoa màu, cây lương thực như ngô, khoai, sắn, hồ tiêu, dong riềng. Ở gần với người Vĩnh Linh, người dân quê tôi học được cách chế biến khoai, sắn thành nhiều món ăn ngon như bánh bèo, bánh tu huýt, bánh bột lọc nhân đậu, nhân tôm... Đặc biệt, từ khi có đồng bào Vĩnh Linh ra sơ tán, quê tôi có thêm loại cây trồng mới là hồ tiêu và dong riềng (mà chúng tôi gọi là khoai chuối) do đồng bào mang ra trồng và hướng dẫn người dân quê tôi trồng cũng như chế biến ra những sản phẩm từ loại cây mới này. Cho đến nay, cây hồ tiêu Vĩnh Linh vẫn còn trong hầu hết các vườn của người dân quê tôi với tên gọi tiêu Vĩnh Linh.

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Đức Biểu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An (thứ hai, từ trái sang) nhận giải thưởng cuộc thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống hai huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) và Tân Kỳ (Nghệ An), năm 2019. Ảnh: XUÂN LƯƠNG

 

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, bà con Vĩnh Linh hồi hương, thì khu bà con từng ở được đặt tên là đồi Vĩnh Linh.

Cách đây 3 năm, đồng chí Nguyễn Đức Biểu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Nghĩa Hợp chuyển cho tôi lá thư của cô giáo Trần Thị Dung, ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), gửi cho UBND xã Nghĩa Hợp. Trong thư, cô Dung thông tin về một liệt sĩ quê ở xã Nghĩa Hợp, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng). Liệt sĩ mà cô Dung thông tin về xã là anh trai tôi. Theo số điện thoại trong thư, tôi gọi cho cô Dung và được biết, cô là người Vĩnh Linh, sơ tán ra Tân Kỳ. Học xong sư phạm, cô có thời gian dạy học ở xã Nghĩa Hợp. Sau này, cô trở lại quê Vĩnh Linh tiếp tục công tác và theo chồng về sinh sống ở huyện Hải Lăng. Khi nghe tôi nói liệt sĩ đó là anh trai tôi, hy sinh năm 1972, cô Dung bảo: “Gia đình em ở xa, chưa đưa anh về được, nhưng gia đình cứ yên tâm. Ở đây mọi người đều trông coi phần mộ các liệt sĩ như người thân đã khuất của mình...”. 

Đồng chí Nguyễn Đức Biểu chia sẻ với tôi: “Tân Kỳ trở thành quê hương thứ hai, đã nuôi dưỡng gần 30.000 người dân Vĩnh Linh. Gần 60 năm qua, nghĩa tình Tân Kỳ-Vĩnh Linh không ngừng được vun đắp và đã trở thành mối quan hệ đặc biệt, là quê chung của nhân dân hai địa phương. Hằng năm, chúng tôi vẫn tổ chức đoàn công tác vào Vĩnh Linh thăm bà con, thăm các địa danh lịch sử như địa đạo Vịnh Mốc, thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nghĩa tình Tân Kỳ-Vĩnh Linh, Vĩnh Linh-Tân Kỳ luôn sắt son như thế...”.

CAO XUÂN LƯƠNG