Theo di huấn và đáp lại tình cảm, sự quan tâm của Bác, Đảng bộ, quân và dân Thái Bình đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đã và đang phấn đấu thành tỉnh “gương mẫu về mọi mặt”...
Nơi in dấu chân Người
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Thái Bình, năm 1967. Ảnh tư liệu |
Theo một số tư liệu lịch sử, ngay từ những năm đầu tiên của thế kỷ 20, Nguyễn Sinh Cung (tên lúc nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã theo cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ra Kiến Xương, Thái Bình để tìm gặp và tiếp xúc với một số sĩ phu yêu nước ở đất Bắc. Sau này, trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, theo dõi các sự kiện diễn ra ở nơi đây, đặc biệt là cuộc biểu tình lớn của nông dân Tiên Hưng-Duyên Hà và khởi nghĩa nông dân Tiền Hải trong cao trào cách mạng 1930-1931... Trong kháng chiến chống Pháp, Thái Bình có các địa danh như làng kháng chiến Nguyên Xá, Tán Thuật, những người như nữ Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Chiên, nhất là ông Vũ Ngọc Nhạ (quê ở Vũ Hội, Vũ Thư), người được Bác Hồ trực tiếp tuyển chọn, giao nhiệm vụ, sau là “ông cố vấn” với những chiến công như huyền thoại... Có lẽ những ký ức sâu đậm trong chuyến đi cùng cha ngày thơ bé và ấn tượng về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng với nhiều con người xuất sắc đã tác động và để lại nhiều tình cảm tốt đẹp với Bác lúc sinh thời. Vì thế, khi trên cương vị Chủ tịch nước, giữa bộn bề công việc và nguy nan thời chiến, Người vẫn nhiều lần về thăm và chỉ đạo phong trào cách mạng ở Thái Bình.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập, đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, ngày 10-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Thái Bình lần thứ nhất. Người làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại Ủy ban Hành chính tỉnh, Người căn dặn: Phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết các thân hào, thân sĩ, trước hết phải lo giải quyết nạn đói cho nhân dân và nhanh chóng khắc phục đoạn đê mới bị vỡ. Sau đó, Người đến thăm đoạn đê vừa bị vỡ-đê Đìa thuộc huyện Hưng Nhân. Trước đông đảo đồng bào Thái Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên và nhắc nhở: Nhiệm vụ trước mắt là phải đắp lại đê và cứu đói.
Ngày 28-4-1946, biết tin nhân dân Thái Bình chỉ trong 3 tháng đã khắc phục được hậu quả hai quãng đê bị vỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thái Bình lần thứ hai. Người khen ngợi thành tích tăng gia sản xuất của nhân dân và kêu gọi mọi người phải đoàn kết, ra sức diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Sau đó, Bác đến thăm quãng đê vỡ đã được hàn gắn. Người xem xét rất kỹ đoạn đê và nhắc phải bảo đảm đầm đất kỹ hơn nữa.
Tiếp đó, trong các năm 1958, 1962, Bác về thăm, động viên tỉnh vì thành tích trong phong trào hợp tác hóa, phong trào lấn biển khai hoang và nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, chiều 31-12-1966, trong hoàn cảnh thời chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thái Bình lần thứ 5. Sáng 1-1-1967, trong buổi nói chuyện với các đại biểu cán bộ và nhân dân Thái Bình tại đình Phương Cáp, Bác khen ngợi Thái Bình có nhiều tiến bộ. Cuối cùng, Bác gửi lời hỏi thăm tới toàn thể nhân dân, chiến sĩ, bộ đội, công an, dân quân trong tỉnh. Người căn dặn: “… Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.
Ngoài những vinh dự trên, nhân dân và Đảng bộ Thái Bình còn nhận được muôn vàn tình thương yêu và chăm sóc của Bác. Bác thường xuyên theo dõi các phong trào thi đua, viết báo biểu dương và gửi thư khen những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đạt được. Trong nhiều năm theo dõi Báo Thái Bình tiến lên, Bác đã thưởng huy hiệu cho 67 người trong phong trào người tốt, việc tốt. Bác khen 41 giáo viên dạy giỏi, 197 học sinh giỏi. Bác hai lần gửi thư khen Hợp tác xã Tân Phong có thành tích đạt năng suất lúa cao, khen Hợp tác xã Nam Hưng (Thái Ninh), Đông Bình Cách (Đông Quan) chăn nuôi trâu, bò giỏi, khen Hợp tác xã Hiệp Hòa (Thư Trì) trồng cây giỏi, khen Đội thủy lợi Quang Trung (Vũ Vân, Vũ Tiên) làm thủy lợi giỏi. Bác gửi Tỉnh ủy 3 tấm ảnh có chữ ký của Người làm phần thưởng.
Sau này, tại những nơi Bác đến thăm, nhân dân lập đền thờ, dựng bia để ghi nhớ sự kiện lịch sử và nhắc nhở các thế hệ phấn đấu, vươn lên làm theo lời Bác Hồ dặn. Tỉnh Thái Bình cũng đã khánh thành Đền thờ Bác Hồ và đang hoàn thiện công trình tượng Bác Hồ với nông dân ở quảng trường trung tâm tỉnh vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh (21-3-1890 / 21-3-2020) và 130 năm Ngày sinh của Bác (19-5-1890 / 19-5-2020). Sân vận động thị xã trước đây (nay thuộc thành phố) nơi Bác 3 lần dừng chân và nói chuyện với nhân dân, tỉnh dự kiến sẽ quy hoạch thành một quảng trường với các công trình công cộng cho người dân được thụ hưởng và gắn bia ghi nhớ địa danh in dấu chân Người.
Làm theo di huấn của Bác
    |
 |
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình và các đại biểu dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Bác Hồ (phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình). Ảnh: Báo Thái Bình |
Thực hiện Di chúc thiêng liêng, đặc biệt là những tình cảm sâu nặng, lời chỉ bảo ân tình và mong muốn của Bác với “quê hương 5 tấn”, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn, thời kỳ cách mạng.
Ngay trong khói lửa chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lực lượng lao động nam giới được huy động cho chiến trường, lao động còn lại ở địa phương chiếm 70-75% là nữ, nhưng Thái Bình luôn dẫn đầu năng suất lúa toàn miền Bắc, đạt bình quân 5 tấn/ha năm 1966; 6 tấn/ha năm 1972; 7 tấn/ha năm 1974. “Quê hương 5 tấn” Thái Bình là niềm tự hào, là biểu tượng về tinh thần nỗ lực thi đua lao động sản xuất nông nghiệp của cả miền Bắc khi đó. Với tinh thần “Thái Bình dốc lòng chi viện cho tiền tuyến”, mặc dù chỉ chiếm 5% diện tích canh tác của miền Bắc, Thái Bình luôn đóng góp cho Nhà nước 10-12% tổng lượng lương thực huy động của miền Bắc.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên cả nước lên đường chống đế quốc Mỹ xâm lược, từ năm 1965 đến 1975, Thái Bình đã động viên 18% dân số lên đường tòng quân, tham gia thanh niên xung phong làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân so với dân số cao nhất miền Bắc. Khi đế quốc Mỹ dùng không quân và hải quân phong tỏa, đánh phá miền Bắc, với Phong trào “Toàn dân đánh giặc”, quân và dân Thái Bình đã bắn rơi 44 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến của địch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của cải, cùng toàn miền Bắc “chia lửa” với chiến trường miền Nam, góp phần bảo vệ vững chắc hậu phương xã hội chủ nghĩa. Thái Bình tự hào là quê hương của Phong trào “Thóc vượt cân, quân vượt mức” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, dưới ánh sáng nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tiễn địa phương và đã đạt được những kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các nhiệm kỳ, kinh tế của tỉnh luôn đạt được tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, vững chắc. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm (2011-2015) tăng 8,04%/năm; đặc biệt, năm 2018 là năm thứ ba thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. GRDP đạt 49.870 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tiếp tục quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 259/263 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; tỉnh phấn đấu đến hết năm 2019, 100% các xã và 2-4 huyện về đích nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia đấu nối nước sạch nông thôn được đẩy mạnh, đến nay, 100% số hộ trong toàn tỉnh đã đấu nối nước sạch, trong đó, 97% số hộ đã sử dụng nước sạch...
Ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng bộ, nhân dân, các LLVT tỉnh Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý. Đến nay, toàn tỉnh có 332.827 người được Nhà nước ghi nhận có công với cách mạng, trong đó có hơn 5.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 100 tập thể, gần 100 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng Lao động; hơn 50.000 người con của quê hương Thái Bình đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; hơn 32.000 thương binh, bệnh binh; gần 50.000 gia đình có công với nước...
Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra đã cơ bản hoàn thành, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã vượt. Định hướng phát triển trong những nhiệm kỳ tới đang hình thành rõ nét. Trong đó, có một số định hướng cụ thể, như: Hoàn thiện về quy hoạch và cơ chế, chính sách để xây dựng Khu kinh tế Thái Bình với diện tích 31.000ha. Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch và trình Chính phủ phê duyệt, đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư. Với quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp là 8.000ha, cộng với quỹ đất phát triển đô thị, nông nghiệp... khu kinh tế này đang được các nhà đầu tư rất quan tâm và khi được hiện thực hóa, chắc chắn sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh sẽ đầu tư, phát triển Khu du lịch sinh thái Cồn Vành với diện tích 6.000ha. Hiện nay đã có các nhà đầu tư đến xây dựng hệ thống điện gió, khu sân golf, khu dịch vụ du lịch... Tương lai, Cồn Vành sẽ phát triển nhanh, là một trong những khu vực trọng điểm về dịch vụ du lịch của tỉnh Thái Bình.
Đồng thời, tỉnh cũng đã và đang chuẩn bị triển khai một số đề án lớn, như: Xây dựng khu công nghiệp, phục vụ nông nghiệp của Tập đoàn THACO-Trường Hải; xây dựng tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường từ thành phố đi cầu Nghìn…; xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu theo tinh thần Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy... Các đề án này sẽ tạo bước phát triển vượt bậc và diện mạo mới cho tỉnh Thái Bình trong những năm tới và tương lai.
ĐẶNG TRỌNG THĂNG, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình