Trong nhiều nghề ở phương Tây, Nguyễn Ái Quốc đã chú tâm học một nghề không để kiếm sống mà để cứu nước. Đấy là nghề làm báo. Những tác phẩm văn học, báo chí, kiến nghị của Nguyễn Ái Quốc đã làm rung động nhà nước và nhân dân Pháp như Yêu sách của nhân dân An Nam (Revendications du peuple Annamite) ngày 18-6-1919; Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la colonisation francaise) năm 1925. Năm 1922, Người sáng lập Báo Người cùng khổ (Le Paria) trực thuộc Hội Liên hiệp Thuộc địa. Bác vừa là người sáng lập, vừa là chủ bút, phóng viên... Báo được in 3 thứ tiếng: Pháp, Ả rập và Trung Quốc. Số đầu tiên ra ngày 1-4-1922, Người cùng khổ đã đăng lời nói đầu tuyên bố rằng báo này “là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”.
Báo Thanh Niên do Người sáng lập ra số 1 vào ngày 21-6-1925, trụ sở ở số nhà 13A đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Louis Marty, Chánh mật thám Pháp viết trong bộ sách “Đóng góp vào lịch sử các phong trào chính trị ở Đông Pháp” (Nha Công tác chính trị và công an trực thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1933): “... Cần phải nói ngay rằng tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả các đảng viên ở nước ngoài, ở trong nước và đông đảo người cảm tình đọc, những người đọc này chẳng những tự mình đọc Báo Thanh Niên mà còn chép đi chép lại nhiều lần để cho người khác đọc”.
Ngày 21-6 trở thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và Bác Hồ là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người còn sáng lập ra các tờ: Quốc tế Nông dân (năm 1924), Công Nông (năm 1925), Lính Kách mệnh (năm 1925), Thân ái (năm 1928), Việt Nam Độc lập (năm 1941), Cứu quốc (năm 1942)... Ngay khi đất nước mới giành được độc lập, Bác đã chỉ thị thành lập Đài Phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 7-9-1945; Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 15-9-1945; Báo Nhân Dân ngày 11-3-1951; Báo ảnh Việt Nam ngày 15-10-1954; đặt tên Báo Quân đội nhân dân ngày 20-10-1950... Năm 1949, Bác đã chỉ đạo thành lập và đặt tên cho cơ sở đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên ở nước ta: “Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”, đặt tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong thư gửi lớp học đầu tiên, Người khẳng định: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc... Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”.
Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Người khẳng định: “Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: Làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong suốt cuộc đời của mình, Bác Hồ đã viết gần 3.000 bài báo trong nước và quốc tế với gần 200 bút danh khác nhau; riêng cho Báo Nhân Dân là 1.200 bài. Là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, Bác đã dành cho báo chí sự quan tâm đặc biệt. Cuộc đời làm báo của Người và những huấn thị về báo chí, những câu chuyện tiếp xúc với báo giới trong và ngoài nước... để lại cho các thế hệ làm báo những bài học vô giá.
Lý tưởng, sứ mệnh của báo chí, của người làm báo cách mạng là chiến đấu quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì những quyền cơ bản của con người. Trong tuyên ngôn của Báo Người cùng khổ năm 1922, Bác viết: “Báo chí là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”. Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962, Người nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong “Thư gửi trí thức Nam Bộ” ngày 25-5-1947, Người viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Trong báo chí cách mạng, Người đặc biệt chú ý đến báo Đảng. Trong bài “Cần phải xem báo Đảng” đăng trên Báo và Nhân Dân số 197 (từ ngày 22 đến 24-6-1954), Người viết: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất”. Đấy là một định hướng rất cụ thể, rõ ràng, là bài học nằm lòng cho những người làm báo.
Mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, báo chí và chính trị đã được Bác Hồ giải quyết một cách dứt khoát ngay từ trong kháng chiến chống Pháp: “Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Bác phê phán mạnh mẽ tư tưởng coi báo chí là phi giai cấp. Người nhấn mạnh: Nói đến báo chí là nói đến người làm báo. Nói đến người làm báo trước hết là nói đến việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, học tập chính trị và nghiệp vụ, phải coi chính trị là chủ. Không vững về lập trường chính trị thì không thể làm báo cách mạng. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Người nói: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo... phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”.
Trong các bài nói chuyện, trong những lần gặp gỡ trực tiếp với các nhà báo, Bác đều để lại những bài học nghề nghiệp sâu sắc. Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác đã tổng kết kinh nghiệm thành lý luận kinh điển: “Kinh nghiệm của Bác là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”.
Bản chất của báo chí tiến bộ là tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật. Bác thường xuyên căn dặn: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”… Từ năm 1954, Bác đã phê bình lối viết một chiều, chỉ nêu thành tích mà “rất ít phê bình các khuyết điểm”. Không có vùng cấm trong phê bình, nhưng phê bình phải cốt để giúp sửa khuyết điểm chứ không để vùi dập. Viết báo không chỉ cần nội dung mà còn cần chú ý hình thức thế nào cho hay, cho đẹp. Nói chuyện tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III năm 1962, Bác đặt ra yêu cầu đối với tất cả những người cầm bút: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi”. Trong các tác phẩm chính trị và gần 3.000 bài báo của Người, có những luận văn chính trị có sức mạnh thay đổi tình hình và có giá trị vĩnh hằng như “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, có những bài báo mở đầu cho một phong trào thi đua yêu nước, có những bài giúp sửa chữa một khuyết điểm trong công tác... Bài nào cũng mang tính thiết thực, bổ ích; đem lại những bài học, những kinh nghiệm cho người viết báo từ cách chọn đề tài, đặt tiêu đề đến dùng từ, chọn chữ...
“Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút, chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng, nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ bình dị giàu hình tượng, nói được điều lớn bằng chữ nhỏ”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng
|
NGUYỄN SĨ ĐẠI