Chúng tôi có dịp gặp ông và được nghe kể lại những ký ức về tình quân dân, sự dũng cảm, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ trong những năm tháng xây bến và tiếp nhận sự chi viện từ hậu phương miền Bắc, góp phần quan trọng hình thành con đường vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Bến cảng giữa lòng dân

Để cung cấp thêm nhiều vũ khí, trang bị cho cách mạng miền Nam đánh giặc, theo chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, Trung ương Cục miền Nam chọn Cà Mau làm bến đột phá để khởi điểm xây dựng các bến khác, mở đường tiếp nhận vũ khí từ hậu phương miền Bắc. Do khu vực biển ở Cà Mau có nhiều bãi bồi, luồng, lạch được bao quanh bởi rừng đước nguyên sinh, quan trọng hơn nữa là sự ủng hộ của nhân dân nên rất thuận lợi cho tiếp nhận tàu và cất giấu vũ khí.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy nhớ lại: “Cà Mau là cái nôi của khởi nghĩa Hòn Khoai. Nhân dân có ý chí quật cường, tấm lòng quả cảm, hết lòng vì cách mạng. Tôi vẫn còn nhớ, khi có chủ trương dời dân vào sâu trong rừng nhường vị trí làm bến tiếp nhận thì chỉ trong vòng ba tháng (từ tháng 7 đến tháng 10-1962), 800 hộ dân đã di chuyển xong, tốc độ di dời rất khẩn trương để nhường đất cho chúng tôi. Nhờ vậy, chuyến tàu đầu tiên của ta xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) chở 30 tấn hàng đã cập bến Vàm Lũng an toàn vào ngày 17-10-1962. Đây là con tàu đầu tiên mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển” vào chiến trường miền Nam”.

leftcenterrightdel
Đại tá Khưu Ngọc Bảy (thứ 9, từ phải sang) cùng các cựu chiến binh bên tượng đài Vàm Lũng.

Những con tàu vượt biển tiếp nhận vũ khí đã khó, nhưng việc cất giữ, bảo quản và chuyển vũ khí đến được các đơn vị trên chiến trường lại càng khó khăn gấp nhiều lần. Chính từ những khó khăn, hiểm nguy ấy, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân mà cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà Diệp Thị Nang, 75 tuổi ở ấp Vinh Hạng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) là một trong những người sát cánh cùng Đoàn 962 từ những ngày đầu thành lập, gia đình bà đã chở che và đóng góp nhiều công sức cho việc cất giấu vũ khí. Bà Nang cho biết: “Lúc đó, khí thế cách mạng sục sôi dữ lắm, hễ các chú cần gì gia đình chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, từ việc nạo vét luồng lạch đến đón tàu vào, đưa tàu ra, ngụy trang, bốc dỡ… Có những lúc địch tuần tra, kiểm soát gay gắt nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm giữ bến, giữ cơ sở để không bị lộ”.   

Chiến công gắn liền với sức dân

Trong những năm vận chuyển vũ khí, một số chuyến của ta bị lộ, địch phong tỏa gắt gao đường biển và các cửa sông nên việc tiếp nhận vũ khí từ Bắc vào Nam hết sức khó khăn. Từ đây, Đoàn 962 thực hiện nhiệm vụ với phương thức vận chuyển mới, khai thông tuyến đường biển Bắc-Nam bằng tàu hai đáy. Đại tá Khưu Ngọc Bảy nhớ lại: “Trong điều kiện kẻ thù phong tỏa, ngăn chặn nhiều tầng, nhiều lớp, rình rập, lùng sục gắt gao ở khu vực biển từ Đồng bằng sông Cửu Long trở ra, để che mắt địch, chúng tôi đã đóng giả nhiều vai như: Nhà tư sản, dân đánh cá… và nhờ ngư dân giúp đỡ để hoạt động trót lọt cho đến ngày toàn thắng”.

Năm 1966, khi tàu chuẩn bị vào bến, địch phát hiện có tàu lạ hoạt động nên tăng cường tuần tra, cho lực lượng ngăn chặn các cửa sông. Tàu của ta phải ẩn nấp ở một con rạch, luồn lách, né tránh, bị lạc đường và đêm sau mới tìm được bến. Cựu chiến binh Huỳnh Văn Nữa (77 tuổi), nguyên chiến sĩ của đoàn kể lại: “Khi chúng tôi vào bến thì du kích và lực lượng an ninh của ta tưởng tàu địch nên đã nổ súng. Lực lượng trên tàu phải dùng nhiều ám hiệu, các đồng chí trên bờ mới nhận ra. Được lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân hướng dẫn, chúng tôi mới ém vào rạch, đốn cây ngụy trang, giữ bí mật cho tàu. Nhờ bà con quen đường, hướng dẫn đi nên tàu không ra biển để vào bến mà đi bằng đường sông. Đây là tuyến sông có dân làm ăn sinh sống nên tàu đã di chuyển rất thuận lợi và cập bến an toàn”.

Ngoài nhiệm vụ tiếp nhận, cất giữ, vận chuyển vũ khí, đoàn còn tổ chức đưa đón, bảo vệ an toàn các đồng chí Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội tăng cường cho cách mạng miền Nam. Những chiến công ở bến Vàm Lũng đã góp phần đánh bại chiến dịch “Sóng tình thương”, trận càn “Phượng Hoàng GT-1”… làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Từ năm 1962 đến 1975, tại bến Vàm Lũng, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962 cùng với nhân dân Cà Mau đã mưu trí, dũng cảm vượt qua sự phong tỏa, lùng sục của kẻ thù, tiếp nhận 124 chuyến tàu với gần 7.000 tấn vũ khí, phục vụ kịp thời cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 

Bài và ảnh: PHAN HỮU TÀI